01/02/2015 09:26 GMT+7

Khai diễn Nửa đời hương phấn: Còn lại một ký ức

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Tối 30-1, vở Nửa đời hương phấn (soạn giả: Hà Triều - Hoa Phượng) mở màn chương trình Tài danh đất Việt tại Nhà hát Bến Thành.

Nghệ sĩ Phượng Liên (vai Hương - The), NSƯT Thanh Sang (vai Cang) trong vở Nửa đời hương phấn. cảnh này, NSƯT Thanh Sang bị tụt huyết áp nhưng ông vẫn ráng hát cho hết lớp diễn - Ảnh: N.Lộc
Nghệ sĩ Phượng Liên (vai Hương - The), NSƯT Thanh Sang (vai Cang) trong vở Nửa đời hương phấn. cảnh này, NSƯT Thanh Sang bị tụt huyết áp nhưng ông vẫn ráng hát cho hết lớp diễn - Ảnh: N.Lộc

Đây là chương trình do công ty của nghệ sĩ Gia Bảo thực hiện nhằm hội tụ các nghệ sĩ cải lương tài danh để cùng nhau dựng lại những vở tuồng kinh điển theo phong cách của Đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga khi xưa.

Vở diễn quy tụ rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi mà công chúng yêu cải lương chờ đợi: nghệ sĩ Phượng Liên (vai Hương - The), NSƯT Minh Vương (vai Tùng), NSND Lệ Thủy (vai Diệu), NSƯT Thanh Sang (vai Cang), NSƯT Út Bạch Lan và NSƯT Bảo Quốc (ba và má của Hương); bên cạnh một số nghệ sĩ thế hệ sau này như NSƯT Hữu Châu, NSƯT Hữu Quốc, Hồng Loan, Gia Bảo, Hà Linh...

Trong lần dựng lại này, đạo diễn Hữu Châu gần như giữ lại cơ bản những đường nét của Nửa đời hương phấn năm xưa, chỉ xử lý thêm phần ánh sáng và tạo hiệu ứng sân khấu để có những khoảnh khắc đẹp. Nhà hát Bến Thành gần như kín chỗ trong đêm đầu tiên.

Và các nghệ sĩ đã nỗ lực hết mình cho vở diễn dù có những sự cố xảy ra ngoài mong muốn. Nghệ sĩ Phượng Liên gạt nỗi đau vừa mất mẹ (mẹ bà vừa qua đời ngày 29-1) nhưng đã cố gắng đi hết cuộc đời nhọc nhằn, nhiều nước mắt của Hương.

NSƯT Thanh Sang vừa đóng xong cảnh đầu đã bị tụt huyết áp, chỉ nghỉ ngơi được vài phút ông cương quyết ra sân khấu để hoàn thành cho xong cảnh sau.

Xem ông hát mà bạn diễn và khán giả nín thở hồi hộp, bước chân ông xiêu vẹo, không thể làm chủ được làn hơi, có chiếc áo mà ông khoác hoài không được, nghệ sĩ Phượng Liên và Minh Vương phải xúm vào làm giúp.

Cuối cùng, nghệ sĩ Hà Linh (con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga) phải ra sân khấu vừa diễn, vừa dìu ông vào bên trong.

*

Ngồi ở những hàng đầu của khán phòng Nhà hát Bến Thành, bà Mã Thị Nữ, năm nay 79 tuổi, cho biết:

“Tôi có con rể, con gái làm việc bên Hong Kong nên qua đó chơi. Đáng lẽ bảy ngày nữa tôi mới về VN, nhưng nghe có tuồng này nên hối con đổi vé để bay về sớm. Tôi mua vé hàng ghế này tới 1,5 triệu đồng vì muốn nhìn cho rõ Út Bạch Lan, Thanh Sang, Phượng Liên... giờ sao rồi.

Tuồng này tôi coi từ hồi Thanh Nga diễn lận nên thuộc hết. Bây giờ coi lại, thấy nghệ sĩ cũng già hết rồi, hơi hám sao bằng hồi xưa, nãy giờ coi thấy cũng có mấy câu trong tuồng hồi xưa còn thiếu...”.

Trong khán phòng, khán giả cỡ tuổi bà Nữ khá đông. Họ ngồi xem và lẩm nhẩm hát theo. Mỗi khi nghệ sĩ tài danh xuất hiện họ vỗ tay rần rần, rồi bàn luận: Ông Thanh Sang lúc này ốm quá! Ổng yếu rồi! Bà Lệ Thủy lúc này phát tướng ra..., bà Phượng Liên ngó coi cũng còn đẹp...

Chợt nhớ hồi giữa năm ngoái, khi vở cải lương Chuyện tình Khau Vai du Nam có phát vé miễn phí. Vở được dàn dựng tốt, nội dung hấp dẫn nhưng mời bà con đi xem gần như ai cũng lắc đầu không muốn xem, vì nhìn tên dàn diễn viên không thấy ai quen, không có Minh Vương - Lệ Thủy...

**

Khi Gia Bảo thực hiện chương trình này và chương trình kỷ niệm 64 năm Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga năm ngoái, không ít người cho rằng đây chỉ là sự ăn theo, nương bóng vào hào quang cũ.

NSƯT Bảo Quốc - cố vấn chương trình - tâm sự:

“Chúng tôi không dám nghĩ mình có tài năng gì để xốc lại sân khấu cải lương như thời hoàng kim. Có thể có người nghĩ chúng tôi chỉ đang nhắc lại thời quá khứ vàng son. Nhưng thật ra cái nhắc cũng có tầm quan trọng, nhắc để người ta nhớ, để khán giả xem hát được thưởng thức cải lương đúng nghĩa.

Chương trình quy tụ rất nhiều nghệ sĩ tài năng với mong muốn khán giả thấy rằng cải lương rất đáng xem. Mấy chục năm rồi, các vở diễn có thể có những cái lạc hậu nhưng khán giả (80% lớn tuổi) vẫn thích, làm mới họ không chịu.

Chúng tôi sẽ cố gắng, nếu có khả năng lôi kéo được thêm đối tượng khán giả trẻ, chúng tôi sẽ mạnh dạn mời thêm các đạo diễn trẻ tài năng để làm những vở mới!”.

Lâu lâu, cải lương có một chương trình gây chú ý cũng là điều đáng mừng, nhưng một sân khấu phát triển không thể chỉ trông chờ vào những người lớn tuổi.

Cần lắm các nghệ sĩ trẻ tài năng, có đam mê với nghề để truyền tình yêu cải lương đến với khán giả trẻ. Và cũng cần lắm những “người lớn” biết cách dìu dắt thế hệ trẻ, đủ cởi mở để phát hiện ra những sáng tạo và khuyến khích họ đi đúng hướng...

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên