22/10/2014 09:55 GMT+7

Sân khấu phía Bắc loay hoay tìm cửa bán vé

ÐỨC TRIẾT
ÐỨC TRIẾT

TT - Ðến suất diễn tối 28-10, 100 đêm diễn miễn phí kịch của tác giả Lưu Quang Vũ trong dự án Chắp cánh niềm tin của Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ khép lại.

NSƯT Chí Trung - phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ (người cầm micro) - giao lưu cùng khán giả trong CLB khán giả yêu sân khấu của nhà hát - Ảnh: Đức Triết

Chúng tôi hoạt động theo đúng tư duy: mỗi tác phẩm sân khấu đích thực là một sản phẩm văn hóa cần được “chào hàng”. Mà để “chào hàng” được, chúng tôi tích cực kết nối giữa tác phẩm và công chúng
Ông TRƯƠNG NHUẬN (giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ)

Trong bối cảnh khán giả mất thói quen mua vé (Tuổi Trẻ ngày 21-10), đây chính là kết quả của việc nhà hát năng động tự tiếp cận với đối tác là Ngân hàng SHB và Bảo hiểm BSH với nguồn tài trợ 2 tỉ đồng. Khán giả yêu kịch ở 109 trường đại học và cao đẳng tại Hà Nội được thụ hưởng kết quả đó suốt một năm qua. Nhưng khán giả đến với Nhà hát Tuổi Trẻ không chỉ bằng vé miễn phí.

Cú bứt lên của Nhà hát Tuổi Trẻ

Ông Trương Nhuận - giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - nói: “Chúng tôi hoạt động theo đúng tư duy: mỗi tác phẩm sân khấu đích thực là một sản phẩm văn hóa cần được “chào hàng”. Mà để “chào hàng” được, chúng tôi tích cực kết nối giữa tác phẩm và công chúng thông qua việc xây dựng những tác phẩm đạt về giá trị thẩm mỹ, giá trị xã hội, giá trị thương mại và luôn xác định công chúng tiếp nhận của mỗi vở diễn là ai, chứ không phải xây dựng theo ý thích của một êkip nào đó”.

Ðiều đó được thể hiện rõ ràng khi từ năm 2009 đến nay, nhà hát thường xuyên có những dự án hợp tác văn hóa với các đại sứ quán, trung tâm giao lưu văn hóa nước ngoài, tổ chức xã hội để vừa đem đến cho khán giả những vở kịch kinh điển của thế giới, vừa có những vở kịch mang giá trị xã hội để đi sâu vào nhiều đối tượng khán giả như Vòng phấn Kavkaz, Nhà búp bê, Mắc - bét, Tất cả đều là con tôi... Bên cạnh đó là những tác phẩm được xã hội hóa thành công như Ao làng, Nguyễn Du với Kiều, Nước mắt đàn ông, Táo cười đón xuân...

Hơn nữa, rạp Tuổi Trẻ luôn sáng đèn nhưng là sự điều tiết nhịp nhàng với các suất diễn cho chính kịch, sân khấu hài, các vở trong dự án xã hội... Lịch hoạt động biểu diễn cả tháng cố định từ 5-6 buổi hằng tuần đã in sẵn cho khán giả lựa chọn mua vé trước.

Vậy nên không đóng khung trong nhiệm vụ được giao (dàn dựng hai vở mới và chỉnh sửa nâng cao hai tiết mục cũ), một năm nhà hát xây dựng 10-12 chương trình mới, chỉnh sửa nâng cao 4-8 chương trình cũ. Phần nhiều các vở này đều bán vé (giá 120.000 - 150.000 đồng/vé).

Một điểm mới nữa là công tác phát triển khán giả được đẩy mạnh khi mới đây, nhà hát đã thành lập một ban truyền thông độc lập. Các hình ảnh, thậm chí cả trailer cho sản phẩm mới đều được ban truyền thông đưa lên Facebook, YouTube... để khán giả cập nhật một cách nhanh nhất.

Thêm vào đó, Nhà hát Tuổi Trẻ phát triển khán giả rất chuyên nghiệp khi mở lớp “bồi dưỡng nghiệp vụ miễn phí” nghệ thuật ca, múa, kịch cho khán giả trong CLB khán giả yêu sân khấu trong vòng ba tháng (từ tháng 10-2014 đến tháng 1-2015). Ai là hội viên sẽ mua một vé và được tặng một vé khi xem kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Bán vé được đấy chứ?

Bà bầu Hoài Oanh - người duy nhất trong mấy năm qua thi thoảng tổ chức các đêm diễn cho sân khấu - có lần nói: “Thỉnh thoảng tôi hôn trộm sân khấu một cái!”.

“Hôn trộm” sân khấu theo cách của bà Hoài Oanh là đưa các vở diễn ra sân khấu lớn như Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Nhà hát lớn để bán vé và đã thành công. Ðấy là những đêm kịch Lưu Quang Vũ, từ một đêm, ba đêm cho đến cả năm đêm, hoặc là diễn các vở hài kịch như Nước mắt đàn ông, Ao làng... “Rõ ràng khi không có giấy mời, khán giả vẫn tìm đến mua vé xem kịch đấy chứ?” - bà Hoài Oanh nói.

Không riêng gì câu chuyện ấy, dịp Liên hoan sân khấu thủ đô vừa qua, trong đêm diễn vở chèo Lời nói dối cuối cùng (tác giả Lưu Quang Vũ) tại rạp Kim Mã, có khán giả vừa gửi xe vừa vội vàng vào hỏi bảo vệ: Vé bán ở đâu? Ngay lập tức phe vé “theo sát” vị khán giả này...

Hay như tại rạp Công Nhân, NSND Minh Hòa - phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - đã khá bất ngờ khi tiếp một vị khách đến hỏi mua vé những vở diễn mới trong những ngày nhà hát chỉ diễn miễn phí để chào mừng ngày truyền thống của mình...

Thậm chí khán giả Nguyễn Huy Thành ở Ðống Ða, Hà Nội có lần thắc mắc: “Sao đến thời buổi này rồi mà kịch cứ miễn phí mãi thế nhỉ? Cần phải bán vé, dù lúc đầu giá vé thấp nhưng đấy là cách khuyến khích khán giả đóng góp giữ gìn sân khấu và là động lực để khán giả thưởng thức”.

Vậy là đâu có phải khán giả không chịu mua vé để xem kịch? Ðâu có phải khán giả chỉ đến rạp khi có giấy mời? “Ðiều đó là sự thật đối với những vở diễn chất lượng. Mặt khác, các nhà hát cần phải “dũng cảm” xóa bỏ tâm lý được xem miễn phí của khán giả để bán vé ngay từ đầu thì vẫn có thể...” - bà Hoài Oanh nói.

Bao giờ cho đến... ngày xưa?!

NSND Minh Hòa đã không dứt được cảm xúc đầy hào hứng khi nhớ lại những năm tháng hoàng kim của sân khấu phía Bắc khoảng những năm 1980 đến những năm 1990. Chị kể: “Sung sướng làm sao khi chúng tôi được làm việc cật lực, ăn sân khấu, ngủ sân khấu. Ăn khách nhất là những vở Hà Mi của tôi của NSND Doãn Hoàng Giang, bộ ba tác phẩm Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Quyền được hạnh phúc của Lưu Quang Vũ... ngày diễn 3-4 suất. Khán giả phải đem giấy giới thiệu cơ quan để xếp hàng mua vé nhận chỗ cả tháng. Còn phe vé đứng chật cả cửa rạp...”.

Hồi ức tươi đẹp ấy về sân khấu đã được những lứa nghệ sĩ như Minh Hòa, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Trần Hạnh, Lê Khanh, Lan Hương... luôn lưu giữ.

Và các nghệ sĩ đều cho rằng ngoài nhu cầu muốn được thưởng thức nghệ thuật của khán giả, có một yếu tố khác rất quan trọng kích thích khán giả đến rạp là công đoàn các cơ quan đều dành một khoản chi hằng tháng để mua vé cho cán bộ công nhân đi xem kịch, xem phim. Nhưng bây giờ thì công đoàn các cơ quan, đơn vị đều không còn quỹ ấy nữa.

“Ngược lại với thời vàng son, khi bắt đầu bước vào thời kỳ vắng khách, chúng tôi lại lọ mọ tìm đến các cơ quan, đơn vị để ký hợp đồng. Cách làm này cũng khá hiệu quả. Nhưng gần mười năm trở lại đây chúng tôi không thể làm việc đó nữa vì nhận thấy các đơn vị tỏ thái độ mình đang làm phiền họ...” - NSND Minh Hòa nói.

Thiếu vắng giải pháp chiến lược

Có một lý do nằm trong chủ thể sân khấu phía Bắc là họ bị đứt mạch sân khấu kịch trường. Phần lớn rạp hát ở Hà Nội đều đứt mạch, không sáng đèn hằng đêm, nên muốn đi xem một vở bất kỳ vào một đêm bất kỳ thì không thể. Ði qua nhà hát mà buồn, đêm nào cũng tối om om. Ðứt mạch kịch trường lâu, người sân khấu mất khả năng giao lưu và đối thoại với công chúng.

Chỗ này cần nói thêm một khi sân khấu bản chất là đối thoại mà không đối thoại được với công chúng nữa, tức là “không cứa vào lòng ai được nữa” (chữ dùng của Chế Lan Viên), thì không ai động lòng đi xem là phải. Không bị động lòng vì sân khấu đã không đụng đến những tâm tình, tình tự, suy tư trăn trở với những điều mà chính đời sống đã đặt ra!

Nhưng mặt khác cũng phải nói sân khấu Hà Nội đã quá quen với vòng tay bao cấp, cả khán giả cũng thế. Vòng phấn Kavkaz hay Tất cả đều là con tôi còn hay hơn mà bán có mấy chục vé lèo tèo thì dám sáng đèn được bao đêm! Cũng bởi khán giả đã quá quen với giấy mời, ngay cả diễn 100 buổi cho sinh viên cũng là do ngân hàng chi tiền tỉ để xem không mất tiền đấy chứ. Sinh viên sẽ quen với việc không chi trả tiền đi xem sân khấu! Vì thế tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Cứ như thế này thì sân khấu Hà Nội còn thất mùa dài dài.

Mất người xem đang là căn bệnh kinh niên khiến tình thế sân khấu hôm nay chông chênh, lại không thiếu ẩm ương khi hoàn toàn thiếu vắng giải pháp chiến lược cho sự phát triển sân khấu chung. Thật xót xa và đáng tiếc khi chúng ta từng có một sân khấu huy hoàng sáng chói như thế ở cuối thế kỷ trước!       

TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI

ÐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên