22/09/2014 00:59 GMT+7

Hạ can-xi huyết

BS TỊT TUỐT
BS TỊT TUỐT

TTC - Trong thư gởi cho BS Tịt Tuốt, chị Nguyễn thị Oanh ở Lâm Đồng tâm sự: thỉnh thoảng tôi bị tê rồi co quắp toàn thân, người nhà vội đưa vô bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ chỉ nhìn rồi phán: “Hạ can-xi huyết”, cho chích thuốc rồi về. Không biết căn bệnh hạ can-xi huyết ở đâu ra? chữa thế nào, phòng ra sao?

Can-xi là chất khoáng cần thiết để xây dựng hệ thống xương, răng, tham gia vào quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh và còn tham gia vào quá trình đông máu. Trẻ em thiếu can-xi, bị còi xương, chậm tăng chiều cao. Người lớn thiếu can-xi thì bị loãng xương, còng lưng, gai cột sống, gai gót chân và nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác.

Nguyên nhân hạ can-xi huyết

Trẻ đang tuổi phát triển, không được bú mẹ, cho bú sữa nhân tạo không đủ; trẻ đang tuổi phát triển ăn uống không đủ can-xi; trẻ bị giữ trong nhà kín không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thiếu vitamin D nên không hấp thu đủ can-xi; Những trẻ có hội chứng kém hấp thu, rối loạn tiêu hóa kéo dài đều bị thiếu can-xi nên dễ bị co giật do hạ can-xi huyết. 

Người lớn có hội chứng hạ can-xi huyết thường do suy tuyến cận giáp nên giảm bài tiết hormone parathyroid gây hạ can-xi, tăng phosphor máu. Người bị bệnh thận, can-xi thải qua nước tiểu nhiều hoặc nam giới uống rượu bia, can-xi cũng thải qua nước tiểu nhiều, gây hạ can-xi huyết. 

Biểu hiện dễ nhận biết

Nồng độ can-xi trong máu bình thường từ 8,8-10,4 mg/dl (2,20-2,60 mmol/lit). Khi can-xi trong máu giảm xuống dưới 8 mg/dl thì các dấu hiệu rối loạn thần kinh cơ bắt đầu xuất hiện (hay gọi là cơn Tetany) mà biểu hiện bằng sự co cứng các cơ ở đầu chi và toàn thân. Khởi đầu người bệnh thấy tê môi, lưỡi, các đầu ngón tay, ngón chân kèm theo rối loạn thị giác: thấy ảo ảnh, nhìn một hóa hai. Những biểu hiện này khiến họ ở trạng thái kích thích, sợ hãi.

Sự co cơ ở bàn tay khiến bàn tay chụm lại. Bàn chân co lại như đang đặt trên pê-đan xe. Liền sau đó là co giật toàn thân, có thể cắn phải lưỡi. Cơn co giật diễn ra nhanh, sau đó toàn thân trở về trạng thái bình thường. Một số người có thể co cơ trơn hệ tiêu hóa dẫn đến đau bụng, buồn nôn. Số khác bị co cơ hô hấp gây khó thở. Ở người lớn, cơn Tetany thường xuất hiện rõ sau khi tức giận, buồn bã, căng thẳng, mất ngủ. Tuy nhiên ở trẻ sơ sinh bị hạ can-xi huyết triệu chứng không điển hình. Chỉ thấy trẻ ngủ ít, ngủ không sâu (ngủ gà), khó bú mẹ, hay giật mình, có biểu hiện co giật và run.

Sơ cứu người bị hạ can-xi huyết

Đặt bệnh nhân nằm thẳng, đầu nghiêng sang phải. Vỗ nhẹ hai bên má và trò chuyện giúp bệnh nhân tỉnh táo. Nếu bệnh nhân không tỉnh hãy dùng tay ấn vào huyệt nhân trung. Nhanh chóng pha 1 viên can-xi sủi cho bệnh nhân uống rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chích can-xi vào máu. 

Phòng hạ can-xi huyết

Nhu cầu can-xi của từng độ tuổi trong một ngày theo khuyến cáo của Viện Y khoa Mỹ là: 1 - 3 tuổi: 500 mg; 4 - 8 tuổi: 800mg, 9 - 18 tuổi: 1.300 mg, 19 - 50 tuổi: 1.000mg, trên 51 tuổi: 1.200 mg, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú: 1.200 - 1.500mg. Vì thế ăn đủ can-xi rất quan trọng kết hợp với tắm nắng mặt trời buổi sớm để da tổng hợp vitamin D.

Ăn gì tăng can-xi? Uống sữa không béo, sữa đậu nành, ăn hải sản (tôm, cua, cá, nghêu, sò ốc, hến), canh cua đồng. Với rau thì ưu tiên cải thìa, đậu bắp, bông cải xanh, bí xanh, rau bina, các loại rau có màu xanh và củ cải, các loại đậu như đậu trắng, đậu phộng, đậu đỏ và đậu xanh. Lưu ý một chế độ ăn nhiều thịt hoặc nhiều muối đều tăng thải can-xi qua nước tiểu. Những người thiếu máu cần uống viên sắt không nên uống chung với can-xi.

Tuổi Trẻ Cười số 507 ra ngày 15/9/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

BS TỊT TUỐT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục