27/06/2011 17:15 GMT+7

Phát hiện một bộ ảnh bí ẩn về Thế chiến II

BẢO NGUYÊN (Theo New York Times, Wikipedia) 
BẢO NGUYÊN (Theo New York Times, Wikipedia) 

TTO - Một album ảnh bí ẩn chụp lại hình ảnh những người lính và tù binh trong Thế chiến II vừa được một chủ sở hữu ẩn danh công bố. Bộ ảnh này được xác định là tác phẩm của Franz Krieger, nhiếp ảnh gia bí ẩn chuyên chụp những bức hình về chiến tranh và Đảng Quốc xã của Đức.

Giám đốc điều hành của một hãng may mặc ở New York (Mỹ) đang sắp rơi vào tình trạng phá sản là chủ nhân của bộ ảnh này. Ông giám đốc 72 tuổi này đã mang bộ ảnh đến tờ New York Times nhằm nhờ xác định xuất xứ và giá trị của nó, với dự định sẽ rao bán bộ ảnh để chi trả các khoản nợ của mình.

PlKGx9gt.jpgPhóng to
Bộ ảnh bí ẩn đã được xác định là của nhiếp ảnh gia Franz Krieger - Ảnh: New York Times

Bộ ảnh này gồm những bức ảnh đen trắng đáng giá về những tù nhân Do Thái trong chiến tranh, với một vài tù nhân quần áo rách rưới, một số khác đang mặc quân phục với hình ảnh ngôi sao David, biểu tượng của người Do Thái, trước ngực. Các trang tiếp theo của album ghi lại hình ảnh của Hitler tại một ga xe lửa. Những bức ảnh này đều được nhiếp ảnh gia chụp từ một cự ly rất gần.

XzGB1HkV.jpgPhóng to
Hitler (ngoài cùng bên trái) trong bức ảnh của Franz Krieger tại một nhà ga xe lửa - Ảnh: New York Times

Những bức ảnh này hoàn toàn không có thông tin cụ thể. Chỉ duy nhất một trong 214 bức ảnh mang một chú thích mờ nhạt bằng bút chì: Bregenz 1942-01-01. Dòng chú thích này cho thấy bức ảnh được chụp tại một thị trấn ở Áo vào ngày đầu năm mới cách đây 69 năm.

Nhờ vào một cuộc giám định tập thể của các độc giả trên mạng, danh tính của tác giả những bức ảnh đã được phát hiện trong chưa đầy ba giờ. Đó chính là nhiếp ảnh gia Franz Krieger, người đã tham gia và sau đó rút khỏi một đơn vị thông tin tuyên truyền của quân đội Đức quốc xã có tên gọi Propagandakompanie.

mFAtx9bM.jpgPhóng to
Một bức hình từ bộ ảnh những người tù chiến tranh cùa Franz Krieger - Ảnh: New York Times
mbZrzGHp.jpgPhóng to
Những bức hình hiếm hoi trong bộ ảnh: tù binh Do Thái với ngôi sao David trên ngực áo - Ảnh: New York Times
pTWhQQ2f.jpgPhóng to
Quân nhân Đảng Quốc xã ở mặt trận phía đông - Ảnh: New York Times

Manh mối đầu tiên đến từ Harriet Scharnberg, một phụ nữ sống ở thành phố Hamburg của Đức. Thông qua hai website Lens blog và EinesTages, hai trang web đăng tải một số bức hình trong bộ ảnh, Scharnberg đã khẳng định đây chính là những bức hình của Krieger.

Cô cũng cho biết chúng được chụp trong chuyến đi của ông đến Minsk (Belarus hiện tại) vào năm 1941. Trên đường trở lại Berlin, ông đã chụp được những bức hình của Hitler trong cuộc họp với đô đốc Hungary Miklos Horthy ở Marienburg (nay là Malbork, Ba Lan).

Trong khi đang tra cứu thông tin cho luận án tiến sĩ về những bức ảnh chụp người Do Thái của Đức, Scharnberg đã tình cờ bắt gặp cuốn sách của tiến sĩ Peter F. Kramml vào năm 2008: Nhiếp ảnh gia Franz Krieger (1914-1993): Ảnh báo chí về bóng tối chiến tranh và tuyên truyền Quốc xã Đức. Cuốn sách này đã giúp cô xác định danh tính tác giả của những bức hình trên.

Tiến sĩ Kramml, tác giả cuốn sách, cũng khẳng định nhiếp ảnh gia của bộ ảnh chính là Krieger. Ông đã gửi bản sao một bức ảnh tự chụp qua gương của Krieger để cho thấy nó hoàn toàn khớp với bức hình trong bộ ảnh.

ODWdS4Wi.jpgPhóng to
Ảnh tự chụp qua gương của Franz Krieger - Ảnh: New York Times
m3qAaGhH.jpgPhóng to
Krieger còn là tác giả của những bức ảnh thao diễn xe môtô - Ảnh: New York Times

Judith Cohen, giám đốc kho lưu trữ ảnh của Bảo tàng United States Holocaust Memorial ở Washington, cho biết điểm nổi bật nhất trong album là những bức ảnh của các tù nhân Do Thái. “Có rất ít bức ảnh của người tù binh chiến tranh Do Thái mang ngôi sao David trên ngực. Những bức ảnh này thật sự rất hiếm và có ý nghĩa lịch sử lớn”.

Franz Krieger (1914-1993), quê ở Salzburg, Áo, là một thương nhân và nhiếp ảnh gia sở hữu 35.000 bức ảnh trong thời kỳ thống trị của Hitler, Thế chiến II và thời kỳ tái thiết sau chiến tranh.

Krieger chuyên chụp hình về lễ hội Salzburg vào giữa những năm 1930, và trở thành nhiếp ảnh gia của Đức Quốc xã, người đã chụp lại những bức hình quan trọng nhất ở Salzburg từ năm 1938-1941.

Sau đó ông tham gia Schutzstaffel (SS), lực lượng quân đội đặc biệt của Đảng Quốc xã, rồi rời SS để đến với đội thông tin tuyên truyền Propagandakompanie. Chính tại đây ông được cử đi công tác ở mặt trận phía đông vào tháng 8-1941.

BẢO NGUYÊN (Theo New York Times, Wikipedia) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên