06/11/2004 14:25 GMT+7

Băng đăng Cáp Nhĩ Tân

   HỒNG SƠN thực hiện
   HỒNG SƠN thực hiện

TTCN - Người thiết kế toàn bộ các tác phẩm này là nghệ nhân Vương Thiết Quân. Anh cho biết đây là lần thứ hai đến VN tham gia công trình băng đăng Đầm Sen.

h9aNAluf.jpgPhóng to
Binh mã Tần Thuỷ Hoàng

Một số tác phẩm trong triển lãm này anh đã từng thiết kế cho các công trình băng đăng ở một số nước, lần này anh chỉ hoàn thiện và làm hoành tráng hơn.

Còn các tác phẩm lần đầu tiên anh thiết kế và thử nghiệm làm tại VN là tháp cầu Luân Đôn, binh mã Tần Thủy Hoàng và cảnh nhà nông vùng đông bắc Trung Quốc. TTCN đã có cuộc gặp gỡ với ông Đàm Cảnh Ân (Tan Jing Xin) - tổng giám đốc Công ty khai thác nghệ thuật băng đăng Cáp Nhĩ Tân, trưởng nhóm nghệ nhân sang VN lần này.

* Thưa ông, có bao nhiêu nghệ nhân Cáp Nhĩ Tân sang VN để thực hiện công trình triển lãm băng đăng lần này? Ông có thể giới thiệu đôi nét về họ?

- Đoàn có 17 người, tất cả đều là nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm trong nghệ thuật chế tác băng đăng ở Cáp Nhĩ Tân. Chúng tôi đã hợp tác với Đầm Sen từ năm 1998 đến nay để giới thiệu với công chúng VN loại hình nghệ thuật điêu khắc trên băng độc đáo của xứ sở chúng tôi. Không chỉ riêng VN, trong nhiều năm qua chúng tôi đã thực hiện nhiều công trình băng đăng khác với qui mô lớn nhỏ khác nhau ở hơn 20 quốc gia trên thế giới.

* Triển lãm băng đăng lần thứ 6 này có gì mới, thưa ông?

- Nếu như năm 2000 sự đổi mới nằm ở các công trình điêu khắc gần gũi hơn, sắc nét hơn với những danh thắng VN, thì năm 2001 toàn bộ nhà triển lãm được tăng cường máy phun tạo tuyết và các trò chơi trên băng làm cho du khách có cảm giác đang đặt chân lên vùng cực Bắc lạnh giá xa xôi. Năm 2002 - 2003 các tác phẩm kiến trúc được chế tác bằng băng màu và thắp sáng bằng những bóng đèn màu thật rực rỡ, đẹp mắt. Kỹ thuật này tiếp tục được phát huy cho triển lãm 2004 nhưng với các công trình đẹp hơn, sắc sảo hơn.

Riêng triển lãm năm nay chúng tôi chọn chủ đề là những danh thắng và biểu tượng nổi tiếng thế giới, có sự giao thoa giữa các nền văn hóa Đông - Tây như: cung Taj Mahal (Ân Độ), tháp cầu Luân Đôn (Anh), Nhà Trắng (Mỹ), cối xay gió Hà Lan, mê cung thành cổ châu Âu, nhà tuyết của người Eskimo, binh mã Tần Thủy Hoàng, kiệu hoa và hoa đăng Trung Quốc...

FMTQU59b.jpgPhóng to
Trò chơi cầu trượt trên băng
* Trong suốt 20 ngày thi công các nghệ nhân phải làm việc trong nhiệt độ âm. Các ông có gặp những trở ngại gì không?

- Nhiệt độ lúc nào cũng phải giữ từ -10 độ C đến -15 độ C. Như thế thì băng mới không tan và các tác phẩm mới có thể nguyên vẹn được. Chúng tôi làm nhiều rồi, quen rồi, hơn nữa xứ tôi là xứ lạnh nên chẳng có vấn đề gì.

* Làm sao để các mảng băng dính lại với nhau?

- Muốn hai mảng băng dính lại với nhau thì quá dễ, bình thường bạn thấy nước đá cũng hay dính cục với nhau đấy thôi nhưng độ bền không vững lắm. Muốn dính thật chặt thì phải tạo hai mặt thật phẳng, rồi dùng cưa cưa những rãnh nhỏ ở hai mặt phẳng ấy, sau đó rưới nước vào các khe rồi áp hai mặt phẳng lại với nhau. Khi nước đông lại thì hai mảng băng cũng sẽ dính chặt với nhau. Quan trọng nhất vẫn là sự khéo léo trong điêu khắc, tạo hình. Cưa cắt, đục đẽo sao cho thật tỉ mỉ, khéo léo chứ nếu không sẽ rất dễ vỡ hoặc bể nát vì nước đá vốn là chất liệu không bền vững.

* Cũng như nước, các tác phẩm bằng băng có thể dẫn điện, vậy làm thế nào để luồn những bóng đèn màu vào trong tác phẩm một cách an toàn?

- Chúng tôi có một bộ phận chuyên trách về vấn đề này. Họ sẽ dùng băng keo dán thật kỹ các mối điện và đầu bóng đèn để đảm bảo hoàn toàn cách điện. Sau đó dùng cưa tạo những rảnh nhỏ có gắn một số mấu đỡ bằng gỗ rồi đặt bóng đèn vào đó. Các dây điện được nối với các tăngphô được bố trí trong những chiếc hộp dấu bên ngoài. Các tăngphô này cũng được xử lý đặc biệt để có thể chịu được nhiệt độ thấp. Tuy nhiên phải đảm bảo khô ráo chứ không được ướt, nhờ nhiệt độ lúc nào cũng âm nên không phải lo vấn đề này.

zzKXrSun.jpgPhóng to
Nghệ nhân Vương Thiết Quân
* Toàn bộ công trình năm nay phải sử dụng bao nhiêu nước đá, bao nhiêu bóng đèn?

- Chúng tôi đã sử dụng khoảng 2.000 bóng đèn màu các loại. Còn nước đá thì chúng tôi không nhớ chính xác nhưng ước khoảng 500 tấn. Đây phải là loại nước đá đặc biệt chứ không phải nước đá như để uống bình thường. Phải xử lý nước sao cho nước đá không bị bọt và có độ trong suốt. Có thể pha với màu để tạo ra các màu sắc khác nhau, kích thước cũng rất đa dạng theo yêu cầu của từng chi tiết tác phẩm. Do đó Đầm Sen đã phải hợp đồng với một hãng nước đá chuyên biệt để họ cung cấp những loại nước đá theo yêu cầu của chúng tôi.

* Thưa ông, nghệ thuật băng đăng Cáp Nhĩ Tân có từ khi nào?

- Đây là một loại hình nghệ thuật lâu đời đã có từ hàng ngàn năm trước. Xưa kia con người ở vùng băng giá thường hay đục đẽo các tảng băng để làm nơi trú ẩn, tránh gió tránh tuyết. Rồi họ trang trí cho “ngôi nhà” của mình bằng cách đục đẽo, khắc lên những vách băng và biến các tảng băng quanh đó thành những tác phẩm nghệ thuật.

Sau này nó phát triển dần thành một loại hình điêu khắc trên băng độc đáo, không chỉ riêng ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc mà nghệ thuật này còn có mặt ở nhiều nước khác, được đánh giá là một trong những kỳ tích của kho tàng nghệ thuật dân gian thế giới.

   HỒNG SƠN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên