19/02/2006 02:07 GMT+7

Phố cổ Bao Vinh bằng sắc màu

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTCN - Ở phố cổ Bao Vinh mấy trăm năm tuổi đang chìm vào dĩ vãng, có một họa sĩ thầm lặng sáng tác để kêu gọi sự lưu tâm của mọi người.

zGnrVert.jpgPhóng to
Họa sĩ Trần Văn Mãng đang vẽ bức Trong lòng tôi, phố và lễ hội

Tác phẩm Trong lòng tôi, phố và lễ hội của họa sĩ Trần Văn Mãng với chất liệu tổng hợp trên nền vải bao bố dài 50m dự định ra mắt công chúng vào dịp Festival Huế 2006.

Trong lòng tôi, phố và lễ hội gồm nhiều đoản khúc về phố cổ Bao Vinh xưa và nay, nơi họa sĩ Trần Văn Mãng sinh ra, lớn lên. Đoản khúc đầu tiên Nơi phố tôi qua dài gần 5m thể hiện mặt trước phố Bao Vinh cổ xưa, từ đình làng, phường hội, chợ, chùa và nhà cửa với những mái ngói lô xô.

Tiếp theo là phần miêu tả mặt sau của phố cổ, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, lung linh in bóng xuống dòng Hương. Phố cổ Bao Vinh còn được tái hiện từng góc phố, từng mảng tường rêu phong cổ kính như những nỗi nhớ hằn sâu. Rồi những cảnh sinh hoạt văn hóa cộng đồng và đời sống Bao Vinh xưa với các lễ hội, lễ tế, những đội nhạc lễ, nhạc đình... cùng những phố chợ rộn rịp, cảnh hoạt động của nghề rèn, nghề mộc, nghề chạm khảm, nghề làm bài tới, vàng mã...

TLrClmEq.jpgPhóng to
Đội nhạc tế lễ trong tranh
4TEpt8Ye.jpg
Nơi phố tôi qua
“Bao Vinh với những giá trị xưa đang dần lụi tàn, ngay cả đối với những người dân sống trong những ngôi nhà cổ vì nhiều lý do cũng đang chối bỏ nó, đang tìm cách thay nhà cổ bằng những khối bêtông. Nhưng với tôi, Bao Vinh vẫn còn rất nhiều giá trị, chỗ này, chỗ kia vẫn mang đầy đủ nét đẹp cổ kính. Và tôi muốn diễn tả hết nét đẹp đó bằng trí nhớ cùng tình cảm của mình, với một tâm nguyện: Bao Vinh không bao giờ là quá khứ. Tôi muốn kêu gọi hãy cứu vãn lấy phô cổ Bao Vinh trong khi còn có thể...” - ông Mãng nói.

Họa sĩ Trần Văn Mãng hiện sống tại thôn Địa Linh, xã Hương Vinh (huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế). “Thầy Mãng” như cách gọi trọng thị của nhiều người là một người hiền lành, gầy gò, chỉ 38kg.

Căn nhà nhỏ ba gian của ông không có đồ vật gì đáng giá nhưng cả khu vườn 800m2 bao quanh nó được trồng cỏ, tạo ra các lối đi, và đặt đó đây các tác phẩm điêu khắc. Chỗ này để bàn uống trà thưởng trăng cùng bạn bè, chỗ kia dành cho lúc tâm hồn thư thả. Có căn lều nhỏ phía sau làm “họa thất”.

Toàn bộ gia tài nghệ thuật của ông lưu giữ trên cái gác xép tránh lụt của gia đình, với trên 2.000 bức tranh trong hơn 30 năm sáng tác. Nhưng không phải lúc nào người nghệ sĩ cũng có điều kiện, có cơ hội để thỏa mãn cái thú trải nghiệm nghệ thuật. Ông đam mê quá đỗi trong cảnh nghèo túng quá đỗi.

“Tôi từng đi xe đạp thồ, từng đi vắt đất nặn lò thuê, từng đi bán bánh tráng dạo, bán thuốc lá lẻ, làm đủ thứ nghề để kiếm thêm tiền để nuôi vợ con và thỏa nguyện được vẽ...”. Có lúc ông xin cả tiền học bổng vốn ít ỏi của cậu con trai là sinh viên kiến trúc để mua ít bột màu... Cũng chính lý do đó mà có rất nhiều dự định nghệ thuật của ông không thể thực hiện.

“Trong lòng tôi, phố và lễ hội chỉ là một sự khởi đầu trong một bức tranh dài vô hạn bằng chất liệu tương tự. Ở đó tôi mặc sức thể hiện những dự định, những đề tài, những phong cách khác của mình, từ nay cho đến cuối đời. Trước mắt, trong năm nay tôi sẽ tiếp tục thể hiện toàn cảnh về chợ quê ở Huế - một trong những mảng đề tài mà tôi rất yêu thích!” - ông Mãng mơ mộng nhưng với một niềm tin mình sẽ làm được và có đủ điều kiện để thực hiện ước muốn của mình.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên