19/04/2011 06:19 GMT+7

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Kết nối âm nhạc và hội họa

Lê Thiết Cương
Lê Thiết Cương

TT - Một chương trình biểu diễn mang tên Phía sau những ô cửa của nghệ sĩ Phạm Quang Trần Minh và nghệ sĩ Ryan Chittick với phần hòa tấu giữa guitar điện, đàn nguyệt và nhạc điện tử vừa diễn ra ngày 16-4 ngay tại không gian phòng tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Read this on Tuoitrenews.vn

JbfgW5cT.jpgPhóng to

Buổi biểu diễn của Phạm Quang Trần Minh (phải) và Ryan Chittick trong Phía sau những ô cửa là sự hòa quyện khá lạ giữa âm thanh điện tử và đàn nguyệt, như một cách tôn vinh vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống Việt trong thời đại kỹ thuật số - Ảnh: Lê Thiết Cương

Phòng tranh không lớn và phần lớn khách đến thưởng thức hoặc đứng hoặc ngồi bệt xuống sàn nhà, nhưng không gian nhỏ hẹp ấy đã mang lại sự phấn khích cho cả khán giả lẫn nghệ sĩ biểu diễn.

Ðược mở ra tại 39A Lý Quốc Sư từ năm 2005, đến nay đã ngót nghét sáu năm phòng tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương có mặt tại Hà Nội. Sau buổi biểu diễn đàn môi, đàn muỗng của GS Trần Quang Hải, nghệ sĩ Ðức Minh và nghệ sĩ hip hop Tùng Phương; chương trình Phía sau những ô cửa một lần nữa đánh dấu cho ý tưởng mang âm nhạc vào phòng tranh để kết nối thêm những "tín đồ" âm nhạc đến với hội họa và ngược lại. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương về cuộc "kết nối" các ngành nghệ thuật này.

Những hoạt động liên ngành, liên nghề đang rất thiếu

Họa sĩ chỉ biết vẽ mà không biết về thi ca, văn chương, âm nhạc thì liệu có đủ không? Ngược lại, nhà văn nhà thơ không xem được tranh, không nghe được nhạc thì... (nhưng phần lớn những người cùng nghề còn chẳng xem, chẳng đọc của nhau nữa).

Với bất kể nghệ sĩ nào, ở một ngành nghệ thuật nào thì sáng tác, sáng tạo chính là bằng trải nghiệm sống, trải nghiệm văn hóa của mình. Ở giai đoạn hiện nay, những hoạt động liên ngành, liên nghề đang rất thiếu. Những hiểu biết liên ngành của các nghệ sĩ cũng thiếu.

Tại sao sân vườn của thư viện, nhạc viện không thể là nơi triển lãm điêu khắc? Tại sao một phòng trà ca nhạc không thể là nơi triển lãm tranh?

Không chỉ là nghệ sĩ mà ngay cả công chúng cũng cần có những hiểu biết nhất định về các loại hình nghệ thuật để trước tiên vì chính họ, vì một đời sống tinh thần phong phú của họ, vì một đời sống đúng nghĩa của họ.

* Không như phòng trà, khách đến với gallery thường rất khiêm tốn, tại sao lại có biểu diễn âm nhạc trong phòng tranh, thưa ông?

- Khi xưa giới họa sĩ và giới nhà văn thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, để vẽ được người ta phải đọc sách, nghe nhạc và ngược lại. Người viết muốn trang viết của mình hay thì cũng tìm hiểu rất nhiều về thế giới xung quanh.

Bởi vậy, giữa các nghệ sĩ của những năm 1970 trở về trước có mối quan hệ khá khăng khít với nhau. Nhưng vài chục năm gần đây các mối quan hệ này dường như khá lỏng lẻo. Và để làm tăng thêm sự gắn kết giữa giới văn nghệ sĩ với nhau, tôi đã tổ chức những buổi biểu diễn âm nhạc ngay tại gallery của mình.

Trước đó, tại gallery đã có triển lãm ảnh (Mắt vuông - Ngọc Thái, 11-2009; Việt Nam 80.00 - Eva Lindskog, 9-2007...), triển lãm điêu khắc (Hori Yasushi, 12-2005), triển lãm Bản thảo của những nhà văn (Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, 4-2006), buổi ra mắt tập thơ Vili in love của nhà thơ Vi Thùy Linh (4-2008).

Nếu gallery 39 chỉ triển lãm tranh thì sự lan tỏa không được rộng rãi. Nhưng nếu một phòng tranh tổ chức buổi giới thiệu sách của một nhà văn, nhà thơ đó sẽ là một cơ hội tốt để nhiều họa sĩ biết đến các tác phẩm ấy. Riêng về âm nhạc, chúng tôi đã có buổi giới thiệu về đàn môi của nhạc sĩ Trần Quang Hải và nghệ sĩ Nguyễn Ðức Minh (5-4-2011).

* Và sau Phía sau những ô cửa là gì?

- Tôi đang nhắm đến nhóm gõ Hà Nội, đặc biệt là không gian văn hóa Mường của Vũ Ðức Hiếu (Hòa Bình). Một không gian rất có ý nghĩa nhưng không phải lúc nào cũng có người tìm đến. Tôi đã nói với Hiếu chọn những gì đặc sắc và tiêu biểu nhất của không gian văn hóa ấy mang về trưng bày tại đây.

Ðơn giản đó sẽ như một bảo tàng Mường thu nhỏ tại Hà Nội. Ðó là một cách để giúp Hiếu đưa những giá trị văn hóa Mường đến với thủ đô một cách vừa tiết kiệm vừa hiệu quả.

* Ông mong gì từ những khán giả ít ỏi của mình?

- Tôi mong muốn giới thiệu đến công chúng những người bạn của tôi - những người bằng cách nào đó đã và đang hoạt động nghệ thuật rất âm thầm. Còn công chúng khi đến không mất tiền, được xem miễn phí, lại ở một phòng tranh giữa phố (chẳng xa xôi gì cả). Họ đến thì biết được thêm một nghệ sĩ mới, một phong cách biểu diễn mới. Ðã từng có nhiều nhà văn gặp gỡ nhau ở phòng tranh này, cũng có nhiều mối quan hệ giữa giới văn sĩ và họa sĩ được thiết lập.

Tôi hi vọng việc mở thêm những buổi biểu diễn âm nhạc sẽ mở rộng thêm mối quan tâm của giới âm nhạc. Rộng hơn, tôi cũng mong có sự liên kết để làm phong phú hơn đời sống văn hóa văn nghệ của giới nghệ thuật bây giờ.

Lê Thiết Cương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên