14/06/2005 14:48 GMT+7

Sẽ có trung tâm bản quyền nhiếp ảnh

Theo Lao Động
Theo Lao Động

Sau vụ kiện một hoạ sĩ lấy ảnh Nụ hôn của gió làm tranh cổ động thì câu chuyện bản quyền nhiếp ảnh không còn là chuyện nhỏ nữa mà nó đã khơi lên một vấn đề từ nhiều năm: Bản quyền tác giả nhiếp ảnh không được bảo vệ, quyền lao động của người nghệ sĩ nhiếp ảnh bấy lâu chẳng được ai quan tâm.

yUA5CG28.jpgPhóng to

"Nụ hôn của gió" - bức ảnh từng bị vi phạm bản quyền

Ông Vũ Huyến - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh VN cho biết.

* Thưa ông, vụ Nụ hôn của gió coi như là giọt nước làm tràn ly, nhưng ông có thể cho biết thực trạng về vấn đề quyền nhiếp ảnh hiện nay?

- Lao động nghệ thuật nhiếp ảnh là một công việc hết sức phức tạp. Việc chụp được một tác phẩm nghệ thuật chỉ thực hiện trong khoảnh khắc của một phần nghìn giây. Và khoảnh khắc ấy là sự dồn nén vốn sống, khả năng sáng tạo của người bấm máy. Việc chụp được một bức ảnh nghệ thuật không dễ dàng. Chưa kể tới việc sau một cú bấm máy là chi phí rất lớn: Chi phí cho tiền vốn vật liệu, chi phí đi đường và rất nhiều các khoản chi phí khác.

Trong khi đó, suốt những năm chiến tranh, ảnh là công cụ phục vụ trực tiếp, lúc đó quyền cá nhân của người chụp chưa được đánh giá đúng và nó đã qua đi. Còn trong thời kỳ đổi mới này, việc sử dụng ảnh ngày nay mang tính chất kinh doanh, kiếm lời với một dạng "đạo" ảnh đã đến mức báo động thì chúng tôi phải lên tiếng.

* Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề "đạo" ảnh?

- "Đạo" ảnh hiện nay có hai dạng: Dạng thứ nhất là "đạo" ảnh kiểu cá nhân. Trong dạng này thì có ba hình thức: Một: Cá nhân đồng nghiệp sử dụng của nhau nhưng không có trách nhiệm với nhau. Anh cầm ảnh, cầm tư liệu bản gốc của người khác nhưng khi dùng, anh không đề tên tác giả, nhất là khi tác giả ấy đã qua đời. Việc này rất ít người biết được.

Hai: Cá nhân dùng ảnh của nhau nhưng không tôn trọng nhau. Khi anh làm triển lãm, tổ chức ảnh, anh dùng ảnh của người khác nhưng anh không đề rõ đó là bức ảnh nào, tác giả bức ảnh đó là ai, dù anh có một số lời cảm ơn này nọ.

Ba: Làm sách ảnh, biên tập sách ảnh, có ghi vài lời cảm ơn nhưng ảnh nào cũng không ghi, cứ mập mờ, thậm chí dùng photoshop nhào trộn ảnh của nhiều người khác nhau và tạo ra ảnh mới. Có nhiều trường hợp cắt cúp ảnh của tác giả khác rồi đề tên anh; khi tác giả nhìn thấy cũng không nhận ra ảnh của mình, hoặc ấn phẩm không đến tay tác giả thật thì cũng chẳng mấy ai để ý mà phát hiện ra.

Dạng thứ hai là "đạo" ảnh kiểu... tập thể: Trường hợp này rất phổ biến trên báo chí hiện nay là: Có rất nhiều bức ảnh không chú thích gì hết, nhất là những bức ảnh dùng để minh hoạ - đó là một. Hai là có đề nhưng chỉ đề là "TL" - tư liệu. Tức là hết sức mập mờ. Hay có những trường hợp chỉ mua một cái ảnh nhưng sau đó dựng thành logo như trường hợp "Vẻ đẹp Việt Nam" của tác giả Vũ Khánh.

Gần đây xuất hiện chuyện Nụ hôn của gió và qua xem một số tranh cổ động phục vụ cho tuyên truyền, thì tôi thấy phải 30% số tranh này dùng ảnh và từ ảnh vẽ lại và chưa bao giờ tôi thấy trường hợp nào đề đồng tác giả...

* Như thế, việc thành lập trung tâm bản quyền tác giả nhiếp ảnh là vấn đề cấp thiết, hội đã tiến hành tới đâu?

- Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN cũng đã đề đạt với các cơ quan chức năng về vấn đề này. Hiện hội có khoảng 700 hội viên thì ít ra hội cũng phải có trách nhiệm đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các hội viên này: Quyền được ghi tên, quyền thấy mình là tác giả, quyền được hưởng các chế độ của Nhà nước hoặc theo thoả thuận xứng đáng (còn với những anh em chưa là hội viên thì chúng tôi chưa dám chắc).

Theo Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên