05/03/2015 15:33 GMT+7

Đoán bệnh qua nước tiểu

BS Tịt Tuốt
BS Tịt Tuốt

Bình thường nước tiểu có mùi khai, trong như nước suối hay hơi vàng. Khi nước tiểu có màu, mùi, vị khác lạ, đích thị cơ thể bạn có vấn đề.

Nhìn màu sắc

Màu vàng sẽ đậm hơn khi  bạn uống chưa đủ nước hay ăn nhiều thịt, nhiều đồ chiên xào, 4 ly nước cam một ngày hay uống nhiều rượu bia. Nước tiểu cũng sẽ vàng khi bạn sốt hay uống các loại kháng sinh. Nước tiểu màu vàng, lại thêm vàng da, vàng mắt là dấu hiệu bệnh gan.

Nước tiểu có màu đỏ như nước rửa thịt chứng tỏ thận của bạn bị viêm nên các lỗ lọc to ra và đã cho hồng cầu đi ra theo nước tiểu. Nếu nước tiểu màu đỏ kèm theo đau lưng âm ỉ báo cho bạn nguy cơ sỏi thận. Viên sỏi “cù cựa” đã làm tổn thương mạch máu nhỏ và máu chảy ra theo nước tiểu. Có trường hợp mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, da xanh, xét nghiệm nước tiểu được chẩn đoán một câu xanh rờn: “Đái máu vi thể” tức là bạn nhìn mắt thường chưa thấy rõ màu hồng nhưng mỗi ngày bạn đã mất đi một ít máu qua nước tiểu gây thiếu máu.  Nước tiểu màu đỏ còn gặp trong trường hợp nhiễm độc thủy ngân.

Ngửi nước tiểu

Mùi nồng thường gặp khi bạn ăn nhiều hành tỏi, măng tây, uống nhiều bia rượu. Uống cà phê rồi tiểu ra mùi cà phê như một bạn đọc 60 “xuân xanh” hỏi thường có thể sau đó bạn uống ít nước. Còn nếu bạn đã uống đủ số lượng nước cần mà vẫn ra mùi cà phê thì chứng tỏ cơ thể bạn không có enzym phân hủy cà phê nên chúng “chuồn” ra đường tiểu. Nước tiểu có mùi hôi gặp trong trường hợp nhiễm trùng đường tiểu. Đặc biệt rõ khi nam giới bị bệnh lậu sẽ có tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu ra mủ, ra máu. Lúc này nước tiểu như một “bãi chiến trường” gồm máu, mủ gây đục và rất hôi. Phụ nữ bị nhiễm trùng tiểu, nước tiểu có màu vàng sậm cũng bay mùi hôi nhẹ.

Nếm nước tiểu

Nếm một chút nước tiểu thấy ngọt: tiểu đường nặng. Đó là chuyện thời xưa chưa có xét nghiệm, còn bây giờ không còn ai nếm nước tiểu.

Nước tiểu tung bọt

Bạn ngủ một đêm say sưa nhưng hai thận của bạn vẫn làm việc. Chúng lọc nước tiểu và cô đặc lại để bạn không bị bàng quang đánh thức. Nước tiểu buổi sáng sớm thường vàng và đàn ông đứng tiểu thấy chúng sủi bọt rồi tan ra liền. Đó là hiện tượng bình thường. Nhưng nếu nước tiểu có bọt lại lâu tan và xảy ra trong tất cả những lần bạn tiểu thì đó là tình trạng “đái ra protein”. Đái ra protein có thể gặp khi phụ nữ mang thai, xét nghiệm thấy protein “có vết” trong nước tiểu. Nước tiểu được coi là bình thường nếu nồng độ protein không vượt quá 0,03 gam mỗi lít. Nhiều hơn tức là thận có vấn đề. Nếu bạn đi tiểu có bọt thường xuyên thì đây là dấu hiệu SOS báo cho biết thận có bệnh bởi bình thường hệ thống lọc của thận không cho những phần tử protein đi qua. Protein ra ngoài gặp nước trong bồn cầu sẽ tạo thành bọt. Nó giống như bảo vệ lơ là để kẻ gian vô cơ quan gây rối. Các nghiên cứu gần đây còn cảnh báo rằng: Protein niệu được coi là chỉ số đánh giá tuổi thọ của bạn. Những người có hai quả thận hoạt động tốt, protein niệu bình thường sẽ sống lâu hơn chừng 15 năm so với người thận yếu.

Khi tiểu có khí bay ra

Là khi bạn bị nhiễm trùng, vi khuẩn sinh ra khí. Cũng gặp trong trường hợp dò bàng quang-trực tràng, khí từ trong ruột chạy qua bàng quang mà vào nước tiểu.

Tiểu nhiều lần

Đàn ông ban đêm thức dậy đi tiểu nhiều lần hãy coi chừng tuyến tiền liệt phình to, đè ép vào bàng quang. Tiểu nhiều lần còn gặp trong viêm bàng quang, trong đó tiểu gắt, tiểu buốt là hai triệu chứng điển hình.

Tiểu không tự chủ

Tức là bạn không kịp chạy đến nơi đi tiểu đã tè ra quần giống em bé dưới 3 tuổi. Tình trạng này gặp ở những phụ nữ sinh nhiều con, cơ thắt ở cổ bàng quang bị nhão, không còn khả năng kềm dòng nước đi ra (giống như cửa nhà bạn bị vênh, đóng không kín). Cũng gặp ở những người nhiễm trùng đường tiểu không chữa trị triệt để.

Phòng bệnh cho thận bằng uống nước

Thận lọc máu để thải độc. Vì thế uống đủ nước là giúp thận thực hiện nhiệm vụ dễ dàng. Thiếu nước, thận khó lọc. Vậy uống bao nhiêu? Mỗi ngày bạn uống từ 2 lít đến 2,5 lít tùy theo đổ mồ hôi nhiều hay ít. Kỹ hơn thì bạn xem mình tiểu ra bao nhiêu thì uống bù bấy nhiêu nước. Uống nước tốt nhất là nước lọc, đừng uống nước ngọt hay bia, rượu. Không uống nước đá, đặc biệt một số người có thói quen uống nước đá khi ăn. Nước đá sẽ làm đông dầu mỡ của thức ăn khiến chúng rất khó tiêu. Chưa kể nước đá không sạch sẽ là cầu nối đưa vi khuẩn vô ruột. Uống nước ấm giống như nhiệt độ cơ thể là tốt nhất. Mỗi sáng thức dậy bạn uống 300ml nước ấm giống như một cuộc thanh lọc cơ thể và giúp rửa sạch“bộ đồ lòng”. Trong ngày nếu có điều kiện bạn cũng nên uống nước ấm. Bạn nào hay tiểu đêm thì kết thúc việc uống nước trước 7 giờ tối.

Theo giáo sư David Wishart (Đại học Alberta, Canada): “Nước tiểu là một chất lỏng sinh học vô cùng phức tạp”. Đặc biệt, ta cứ tưởng thận lọc máu ra nước tiểu nhưng trong quá trình lọc lại xuất hiện khá nhiều chất không hề có trong máu. Vì thế nước tiểu vẫn còn nhiều điều phải khám phá.

Tuổi Trẻ Cười số 518 ra ngày 1/3/2015 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

BS Tịt Tuốt
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên