04/03/2005 21:24 GMT+7

Không chỉ là chuyện của "Nụ hôn của gió"

VietNamNet
VietNamNet

Sau khi nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long tố cáo việc bức ảnh của anh - Nụ hôn của gió - bị ăn cắp và bị biến báo vụng về thành một bức tranh cổ động, đã có những ý kiến nhìn nhận khác nhau. Nhưng sự kiện này cũng cảnh báo một xu hướng "tranh vẽ lại ảnh" và "ảnh chụp theo tranh" hiện nay.

QRRKWsYg.jpgPhóng toZMxdkkL1.jpg
Bức tranh "Đảng là cuộc sống của tôi" (trái) xâm phạm bản quyền bức ảnh Nụ hôn của gió (phải)
Sau khi nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long tố cáo việc bức ảnh của anh - Nụ hôn của gió - bị ăn cắp và bị biến báo vụng về thành một bức tranh cổ động, đã có những ý kiến nhìn nhận khác nhau. Nhưng sự kiện này cũng cảnh báo một xu hướng "tranh vẽ lại ảnh" và "ảnh chụp theo tranh" hiện nay.

Chúng tôi không bàn đến trách nhiệm của tác giả bức tranh cổ động nói trên, vì sự thực họa sĩ Nguyễn Trung Kiên đã hoàn toàn nhận lỗi về mình là "sử dụng bức ảnh của Trần Thế Long mà không biết là phải xin phép".

Từ thực tế sử dụng ảnh trong các lĩnh vực đồ họa, hội họa hiện nay, chúng ta hãy bàn đến một vấn đề nhận thức: Thế nào là chuyển thể, thế nào là vay mượn ý tưởng, bố cục một bức ảnh, và thế nào là sao chép, ăn cắp?

Nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận nhiếp ảnh Vũ Huyến (Ủy viên Thường vụ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Nhiếp ảnh) cho biết:

- Nụ hôn của gió là bức ảnh được giới nghệ sĩ nhiếp ảnh chúng tôi đánh giá cao, trước khi giành HCV quốc tế tại Áo, nó được trao giải A của Hội. Đề tài bức ảnh không mới, nhưng bố cục, ý tưởng rất lạ. Đó là cái giỏi của anh Trần Thế Long, và tác phẩm này của anh vượt qua các tác phẩm dự thi khác cũng ở chỗ đó...

Sẽ thu hồi giải thưởng của Nguyễn Trung Kiên

Hôm nay, cuộc họp giải quyết vụ việc sự giống nhau kỳ lạ giữa bức ảnh "Nụ hôn của gió" của Trần Thế Long và tác phẩm được giải nhất tranh cổ động của Nguyễn Trung Kiên, với sự có mặt của đại diện Cục Bản quyền tác giả, Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Hội Mỹ thuật VN, thành viên Hội đồng nghệ thuật của giải thưởng, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ VHTT...đã đi đến kết luận khẳng định: Bức tranh Đảng là cuộc sống của tôi xâm phạm bản quyền bức ảnh Nụ hôn của gió.

Một đại diện của Ban tổ chức, Bà Đỗ Kim Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá thông tin cơ sở (VHTTCS) nói: "Với kết quả đó, BTC sẽ thu hồi giải thưởng của Nguyễn Trung Kiên".

* Theo ông, khi đặt bức tranh cổ động này cạnh bức ảnh, ông thấy phần "sáng tạo" của tác giả bức tranh là bao nhiêu phần trăm ?

- Sáng tạo là sự kết hợp giữa hai yếu tố: Ý tướng sáng tạo và cách diễn đạt. Khi so sánh hai tác phẩm này tôi thấy bố cục, ý tưởng đều là của anh Long. Bức ảnh thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ ở tư thế bay lên, giao hòa với thiên nhiên, vũ trụ, thì ở bức tranh vẫn là ý tưởng ấy thôi: vẻ đẹp của con người bay trong bầu trời Cách mạng.

Nhân vật thì vẫn nhân vật "thật" ấy của nhiếp ảnh. Đường nét, bố cục giống nhau gần 100%, chỉ đổi mầu sắc trên chiếc khăn. Nhưng đổi từ mầu vàng sang mầu đỏ không phải vì một ý đồ nghệ thuật gì to lớn cả, mà chỉ vì khi anh đưa khẩu hiệu, biểu tượng ấy vào nhằm mục đích cổ động cho sự kiện đó thì dĩ nhiên phải dùng màu đỏ rồi. Tóm lại dụng công của người làm tranh rất ít!

* Thưa ông, theo tố cáo của tác giả Trần Thế Long thì bức tranh không phải là "vẽ lại" từ ảnh mà chỉ thuần túy xử lý bằng các thao tác kỹ thuật trên máy vi tính. Nếu vậy thì...

- Trong nhiếp ảnh, nếu sử dụng phần mềm máy tính để điều chỉnh một bức ảnh mà vẫn lấy bố cục, ý tưởng ấy thì không thể gọi là sáng tạo một tác phẩm mới, vẫn bị coi là sao chép, ăn cắp của người khác!

* Để xảy ra việc vi phạm bản quyền nói trên là điều đáng tiếc. Nhưng giả sử như trước đó anh Kiên có "xin phép chú Long" và bức tranh cổ động nói trên không vi phạm bản quyền, thì ông đánh giá nó như thế nào ?

- Tôi nghĩ BGK cuộc thi không biết là tranh giống ảnh nên mới chấm cho giải Nhất, chứ nếu biết thì... Bởi vì dùng một bức ảnh để tạo ra một bức tranh, theo tôi như thế bức tranh đấy không phải là tác phẩm giàu tính sáng tạo.

Trong khi trong hội họa đang có cái tệ vẽ theo ảnh thì trong nhiếp ảnh cũng có thói chụp theo tranh vẽ. Có những nhà nhiếp ảnh đã bắt chước bố cục từ những bức tranh nổi tiếng để chụp, từ đó cho ra đời các bức ảnh na ná như tranh, tiêu biểu là motiv ảnh "mẹ ôm con". Xu hướng này các anh nhiếp ảnh mới vào nghề rất hay mắc phải. Với những bức ảnh kiểu đó, bên nhiếp ảnh chúng tôi không bao giờ đánh giá cao cả!

* Hiện nay, người ta thường sáng tác các bức tranh cổ động và các sản phẩm đồ họa bằng cách "chuyển thể" hoặc lấy ý tưởng từ các bức ảnh. Như vậy sản phẩm ra đời sẽ đề tên ai?

- Phải có sự thỏa thuận về bản quyền với tác giả của các bức ảnh đó, cả quyền lợi vật chất và quyền nhân thân (sẽ đề tên như thế nào, có phải đề là "đồng tác giả" không). Vụ bản quyền bức ảnh Nụ hôn của gió bị xâm phạm là động lực thúc đẩy giới nghệ sĩ nhiếp ảnh VN quan tâm hơn nữa đến việc phải nhanh chóng thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả nhiếp ảnh.

* Xin cảm ơn ông!

VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên