19/03/2011 02:30 GMT+7

Lễ tế Xã Tắc: những ý kiến trái chiều

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Đó là thắc mắc của nhiều bạn đọc cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu trước thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục tổ chức tế Xã Tắc vào ngày 20-3.

pbtdZukv.jpgPhóng to

Diễn viên đóng vai vua và các quan “tế Xã Tắc” ngay trên di tích đàn Xã Tắc triều Nguyễn khiến nhiều người cho là thật giả lẫn lộn (ảnh chụp tối 8-4-2010) - Ảnh: Thái Lộc

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Tấn Phan cho rằng việc tái hiện hay phục dựng lễ tế Xã Tắc cho người đời nay biết về lễ hội này đã diễn ra trong lịch sử thế nào là điều nên làm, nhưng phải thật thận trọng.

“Có thể tách ra hai phần”

Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (khoa lịch sử - ĐH KHXH&NV Hà Nội), lễ tế đàn Xã Tắc từng là một nghi lễ cấp quốc gia nên không thể mang ra tổ chức một cách dễ dãi như vậy. Ban tổ chức có thể tách ra hai phần: giữ nguyên phần nghi lễ thiêng liêng quốc gia, và phần hội để thu hút khách du lịch. Chứ để tình trạng hiện nay rất nửa vời, lập lờ giữa quốc lễ và phục dựng, ban tổ chức khẳng định giữ nguyên lễ tế nhưng lại lồng vào các yếu tố sân khấu, diễn viên đóng vua.

Còn nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho rằng đàn Xã Tắc là một trong những đàn tế quan trọng dưới thời Nguyễn nói riêng và thời quân chủ nói chung. Lễ tế Xã Tắc là nghi lễ của một chế độ chính trị đã qua.

Theo ông Phan, khái niệm “sơn hà xã tắc” trong thời đại chúng ta hiện nay lớn hơn nhiều so với thời quân chủ. Do đó, nếu quan niệm đàn Xã Tắc là một di tích lịch sử thì không có vấn đề gì phải bàn luận. Nhưng nếu muốn phục dựng lễ tế Xã Tắc trên đàn này lại là một vấn đề khác. Thứ nhất, chủ thể của lễ tế này không còn nữa. Thứ hai, vai trò của nhân dân trong lễ tế này rất nhỏ hoặc không có. Thứ ba, đây không thể trở thành một món hàng thuần túy của du lịch phải tái diễn lần này đến lần khác. Nên chăng tập trung biểu diễn một lần cho thật chất lượng và hoàn chỉnh để quay phim, chụp ảnh lưu lại, trở thành một tư liệu để sử dụng lâu dài.

“Không nên lấy sơn hà xã tắc làm một món hàng tầm thường, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước” - ông Phan nói.

Chỉ là lễ phục dựng

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phan Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đại diện ban tổ chức lễ tế Xã Tắc - cho rằng đây là việc phục dựng lễ hội thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND và được HĐND, các ban ngành thông qua, do đó chỉ cần chọn ngày giờ thuận tiện từ nhiều phía.

“Đương nhiên thời đại đã thay đổi nên không thể nào giống như xưa, nhưng chúng tôi cố gắng phục dựng tiệm cận với những gì trong lịch sử từng diễn ra. Cần nhấn mạnh rằng đây là nghi lễ phục dựng, và chúng tôi nói rất rõ để mọi người hiểu được một lễ cung đình như thế nào, văn hóa truyền thống ra sao. Trên cơ sở đó giáo dục cho cộng đồng về ý thức giữ gìn, hướng tới ý thức trách nhiệm chung trong việc bảo tồn di sản nói chung. Lễ tế ngày xưa hiện nay tồn tại dưới dạng di sản và thuộc về cộng đồng nhân dân. Việc phục dựng di sản thuộc về nhân dân, nhưng bản thân lễ hội truyền thống là yếu tố tâm linh nên dù chuyển qua một hình thái mới, chủ nhân thay đổi, tính chất thay đổi nhưng yếu tố tâm linh vẫn còn, nó làm nên cái hồn của lễ hội” - ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết thêm trong hồ sơ bảo tồn và phát huy các nghi lễ truyền thống cung đình, đề xuất giao các lễ tế Giao và Xã Tắc cho Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh đại diện cho tiếng nói của toàn bộ tầng lớp nhân dân đứng ra tổ chức. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chỉ là đơn vị chuyên môn hướng dẫn tổ chức. Ngoài ra, hồ sơ lễ tế Xã Tắc do trung tâm này xây dựng đã hoàn thành, đang chuẩn bị trình hội đồng khoa học thông qua trước khi trình lên các cơ quan chức năng trong việc đệ trình UNESCO đề nghị công nhận di sản thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên:

Không tùy tiện với một quốc lễ

Xung quanh việc tổ chức lễ tế Xã Tắc ở Huế, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) vừa gửi thư ngỏ cho bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đề nghị trả lời một số thắc mắc. Ông cũng trao đổi với Tuổi Trẻ:

Lễ tế Xã Tắc đã được phục dựng tùy tiện. Theo thông tin trên các báo, trong dịp Festival Huế 2008 lễ tế tổ chức vào 6g sáng 10-6. Năm 2009, lễ được tổ chức lúc 19g ngày 24-3 (tức 28-2 âm lịch). Năm 2010, lễ được bắt đầu lúc 19g45 ngày 8-4-2010 (tức ngày 24-2 âm lịch). Còn năm nay, lễ sẽ được tổ chức từ 18g30 đến 21g30 ngày 20-3 (tức ngày 16-2 âm lịch). Không hiểu những người tổ chức nghĩ gì khi thích là tế như vậy. Đến giỗ ông bà, cha mẹ chúng ta cũng phải làm cho đúng ngày. Lễ tế này được quảng bá là “phục dựng đầy đủ theo quy cách xưa, với các nghi tiết của một lễ hội cung đình thiêng liêng như dưới triều Nguyễn”. Nhưng điều cần làm đúng nhất là về thời gian lại rất tùy hứng ban tổ chức.

Hơn nữa, tôi không hiểu tại sao phải vội vàng tái hiện lễ tế này ngay sau khi khai quật và trùng tu đàn tế chưa hoàn tất? Trước hết, tổng thể khu đàn tế chưa được giải tỏa, phục hồi sẽ làm lễ tế mất đi tính linh thiêng cần có. Mặt khác, tôi cũng cho rằng công tác phục hồi đàn tế về mặt kiến trúc là chưa thấu đáo, khoa học.

Tôi có đọc trên website của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế kêu gọi tài trợ cho lễ tế Xã Tắc năm 2011 với mức từ 5 triệu đồng trở lên. Liệu hai việc này có phải thuộc hai trào lưu đối nghịch: tầm thường hóa quốc lễ và quốc gia hóa hội làng hay không? Hơn nữa, di sản văn hóa phi vật thể cung đình như nhã nhạc, các điệu múa, các hình thức nghi lễ cung đình mà lại bảo trả về cho nhân dân, để nhân dân và cộng đồng có trách nhiệm giữ gìn là chuyện không thể có. Nhà nước phải bỏ tiền ra mới giữ được.

HÀ HƯƠNG ghi

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên