21/01/2015 11:51 GMT+7

Pháo hoa

ĐỒ BÌ
ĐỒ BÌ

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại những dấu ấn thật mới mẻ về các thành quả canh tân và xây dựng đất nước, mãi mãi sâu đậm trong nhân dân chúng ta. Một trong những thành quả ấy là việc cấm đốt pháo đã được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ. Tập quán của người Việt trước kia xem đốt pháo trong ngày tết như một thứ “truyền thống” ngàn năm; không cần quan tâm đến những nguy hiểm từ thuốc pháo, tốn tiền, làm mất an ninh trật tự, làm ô nhiễm môi trường. Với nghiêm lệnh cấm đốt pháo, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chấm dứt được một thứ “truyền thống” nguy hiểm và tệ hại để nhân dân có những cái tết thật sự an lành.

Ngày nay, chúng ta được phép bắn pháo hoa trong những ngày lễ tết. Nếu lý luận theo kiểu luận lý học hình thức của Vương Dương Minh “Ngựa trắng không phải là ngựa” (Bạch mã phi mã) thì người ta cũng có thể nói “Pháo hoa không phải là pháo” bởi nó ít gây nguy hiểm, không làm mất an ninh trật tự, không gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng về bản chất, “Pháo hoa cũng là pháo” bởi lẽ nó được làm từ thuốc pháo và được kích hoạt từ phản ứng cháy nổ. Nó hơn tất cả các loại pháo khác ở chỗ được quản lý tốt, tạo ra nghệ thuật một cách khá an toàn, đáp ứng được niềm vui của nhiều người.

Nhiều địa phương, tùy theo điều kiện kinh tế xã hội, thường bắn pháo hoa cho nhân dân có thêm niềm vui trong những ngày lễ tết. Nói ra thì xấu hổ, tôi là công dân của thành phố nhưng chưa bao giờ được tận mắt xem pháo hoa lần nào. Tôi biết mình là ông già chen lấn không nổi, bày đặt đi xem pháo hoa lỡ bị ai đó mang guốc cao gót đạp cho lòi ruột mà báo đài biết được đưa tin thì phương hại đến uy tín của Tuổi Trẻ Cười lắm lắm! Cho nên những khi nghe có bắn pháo hoa, tôi đành nằm nhà, lắng tai nghe tiếng bùm binh mà tưởng tượng ra những hình ảnh rực rỡ, xinh đẹp. Cái đó gọi là… nghe pháo hoa. Văn hóa nghe nhìn đã bị tôi làm cho suy bại một nửa.

Vừa rồi đọc báo, thấy uỷ ban nhân dân (UBND) thị xã Hồng Ngự - miền đất đầu nguồn nơi sông Mekong đổ vào nước ta làm nên dòng Cửu Long bát ngát, có ý định đốt pháo hoa chào mừng năm mới. Ông chủ tịch UBND thị xã chỉ thị mỗi cán bộ, công nhân, viên chức (kể cả người đang làm hợp đồng, thời vụ) đều phải đóng góp 1 ngày lương để có thể có 1,2 tỉ đồng bắn pháo hoa. Thế nhưng, ông chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thì suy nghĩ khác. Theo ông, nếu các doanh nghiệp trên địa bàn Hồng Ngự có nhã ý góp vừa đủ tiền bắn pháo hoa thì cứ thực hiện; còn tiền cán bộ, công nhân, viên chức đóng góp thì nên giữ lại để góp phần chăm lo cho bà con nghèo ăn tết. Làm như vậy thì có ý nghĩa hơn.

Người đọc xem được thông tin ấy đâm ra quý mến tấm lòng nhân hậu của ông chủ tịch UBND tỉnh. Pháo hoa có vui thật đấy, nổ trên trời đẹp thật đấy nhưng dù sao cũng chỉ được một số bà con ở vùng bắn pháo hoa xem mà thôi. Đâu đó trong vùng xa vùng sâu, người nghèo chẳng thấy pháo hoa nên chẳng biết nó là cái giống gì. Thậm chí, họ muốn “nghe” pháo hoa như tôi cũng không được. Đem đồng tiền định góp chung ra bắn pháo hoa ấy mua tặng thêm cho bà con nghèo mấy ký gạo, bịch bột nêm, chai nước tương thì niềm vui, cái đẹp được lan tỏa nhiều nơi.

Nhắc lại chuyện cách đây mấy năm, Quảng Nam cũng có chương trình bắn pháo hoa. Sau cùng, UBND tỉnh nghĩ bắn pháo hoa thì chỉ có bà con ở Tam Kỳ vui mà các huyện miền núi khác thì không vui chung được. UBND tỉnh chỉ thị dành nguồn kinh phí bắn pháo hoa ấy để làm nhà tình thương, tình nghĩa cho bà con nghèo. Vậy là tỉnh Quảng Nam thiếu 10 phút pháo hoa mà có thêm được gần trăm căn nhà ấm cúng cho người nghèo an cư lạc nghiệp.

Giữa pháo hoa và bà con nghèo ăn tết, ta chọn cách chăm sóc thêm cho bà con nghèo ăn tết như ở tỉnh ĐồngTháp. Giữa pháo hoa và bà con nghèo thiếu nhà, ta chọn cách lo nhà cửa cho người nghèo như ở tỉnh Quảng Nam. Trường hợp nguồn tài chính phong phú lắm, thì mới chơi pháo hoa bùm binh cho nó có màu sắc. Thế nhưng, cũng xin nhắc lại pháo hoa cũng là pháo, mà chơi pháo thì tốn tiền vậy.

ĐỒ BÌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên