05/12/2007 15:11 GMT+7

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Lịch sử sẽ công bằng với cha tôi

NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY - Tiền Phong
NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY - Tiền Phong

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người con thứ chín của học giả Phạm Quỳnh chia sẻ tâm sự về thân phụ cùng những trước tác của ông.

6m3OmpPf.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Phạm Tuyên - người con thứ 9 của Học giả Phạm Quỳnh
Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người con thứ chín của học giả Phạm Quỳnh chia sẻ tâm sự về thân phụ cùng những trước tác của ông.

Tái bản sách Phạm Quỳnh

Cuốn sách Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp gồm những bài diễn thuyết, những bài báo ông viết bằng tiếng Pháp từ 1922 đến 1932 vừa được Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Văn hoá & Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành.

Đọc cuốn sách, không khỏi ngỡ ngàng trước những áng văn tuyệt đẹp, nội dung ái quốc chất chứa trong một tâm hồn nhạy cảm, trí tuệ thâm thúy.

* Ông nghĩ gì khi cuốn sách của cụ thân sinh "Phạm Quỳnh - Những tiểu luận viết bằng tiếng Pháp" được dịch và xuất bản?

- Tôi muốn nói lời cám ơn chân thành và vô cùng cảm động từ đáy lòng mình tới Trung tâm Văn hóa & Ngôn ngữ Đông Tây, NXB Tri Thức, các dịch giả Phạm Toàn, Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Khánh và Ngô Quốc Chiến, đã góp sức để các tiểu luận của thân phụ tôi được in thành sách.

Từ cuối những năm thế kỷ trước đã có nhiều bài viết về chủ bút Nam Phong. Kể từ năm 2000 tới nay, các NXB có uy tín trong nước đã cho phát hành hàng nghìn trang sách của học giả Phạm Quỳnh, được đông đảo người yêu văn học đón nhận: Mười ngày ở Huế (NXB Văn học - 2001), Mục lục Nam Phong (NXB Thuận hóa - 2002), Luận giải Văn học và Triết học (NXB Thông tin - 2003), Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà Văn - 2004), Thượng Chi văn tập (NXB Văn học - 2007), Du ký Việt Nam (NXB Trẻ - 2007).

Tất cả các xuất bản phẩm trên, tôi chỉ được biết sau khi sách phát hành, nhận nhuận bút. Rất nhiều bài nghiên cứu, chuyên khảo về thân phụ tôi đã được đăng tải trên các báo và tạp chí trong Nam và ngoài Bắc như: Tạp chí Xưa và Nay, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển (Huế), Tạp chí Công giáo và dân tộc (TP Hồ Chí Minh), Tạp chí Huế Xưa và Nay, các báo Tiền phong, Tuổi trẻ, Thể thao Văn hóa...

Tôi nghĩ những việc làm này xuất phát từ lương tâm cao cả và trong sáng của giới văn học nước nhà, là nguồn động viên vô cùng có ý nghĩa đối với gia đình chúng tôi mà không một giải thưởng lớn lao nào có thể so sánh được.

* Ông nhận xét gì khi đọc những tiểu luận viết bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh?

- Với sự hiểu biết của mình, tôi thấy chất lượng của những bài viết tiếng Pháp của cụ thân sinh tôi thật tế nhị, nhuần nhuyễn, đôi khi “chơi chữ” mà chính một học giả người Pháp đã phải công nhận sự uyên bác đó qua những bài diễn văn đọc tại Pháp năm 1922.

Có người đương thời cho là: “Phạm Quỳnh chỉ giỏi tiếng Pháp để loè người Việt Nam” là không thỏa đáng. Ngược lại, chính bằng tiếng Pháp, tác giả đã nói thẳng thắn nhất những suy nghĩ của mình về dân tộc, về văn hóa và nét đẹp Việt Nam cho người Pháp biết.

Tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy thân phụ tôi đã đặt ra nhiều vấn đề lớn lao về số phận dân tộc. Ngoài vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, phát triển giáo dục, về giao lưu văn hóa Đông Tây, còn có những vấn đề về chính trị như độc lập chủ quyền của nước ta trong khối thịnh vượng chung (Commonwealth) giống như kiểu chúng ta tạm nhượng bộ Pháp sau Hiệp định 6-3-1946 khi sẵn sàng vào Liên hiệp Pháp nếu chủ quyền của Việt Nam được giữ vững.

* Học giả Phạm Quỳnh trong thời buổi đó đã chọn một con đường riêng và kiên trì hướng đi của mình. Thân phụ ông chắc hiểu rất rõ tình thế của mình lúc bấy giờ...

- Chắc chắn thế. Thân phụ tôi từng tâm sự: “Tôi là người của buổi giao thời, sẽ khó có người hiểu được tôi... Người Pháp cho tôi là lợi dụng chức quyền để chống lại họ, còn người mình thì cho tôi là tay sai của Pháp”.

Bi kịch lịch sử này tới nay đã trôi qua hơn 60 năm, và tôi bỗng nhớ tới một câu trong AQ chính truyện của Lỗ Tấn đại ý: Dư luận thì cả làng Mùi đều nhất trí công nhận rằng AQ không phải là người lương thiện, chứng cớ là y đã bị bắn vì rằng nếu là người lương thiện thì sao lại bị bắn cơ chứ! Dù sao, tôi vẫn tin vào sự công minh của lịch sử.

* Vậy còn ông, ông đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình như thế nào?

- Tôi và anh Phạm Khuê tôi (Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, đã mất) thực hiện lời dặn của hai bà chị tôi là bà Phạm Thị Giá (vợ GS Tôn Thất Bình, Hiệu trưởng trường Thăng Long) và bà Phạm Thị Thức (vợ GS BS Đặng Vũ Hỉ- Giải thưởng Hồ Chí Minh) khi gặp Hồ Chủ tịch mùa thu năm 1945: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng”.

Rất nhiều các vị trí thức, bạn bè tôi cũng động viên tôi. Những lời căn dặn đó đã giúp chúng tôi vượt mọi định kiến để vươn lên làm những điều có ích.

* Nhiều trước tác của Phạm Quỳnh đã được in, nhiều bài viết về Phạm Quỳnh đã được đăng tải công khai...

- Gần đây Bảo tàng Văn học của Hội Nhà văn VN đã cử cán bộ nhiều lần đến xin gia đình tôi những hiện vật của cụ thân sinh ra tôi nhưng không còn gì ngoài một số bức ảnh.

Có tư liệu về một con phố ở Sài Gòn tên là phố Phạm Quỳnh nhưng không ai còn nhớ. Tôi đã hỏi Sở Địa chính, họ cũng chịu. Niềm an ủi lớn nhất là những trước tác của thân phụ tôi cách đây gần một thế kỷ đã lần lượt được giới thiệu với đông đảo thế hệ sau này.

Tôi chỉ mong sau này khi có điều kiện sẽ tái bản cuốn tiểu luận dưới hình thức song ngữ để những người am hiểu tiếng Pháp, những người bạn Pháp có thể tiếp cận với nguyên bản, và để con cháu chúng tôi ở hải ngoại sẽ thêm yêu quý quê hương Việt Nam, quê hương của ông, của cụ chúng nó.

NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY - Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên