04/11/2014 21:15 GMT+7

​Khám phá khoa học từ phim

ÐỨC TRIẾT
ÐỨC TRIẾT

TT - “Cây này bảy tuổi. Không, sáu vòng thì sáu tuổi chứ”. “Sao mà hay thế, mai tớ bảo mẹ mua chanh về làm pin”. “Cái bàn chải nhà tớ cũ rồi, tớ sẽ biến nó thành một robot”...

Học sinh khối 6 Trường Lômônôxốp sung sướng đóng vai những chú ong thụ phấn cho hoa - Ảnh: Đ.Triết
Hiệu quả của những buổi chiếu phim này lớn gấp nhiều lần so với những bài giảng “chay” mà giáo dục VN vẫn chưa thoát ra được
Thầy NGUYỄN QUANG TÙNG 
(hiệu trưởng Trường THPT Lômônôxốp)

Ðấy là những câu nói đầy ngạc nhiên, sung sướng và “ồ dễ quá” của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và cả trung học phổ thông ở Hà Nội trong những ngày các em được khám phá khoa học qua phim của Liên hoan phim khoa học quốc tế do Viện Goethe tổ chức, diễn ra từ ngày 24-10 đến 25-12.

Liên hoan phim khoa học quốc tế đang diễn ra tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam đến ngày 20-11. Riêng với các tỉnh thành phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Tháp, Đắk Lắk, liên hoan diễn ra từ ngày 28-11 đến 15-12.

1. Hôm khai mạc 24-10, 200 học sinh trường tiểu học và trung học cơ sở (khối 1 và khối 6) Trường Lômônôxốp đã được thưởng thức miễn phí loạt phim khoa học: Nhảy múa cùng bầy ong, Lemon car Người bạn robot.

Những ánh mắt tuổi thơ đã chẳng thể xao nhãng trước chú ong Maia nhảy múa để báo tin phấn hoa, một chiếc ôtô chạy được bằng pin nước chanh, hay robot bàn chải.

Ðám trẻ đã cười hết cỡ và cũng tròn xoe mắt trước những thí nghiệm rất đơn giản mà ai cũng có thể làm được để rồi thi nhau ưỡn ngực nói: “Tớ sẽ trở thành nhà khoa học như...các bạn trong phim!”.

Ở các buổi chiếu khác như rạp Kim Ðồng (26-10), Trường tiểu học Lê Quý Ðôn (28, 29-10), Trường THCS Trung Hòa (2-11), Trường tiểu học Wellspring (3-11), học sinh cũng luôn hào hứng, sôi nổi như thế. Và cái khéo của ban tổ chức là đã phân loại phim theo lứa tuổi để tổ chức các buổi chiếu ở các điểm trường.

Vì thế, các em học sinh tiểu học được dịp tìm hiểu về máy động học và đèn led. Các em học sinh trung học cơ sở thì được dịp hiểu ra bao điều trong loạt phim À, ra thế! kể về những chú cá heo sao có thể bơi nhanh đến vậy, “sức sống” bền lâu của cối xay gió.

Trí tò mò và muốn được khám phá của các em ở độ tuổi trung học phổ thông cũng phần nào được thỏa mãn với phim Annedroids - những người bạn mới, chuỗi phim chín phút rưỡi: Cuộc sống không có nhựa, Nhựa sinh học, Chiếc ôtô chạy bằng chanh, Nấu ăn từ năng lượng mặt trời...

Còn sinh viên thì được nghiền ngẫm những điều mới mẻ trong thế giới khoa học qua những bộ phim Ði trở lại, Siêu máy tính, Từng phần một, Cuộc cách mạng robot...

2. Làm sao đếm tuổi cây? Thụ phấn cho hoa như thế nào, chế tạo robot đơn giản ra sao...? Có thể thấy các hiện tượng, vấn đề khoa học đều được lý giải rất cụ thể, sinh động trên phim vì ngay sau mỗi bộ phim, các bạn trẻ còn được tham gia khám phá nên ai cũng thích thú và ghi nhớ lâu.
 
“Em rất thích thí nghiệm làm pin chanh. Nếu như ở trên lớp, em học giờ vật lý rất vất vả với những khái niệm phải học thuộc từng chữ thì hôm nay chỉ qua một bộ phim chừng 15 phút, em đã hiểu thế nào là pin, pin được tạo ra như thế nào” - bạn Trà Mi, học sinh lớp 8A8 Trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Ðình), chia sẻ sau buổi xem ở rạp Kim Ðồng.
 
Ðứng kế bên, chị Nguyễn Hải Hà - mẹ của Trà Mi - ngần ngại nói: “Ðến đây, tôi mới nhận ra các con của mình đâu phải chỉ say mê với mấy bộ phim hoạt hình đơn giản trên tivi hay các trò chơi ở điện thoại.
Chúng còn rất thích những bộ phim khoa học, những bộ phim khám phá thế giới, vũ trụ... Mà đây là một hướng giáo dục rất đúng, rất cần thiết cho các con. Nhưng tiếc là các bậc làm cha, làm mẹ chúng tôi gần như giao toàn bộ cho nhà trường dạy dỗ, bỏ mặc con mình... bơi trong kiến thức sách vở cùng những trò chơi vô bổ”.

Trò chuyện với các học sinh và khán giả tại các buổi chiếu, TS Almuth Meyer Zollitsch - viện trưởng Viện Goethe VN - nói: “Tiếp theo các chủ đề Rừng - Nước - Năng lượng tái tạo, liên hoan năm nay có chủ đề là Công nghệ mới cho tương lai bền vững.

Tôi thấy với thế giới, những hoạt động này là phổ biến nhưng với VN thì đây là những dịp may mắn để các em học sinh được tiếp cận với khoa học một cách hào hứng và lý thú nhất”.

Còn cô Lý Thị Sơn - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Ðôn - nhấn mạnh: “Khơi dậy niềm đam mê khoa học cho trẻ từ những bộ phim, những thí nghiệm đơn giản nhưng hữu ích là điều rất quan trọng. Tiếc là giáo dục VN vẫn bỏ ngỏ điều này vì còn phải ôm đồm quá nhiều kiến thức”.

ÐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên