24/10/2014 10:58 GMT+7

​Thời nguy kịch của công nghiệp âm nhạc đại chúng?

ĐỘC CẦM
ĐỘC CẦM

TT - Hiệp hội Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) vừa công bố một số liệu gây chú ý: lần đầu tiên trong lịch sử, không có một album nhạc đại chúng nào đạt danh hiệu Bạch kim (đạt con số 1 triệu bản).

Nền công nghiệp âm nhạc Mỹ đang đối diện với thời điểm khó khăn khi lượng tiêu thụ đĩa sụt giảm thê thảm - Ảnh: TBO.com
Nền công nghiệp âm nhạc Mỹ đang đối diện với thời điểm khó khăn khi lượng tiêu thụ đĩa sụt giảm thê thảm - Ảnh: TBO.com

Trong danh sách bốn đĩa nhạc tiêu thụ tốt nhất năm nay, đứng đầu là album nhạc phim hoạt hình Frozen, bán được 3,2 triệu đĩa.

Các album tiếp theo lần lượt là album mang tên chính ca sĩ, Beyoncé; Pure heroine của Lorde và Outsiders của giọng ca nam Eric Church. Sản phẩm của hai nữ ca sĩ chỉ cố được tới cái mốc 750.000 đĩa, còn album của ca sĩ nhạc country thì loanh quanh khoảng 20.000 bản.

Rõ ràng, đây là một dấu mốc lịch sử của công nghiệp âm nhạc Mỹ nói riêng và công nghiệp âm nhạc đại chúng nói chung. Bởi nó phản ánh rõ ràng sự suy giảm nghiêm trọng sản lượng của nền công nghiệp này. Tuy nhiên, đây không phải một hiện tượng nhất thời mà chỉ là kết quả của một quá trình vốn đã diễn ra vài năm nay.

Hiện tượng nhạc phim Frozen đặt ra câu hỏi có phải sản phẩm của một nghệ sĩ/nhóm nhạc dù nổi tiếng đến đâu cũng không được ưa thích bằng một đĩa nhạc dạng chọn lọc theo chủ đề?

Câu hỏi đặt ra là bởi đĩa nhạc này không hề quy tụ những ngôi sao nổi tiếng góp giọng trong khi những album như của Beyonce hay Lorde thực tế là có được giới truyền thông tung hô, khán giả đón nhận. Mà thực tế đĩa nhạc phim này cũng bán chạy chỉ nhờ vào ca khúc chủ đề Let it go gây sốt khắp thế giới. Nhưng lượng tiêu thụ lại hoàn toàn tỉ lệ nghịch với những điều đó.

Để lý giải, đa số giới phê bình “đổ tội” cho sự bùng nổ của thị trường nhạc số, đặc biệt là công nghệ nhạc streaming khiến người nghe tiếp xúc với ca khúc nhanh hơn là cả một đĩa nhạc.

Dù là streaming theo nhu cầu tức là người dùng tự chọn bài hát mình muốn nghe hay streaming phi tương tác qua các kênh Internet radio thì hệ quả cũng là người ta có thể thích một ca khúc của nghệ sĩ/nhóm nhạc nhưng lại không muốn mua cả đĩa nhạc. Một số liệu cũng do RIAA công bố có thể minh chứng ngay cho điều này. Đó là trong năm 2014 có 60 ca khúc bán được 1 triệu bản trở lên dưới mọi hình thức. Con số này năm ngoái là 83 ca khúc.

Nhìn về tương lai của công nghiệp âm nhạc, phe lạc quan cho rằng quý 4 mới là thời điểm kích cầu mua sắm, như vậy những con số RIAA mới công bố là chưa đáng lo ngại. Chưa kể những cái tên hứa hẹn sẽ ra đĩa mới cuối năm nay như Adele, Bruno Mars, Lady Gaga hay Taylor Swift đều từng có thành tích tiêu thụ đĩa đáng nể.

Tuy nhiên, phần đông giới phân tích cho rằng đã đến lúc chính nền công nghiệp âm nhạc Mỹ phải đối diện với thực tế rằng họ phải cải tổ mạnh mẽ và sâu sắc nếu không muốn một ngày “xuống mồ” cùng những hình thức ghi âm và cách tiếp thị âm nhạc truyền thống.

Nói như cây viết Joe Freimark của trang DeathandTaxes thì “vấn đề đâu phải chuyện sản phẩm âm nhạc hay hay dở mà là cách nào để khán giả không bỏ qua những sản phẩm âm nhạc trọn vẹn thay vì một vài bản hit?”. Nghệ sĩ sẽ thiệt hại, các nhà sản xuất thiệt hại và xa hơn là cách nghe của khán giả cũng sẽ bị ảnh hưởng không tích cực.

ĐỘC CẦM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên