23/11/2014 12:59 GMT+7

​Mối tình dài nhất của Chun Yoo Oh

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Sống và làm việc tại Sài Gòn 10 năm, biên đạo múa Chun Yoo Oh đã có cho riêng mình những trải nghiệm tuyệt vời.

Biên đạo Chun tập múa trong... rừng cao su ở Đồng Nai - Ảnh: Nguyệt Quế

Và ngày 1-12 này tại Nhà hát TP, bà sẽ trở lại với một chương trình múa đặc biệt mang tên Arirang Sài Gòn, để kể một câu chuyện giản dị bằng những “chất liệu” độc đáo: đàn bầu Việt Nam, ca khúc Arirang nổi tiếng của xứ Hàn và một tình yêu mãnh liệt dành cho múa.

53 tuổi nhưng biên đạo múa người Hàn Quốc Chun Yoo Oh sẽ khiến cho bất kỳ cô gái trẻ nào cũng phải ganh tị bởi làn da trong mịn, mượt mà và một vóc dáng “thiếu nữ” đáng ngưỡng mộ. Bà bảo: “Ở tuổi này, quay trở lại với múa là một quyết định khó khăn, nhưng một khi trong lòng đã có ý chí thì chắc chắn sẽ làm được”.

Sân khấu không chỉ là khán phòng nhà hát

Sinh ra tại cảng Masan và lớn lên cùng gió biển Busan, năm 12 tuổi Chun Yoo Oh đã say mê và tìm đến múa như một mối duyên nợ. “Múa là người yêu đầu tiên và là mối tình dài nhất trong suốt cuộc đời tôi”.

Trầm ngâm và mơ màng, nghệ sĩ múa Chun Yoo Oh tâm sự: Sau khi tốt nghiệp Trường trung học nghệ thuật Sunhwa và Đại học nữ sinh Ewha, Chun Yoo Oh tiếp tục tham gia nghiên cứu bậc tiến sĩ tại trường với chuyên ngành nghệ thuật và bảo vệ thành công đề tài chuyển động trong lĩnh vực múa tại Đại học Surrey, Vương quốc Anh. 

14 năm sau đó, Chun Yoo Oh trở thành giáo sư, giảng dạy và biên đạo cho các chương trình múa lớn tại Đại học Seowon, Hàn Quốc.

Múa từ giây phút ban đầu đã trở thành linh hồn và lẽ sống của Chun Yoo Oh. Mọi chuyện chỉ thật sự đảo lộn khi năm 2004, để phục vụ cho công việc của gia đình chồng, Chun Yoo Oh đặt chân đến Sài Gòn và nói lời chia tay với giấc mơ “thiên nga” đẹp đẽ...

“Công việc kinh doanh với tôi lúc đó vô cùng lạ lẫm. Tôi thậm chí chỉ nghĩ, à, mình sẽ có một chuyến đi trải nghiệm để làm tăng vốn sống và ngôn ngữ cho những bài múa sắp tới! Nhưng rồi việc kinh doanh mới mẻ, bận rộn đã không cho tôi có thời gian dành cho múa nữa. Thấm thoát cũng đã gần 10 năm tôi xa quê hương, sống và gắn bó với Sài Gòn” - bà Chun Yoo Oh bộc bạch.

Trong cảm giác của biên đạo Chun thì Sài Gòn thay da đổi thịt mỗi ngày. Bà kể: “Tôi có thói quen đi bộ dọc bờ sông Sài Gòn hoặc đi xa ra khỏi thành phố để tản bộ trong những cánh rừng cao su ngút ngàn, có lúc lại loanh quanh ở Nhà hát TP, chợ Bến Thành để tìm cảm hứng.

Và tôi nhận ra những thanh âm sôi động của một thành phố lúc nào cũng căng đầy năng lượng này luôn cho tôi những cảm giác tươi mới khi nghĩ về múa. Đó là lý do vì sao nhiều năm qua, rừng cao su và bến sông Sài Gòn đã trở thành nơi tập múa lý tưởng của tôi.

Có lần, tôi còn ngẫu hứng đứng múa ngay trước cửa... chợ Bến Thành và thấy thật tuyệt vời. Sân khấu với tôi không chỉ ở trong khán phòng nhà hát”.

Trở lại giấc mơ

Quan tâm đến múa như một hơi thở, bà cũng dành khá nhiều thời gian để đến xem những chương trình múa của các nghệ sĩ Việt và dạo gần đây lại có cơ hội xem thường xuyên hơn. “Những vở múa như Chuyện kể những chiếc giày, Sương sớm, Con tạo xoay... đều là những vở thành công.

Là người phụ nữ hơi nhạy cảm, tôi thấy trong tim sự lãng mạn đang sống dậy trong các vở múa ballet đương đại Việt: chúng gần gũi, chân thật và tuyệt nhiên không mang chút sắc màu giả dối” -
biên đạo Chun cảm nhận.

Và tình yêu không suy suyển dành cho “mối tình đầu” của giáo sư Chun chính là động lực lớn nhất để bà quyết định thử thách mình một lần nữa, với múa, ở tuổi ngoài 50.

“Ba năm trở lại đây tuổi tác đã bắt đầu làm tôi chậm chạp, tôi nghĩ đến cái chết thường xuyên hơn (cười). Tôi không phải là người bi quan nhưng đến một tuổi nào đấy nó sẽ là như vậy! Và tôi tự đặt cho mình câu hỏi: liệu có nên từ bỏ tất cả đam mê, lẽ sống của bản thân mình vì chồng con hay không? Gần đây nhất, tôi phải nhập viện một tuần vì sức khỏe không tốt.

Lúc nằm trên giường bệnh, tôi nghe một bản nhạc và lập tức trong đầu những động tác múa cứ hiện ra rất rõ ràng. Lúc đó tôi hiểu khi tâm hồn tôi còn rung rinh và nhạy cảm với một bản nhạc, nghĩa là lúc tôi sẽ bắt đầu lại giấc mơ của mình cho dù tôi không còn trẻ nữa”
- biên đạo Chun chia sẻ.

Năm 2013, biên đạo Chun đánh dấu sự trở lại của mình với Into the time, một chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống Hàn - Việt mà bà chỉ đứng sau với vai trò điều phối. Năm nay, khi cảm thấy đã đủ mạnh dạn sau gần một năm luyện tập không ngừng nghỉ, bà trở lại với Arirang trong cả vai trò biên đạo lẫn múa chính (5/11 tiết mục).

Arirang Sài Gòn

Bờ sông Sài Gòn cũng là “sân khấu” nhiều năm qua của biên đạo Chun Yoo Oh - Ảnh: Nguyệt Quế

Arirang vốn là bài dân ca truyền thống nổi tiếng của Hàn Quốc, được mệnh danh là “bản quốc ca không chính thức” của người Hàn với hơn 3.000 phiên bản khác nhau trên thế giới, đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể từ năm 2012. Người Hàn yêu nhạc truyền thống đi đến đâu thì Arirang theo chân họ đến đó.

Theo biên đạo Chun, người ta thường lấy địa danh vùng miền mình đang sống cộng với tên Arirang để cho ra một phiên bản mới đặc trưng và gửi gắm được nhiều thông điệp của bản thân nhất.

Với Arirang Sài Gòn, Chun Yoo Oh muốn dành riêng thông điệp về tình yêu đến những người bà, người mẹ, những cô con gái - những người phụ nữ châu Á luôn hi sinh, chấp nhận và nhẫn nhịn từ bỏ cả giấc mơ của cuộc đời mình vì chồng, con, gia đình.

rirang Sài Gòn bày tỏ tinh thần biết ơn, trân trọng nhưng cũng mạnh mẽ, quyết liệt để thôi thúc người phụ nữ dám sống với đam mê cá nhân của riêng mình thông qua câu chuyện về một nàng công chúa...

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên