08/02/2013 07:30 GMT+7

Công dân quốc tế

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TTXuân - Đúng là một ngày trốn con. Mà trốn con để đi ăn tiết canh cháo lòng với chị bạn. Năm nào về thăm nhà chị cũng phải đi ăn tiết canh cháo lòng. Ăn thêm trứng vịt lộn nữa. Ăn cho đỡ thèm. Cho đỡ nhớ. Toàn những thứ ở bên xứ Bắc Âu chẳng kiếm đâu ra.

HMH4QUSE.jpgPhóng to

Buổi sáng chị bảo thằng con lai hôm nay mẹ đi có việc với cô bạn, con cứ đi chơi hoặc đi việc của con. Việc của con là việc nó và hai đứa bạn Bắc Âu nhân tiện chuyến đi này mang về mấy cái máy tính xách tay đã dùng, một số sách tiếng Anh đã dùng, đem tặng cho học sinh ở một cái làng miền núi không xa thành phố. Những thứ chúng nó quyên góp được ở bên kia, mang về bên này học sinh phổ thông vẫn dùng tốt. Chẳng ai xui ai bảo chúng nó. Chị cũng chẳng gợi ý. Thì ra cái thằng con chị, một thằng con lai không nói được tiếng Việt nhưng ít nhiều cũng có trong người máu mủ cội nguồn.

Riêng việc chị đi ăn cháo lòng tiết canh thì phải bí mật. Đi ăn mà phải che che giấu giấu như đi ăn cắp. Tụ tập với chị bạn mà như hội kín hội hở. Chị bạn bảo thì cứ rủ nó đi luôn, nó không ăn được cái này thì ăn cái khác. Chị thở dài. Dễ đâu mụ ơi. Mỗi nhà mỗi cảnh. Thằng con lai giờ đã hai mươi, sinh viên trường y năm thứ hai rồi.

Ngày trước mới mười bốn, một lần theo mẹ về thăm quê mẹ, nghe loáng thoáng mẹ ăn cháo lòng tiết canh, nó hỏi mẹ cũng uống máu tươi phải không. Uống máu tươi gia cầm, nó dùng chính xác một cụm từ như thế. Tiếng Việt có chữ tiết chữ huyết để chỉ thứ máu ăn được của động vật, nhưng tiếng Việt của nó còn nghèo, nó chỉ có một từ thẳng tuột. Nó còn nhắc lại bằng tiếng Anh raw blood, cái chữ tiếng Anh không phân biệt máu với tiết.

Còn ăn trứng vịt lộn thì nó bảo quả trứng đã thành con vịt, thấy cả mỏ cả cặp mắt nhắm nghiền, thấy cả lông vịt xanh đen. Ngày ấy nó rùng mình nhìn mẹ. Ghê ghê. Bây giờ chắc là nó sẽ bảo mẹ ăn những thứ ấy là mang bệnh vào người. Máu tươi. Lòng ruột động vật. Quả trứng đã thành con. Toàn những thứ nhanh phân hủy gây bệnh ung thư, toàn những thứ làm tăng acid uric gây bệnh gút. Sinh viên trường y đã nói là nói những điều như vậy.

Lần này chị không để cho nó biết. Lâu nay chị vẫn giấu.

Lấy chồng, theo chồng sang xứ Bắc Âu, chị đã nghĩ đi là đi luôn, chắc chẳng mấy khi quay về nữa. Cô gái đi phiên dịch cho chuyên gia Bắc Âu ở nhà máy, phải duyên phải số lấy luôn ông Bắc Âu. Cha mẹ đều đã mất khi cô bắt đầu vào đại học, mấy năm sinh viên cô ở cùng gia đình ông anh trai. Gia đình mà vẫn có cái gì không phải gia đình. Vẫn trơ trọi.

Cho nên theo chồng sang Phần Lan thì cô nghĩ chắc là đi luôn, chẳng còn gì đằng sau, chẳng còn gì phải vương vấn. Có thì cũng chẳng nhiều. Hơn hai chục năm lao vào hòa nhập xã hội mới, xin được việc làm thì phải hòa nhập với môi trường công sở mới, lo chồng lo con theo kiểu một người đàn bà Á Đông càng mất thời gian hơn một người vợ Bắc Âu thuần túy. Cắm đầu vào mọi việc tưởng đã quên được cái quê hương đằng sau.

Không quên. Một ngày bỗng nhiên nhớ. Nhớ một món ăn. Trong vài cái siêu thị châu Á cũng có nhập thực phẩm Á Đông. Vẫn thiếu. Quả trứng vịt lộn ăn với lá răm và lát gừng thái bằng que tăm. Bát tiết canh vịt tiết canh ngan tiết canh lợn. Bát cháo lòng nóng bỏng trộn hành hoa thêm mấy cọng rau húng. Vài ba năm về thăm nhà lại phải đi ăn tranh thủ.

Ngày mới ra đi, thường buồn cười khi nhớ đến câu ca dao anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Buồn cười. Chẳng nhớ. Bơ sữa pho mát giăm bông xúc xích chẳng thiếu thứ gì. Rất hợp. Hào hứng hòa nhập và thấy gì cũng hợp. Cà với chẳng tương với chẳng nước mắm. Tương là thực vật để lên mốc lên meo gây ung thư. Nước mắm là dung dịch chắt ra từ xác động vật thối rữa. Đúng như thằng con vẫn nói. Có gì mà nhớ.

Con vào đại học, chồng về hưu, đến thế thì không phải vài ba năm mà hằng năm chị về. Bản thân chị cũng sắp tuổi về hưu, nhiều tuổi lên là bắt đầu có xu hướng lá rụng về cội. Bắt đầu năng đi sinh hoạt cộng đồng Việt kiều. Đám vợ chồng Bắc Âu và đám con lai theo đến. Bàn nhau quyên góp từ thiện giúp đỡ quê hương. Rủ nhau về thăm nhà. Khi trở sang chia cho nhau lá sả lá tỏi lá mơ lông, con ốc con cua thịt chó, cả trứng vịt lộn ướp trong hộp đá lạnh. Tụ tập ăn với nhau, ăn giấu chồng giấu con.

Nói chuyện ăn thịt chó, có lần chị gặp đám biểu tình của bọn đầu trọc phát xít mới kỳ thị chủng tộc. Chúng giơ biểu ngữ: Dog-eaters go home! Bọn ăn thịt chó cút về nhà đi! Bây giờ dấm dúi ngồi ăn đặc sản quê hương, có chị lại nói toạc ra cái ý giấu trong đầu nhiều người: Lo cho con xong rồi, về hưu rồi thì tôi sẽ về quê nhà, mua một cái nhà ở ngoại thành, có tí vườn trồng hoa trồng rau, tôi an hưởng tuổi già.

Thế là cười khanh khách với nhau. Quê hương không phải là cái nghĩa trang mụ nhé. Suốt thời tuổi trẻ chẳng ai nghĩ đến quê hương, có khi còn nghĩ bước chân đi cấm kỳ trở lại, thế mà về hưu tuổi già chờ chết thì lần mò trở lại quê hương.

Chị chưa nghĩ đến thế. Thôi thì đến đâu hay đến đấy. Có thể mình cũng sẽ quay về khi đến tuổi ngấp nghé nghĩa trang. Con trai vào đại học ở nội trú trường y rồi. Tự đi làm thêm để có tiền học rồi. Chẳng còn gì phải lo. Nó đã thành công dân quốc tế. Cha Phần Lan, mẹ Việt, nói tiếng Anh và tiếng cha đẻ. Bạn bè hỏi tiếng mẹ đẻ của cậu là gì. Tiếng Việt. Thế cậu nói được tiếng Việt à. Không. Sao vậy. Mẹ tớ không dạy.

Người ta không ai hỏi nhau tiếng cha đẻ là gì. Chỉ hỏi tiếng mẹ đẻ. Thế mà tiếng mẹ đẻ lại không biết. Trớ trêu. Nó cảm thấy hẫng hụt. Sao ngày con còn bé mẹ không dạy tiếng Việt cho con, dạy bằng được. Nó hỏi chứ không trách. Ngày ấy đi khỏi xứ là cảm thấy như đi thoát. Chủ yếu là kinh tế thôi. Lương phiên dịch của chị chỉ đủ sống một tuần. Lương tháng mà chỉ đủ ăn một tuần. Ba tuần còn lại sống bằng gì.

Vá may thêu thùa gia công dán túi nilông cuốn thuốc lá. Buôn bán chỉ trỏ. Lấy được ông Bắc Âu thì nghĩ là mình sẽ đi luôn. Sinh con ra nói với con bằng tiếng Anh và tiếng quê chồng. Hai ngôn ngữ là đủ. Chính phủ khuyến khích những trẻ có hai dòng máu trong người thì nên học thêm ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc cha đẻ nhập cư. Họ khích lệ những người đa văn hóa. Có tiền trợ cấp cho việc học ấy.

Chị không gửi con đến lớp học tiếng Việt. Tự dạy con tại nhà. Học bữa đực bữa cái. Mẹ nói học bữa đực bữa cái, nó dịch ra tiếng Anh là lớp học có cả học sinh đực và học sinh cái. Mẹ cười bò ra. Đi rửa mặt thì nó bảo mẹ ơi con đi giặt cái mặt. Mẹ cười bò ra. Đúng hôm có mấy người bạn Việt kiều đến chơi nhà khiến nó xấu hổ. Từ đó nó bỏ, không nói tiếng Việt nữa. Ngoại ngữ đã dùng là phải dùng lưu loát. Ngoại ngữ bập bẹ thì tốt nhất không dùng. Bập bẹ khiến người ta coi chú sinh viên chỉ là đứa trẻ lên ba.

Một ông giáo sư bập bẹ ngoại ngữ cũng khiến người ta coi là đứa trẻ lên ba. Đó chính xác là một ông giáo sư người Mỹ sang giúp đào tạo quản lý cho người Việt, thời chị còn làm phiên dịch ở trong nước. Ông hỏi đường một thằng bé gặp trên phố: “Xin cháu hãy cho tôi biết đến hồ Hoàn Kiếm đi đường nào?”. Rất đầy đủ thành phần một câu trịnh trọng. Nhưng mà phát âm bập bẹ, bập bẹ như trẻ con.

Có lúc chị đã buột miệng uốn nắn cho ông một câu phát âm, đúng là buột miệng bột phát vì nghĩ lại thấy mình hơi hỗn, uốn nắn cho ông theo kiểu uốn nắn cho trẻ con. Khởi thủy là lời. Kinh Thánh dạy. Lời nói gây ra niềm vui nỗi buồn. Lời nói khiến người ta hiểu nhau và hiểu nhầm nhau. Lời nói đem đến hòa bình và chiến tranh. Chung một ngôn ngữ mà nhiều khi còn không hiểu nhau. Khác ngôn ngữ là như chị với chồng chị với con trai chị. Không phải là không có lúc cảm thấy bơ vơ.

Con trai không bập bẹ tiếng Việt nữa. Nó bỏ.

Hồi ấy chị cũng nghĩ là thôi, chẳng cần. Nó đã là công dân quốc tế. Mấy chị bạn lấy chồng Tây cũng nói đúng câu ấy. Con mình thành công dân quốc tế rồi. Nhận định mà như là hãnh diện. Công dân của cái làng toàn cầu. Đâu có phải chỉ là làng Việt.

Rồi đến lượt chị bạn cũng muốn lấy chồng Tây. Chị ấy ly dị đã lâu. Con gái lớn đã đi làm cho một công ty liên doanh, con trai nhỏ đang học phổ thông. Chị ấy nói đùa mà thật: “Mụ kiếm cho tôi một ông chồng Tây bên ấy, tôi cũng đi luôn, chẳng còn vương vấn làm gì”. Chị bảo gì chứ thứ ấy thì hơi bị sẵn. Thiếu gì ông chết vợ, càng không thiếu gì ông bỏ vợ. Chị ấy bảo thôi thì mình chịu khó bê bô đổ chậu cho ông ấy ít năm, ông ấy thăng thiên thì mình lại tự do, lại sướng. Chị bảo dân bên ấy sống dai lắm, sợ lão ấy sẽ nằm một chỗ cho đến chín mươi tuổi, mình hầu hạ lao lực, mình chết trước. Cười khanh khách với nhau.

Nhưng chị bạn chưa kịp lấy chồng Tây thì con gái chị ta lấy chồng Tây. Cái con bé làm ở công ty liên doanh ấy. Một thiếu nữ mạnh bạo, da ngăm ngăm, mắt xếch, trông hơi man man thổ dân Digan Tácta, loại này giai Tây không bỏ qua, giai ta không khoái. Đúng hơn là cô lấy chồng người Anh. Ngồi ăn cơm gia đình, chị bạn đùa con rể là con kiếm cho mẹ một ông người Anh đi. Con rể cũng biết đùa, bảo thứ ấy hơi bị sẵn. Thiếu gì ông chết vợ, càng không thiếu gì ông bỏ vợ. Đúng luận điệu chị đã nói với chị bạn.

Chị bạn nói với con rể bằng cái giọng lơ lớ như Tây nói tiếng Việt: “Jimmy thấy còn gái Viết Nám có đép khống? Jimmy thấy con gái Việt Nam có đẹp không?”. Con rể ngẩn người ra. Chị phải chêm vào: “Mụ phát âm tiếng Việt cho tử tế đi nào”. Chị bạn giải thích: “Ấy nói với Tây phải sai dấu như thế nó mới hiểu”. Con rể chẳng hiểu. Được cái mẹ chồng hồn nhiên.

Đúng là hồn nhiên. Buổi trưa định đi ăn tiết canh cháo lòng thì buổi sáng rủ cậu đến viện tớ mà xem cái hội thảo khoa học ra sao. Thì xem. Xem mà cứ ngớ người ra. Ở bên kia đến dự hội thảo phải đăng ký từ trước, phải nộp phí hội thảo. Được nghe, được thêm kiến thức bổ béo vào người thì phải nộp phí. Ở đây đến hội thảo thì được nhận phong bì. Nhầm lẫn thế nào người ta cũng phát cho chị một phong bì. Nhầm lẫn thế nào đến phần bỏ phiếu xác định chất lượng công trình người ta cũng phát cho chị một lá phiếu.

Ở phần thảo luận trước đó, chị bạn đứng lên phát biểu. Ban đầu là chuyên môn, nói một lúc thì lạc đề sang vấn đề nữ viện sĩ, rồi tại sao tên của phụ nữ Việt Nam lại có chữ thị đệm vào. Nói thêm một lúc nữa thì sang chuyện “gái Viết Nám có đép khống”. Người Tây có chuẩn mực khác ta khi đánh giá vẻ đẹp của gái “Viết Nám”. Con rể người Anh của tôi sẽ dịch công trình của tôi sang tiếng Anh để phổ biến trên tạp chí khoa học bên ấy.

Chị ta tin đã là người Anh ra nước ngoài thì đều là dịch giả, đã là người Anh đến Việt Nam thì đều là nhà khoa học chung chuyên môn với chị. Tiếp, tôi bây giờ cũng chỉ còn năm mươi phần trăm là trí thức Việt mà thôi, năm mươi phần trăm gu Việt mà thôi.

Tí nữa thì chị rú lên. Một bà cán bộ viện, một bà viện sĩ sao lại nói năng như một me Tây thế. Một me Tây vốn xưa ngồi bán hàng tạp hóa trong phố cổ. Mà chị ấy đâu phải là me Tây, mới chỉ là mẹ của me Tây thôi. Ôi viện sĩ ơi.

Viện sĩ không dừng lại đấy. Viện sĩ giãi bày tiếp là sắp tới tôi sẽ gửi con trai nhỏ theo chị nó sang Anh, học hai năm cuối phổ thông bên ấy rồi tìm học bổng lên đại học luôn. Chúng nó là công dân quốc tế rồi.

Buổi tối hai mẹ con chị lại gặp nhau ở khách sạn. Nhiều năm nay, trước khi quyết định có về thăm quê mẹ hay không, bao giờ thằng con cũng ra điều kiện phải ở khách sạn thì nó mới về. Không ở chung trong gia đình cô dì chú bác. Bất tiện mất tự do là một lý do. Mùa hè thì nóng ẩm, lúc nào mồ hôi cũng nhễ nhại ròng ròng. Mùa đông thì rét sao rét thế, có ai mà ngồi trong nhà lại mặc cả một đống áo dày, các ông bà già thì ngồi trong nhà mà đội mũ trùm khăn.

Nó phải bắt chước, không dám cởi áo khoác khi vào nhà mà phải mặc nguyên lùng thùng vướng víu. Thế mà vẫn rét buốt. Nó bảo đấy là lý do người ta ốm yếu, tuổi thọ không cao. Lý do ấy còn nói ra được. Có những lý do chị tự đoán. Mùi mắm muối thức ăn ám trong các căn nhà. Mùi hơi người châu Á. Nói theo lối ẩm thực, người Âu mùi gây gây ngầy ngậy như miếng mỡ cừu. Người Phi mùi khen khét như miếng giẻ cháy. Người Á mùi tanh tanh như cá bỏ ra khỏi ngăn đá chờ cho rã đông. Nó không quen với những căn phòng mùi tanh tanh. Ở khách sạn thường xuyên có nước hoa khử mùi. Khách sạn có điều hòa, hè không nóng, đông không rét.

Tối về nó kể hôm nay mấy đứa đến cái làng miền núi, cách thành phố dăm chục cây số mà gần đây mới có điện. Học sinh phổ thông được máy tính xách tay cũ thì lao vào thao tác luôn. Chẳng ai dạy mà họ sử dụng nhoay nhoáy, nhưng việc đầu tiên là tìm vào trò chơi điện tử. Lần này về Bắc Âu chúng nó sẽ quyên góp thêm nhiều máy tính và sách tiếng Anh nữa để giúp cho ngôi trường ấy.

Đang nói nó dừng lại, mũi chun chun. Chị đánh lạc hướng bằng cách hỏi các bạn ấy có nói được nhiều tiếng Anh với con không. Nó bảo con cũng cố nói vài câu tiếng Việt thật chuẩn như là bạn có khỏe không, bạn có thích không. Chúng con trộn cả hai thứ tiếng và dùng cả động tác chân tay. Nó lại chun chun mũi, nheo nheo mày. Như đánh hơi thấy có mùi lạ. Khéo mà nó phát hiện ra trưa nay chị đi ăn cái gì. Nó quay lại câu chuyện về ngôi trường miền núi. Được một lúc, nó bảo hôm nay mẹ có gì khang khác, cứ như là mẹ đang âm mưu gì đó. Đáng ngờ lắm.

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên