28/10/2014 22:59 GMT+7

Những phiên dịch viên bất đắc dĩ!

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTC - Thể thao VN đã thất bại thê thảm ở Asiad 17 khi chỉ giành được vỏn vẹn một tấm HCV và xếp thứ 21/45 quốc gia tham dự.

Phóng viên VN hành nghề tại Asiad 17 trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ cho VĐV TDDC Hà Thanh.- Ảnh: N.K
Phóng viên VN hành nghề tại Asiad 17 trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ cho VĐV TDDC Hà Thanh.- Ảnh: N.K

Nhưng với cánh phóng viên VN, Asiad 17 trên đất Hàn vẫn là một kỳ đại hội rất để đời khi nhiều người trong chúng tôi được cơ hội... nổi tiếng nhờ trở thành những phiên dịch viên bất đắc dĩ.

Số là sau mỗi cuộc đấu chung kết, các VĐV giành huy chương sẽ được mời tham dự một cuộc họp báo quốc tế. Tất nhiên, đã gọi là họp báo quốc tế thì tất tần tật phỏng vấn, trả lời đều phải bằng tiếng Anh, một điều không dễ với các VĐV châu Á. Bởi thế nên trên bàn họp báo bên cạnh mỗi ghế ngồi của một VĐV, người ta luôn sắp thêm một ghế cho người phiên dịch, có thể là HLV, trợ lý phiên dịch hoặc một quan chức nào đó của đoàn thể thao. Riêng đối với đoàn VN, chiếc ghế phiên dịch viên này luôn được lấp chỗ bởi một... phóng viên trong hầu như mọi cuộc họp báo.

Chẳng phải phóng viên bọn tôi có riêng “nghề tay trái” gì, mà đây thực sự là một trường hợp bất đắc dĩ vì đoàn VN không có phiên dịch viên. Chẳng hạn như trong đêm giành tấm HCĐ đầu tiên của Nguyễn Thị Ánh Viên. Nhận được biết bao sự tôn vinh, ca ngợi nhờ việc đưa bơi lội VN lần đầu giành được một tấm huy chương ở đấu trường Asiad, ít ai biết kình ngư VN phải lúng túng như thế nào khi lui vào hậu trường. Tại cuộc họp báo sau khi nhận huy chương, trong khi các VĐV của Trung Quốc, Triều Tiên đều được tháp tùng bởi HLV hoặc trợ lý phiên dịch của đội thì Ánh Viên thui thủi một mình trước hàng loạt máy quay truyền hình. Cô gái 18 tuổi quê Cần Thơ này chỉ biết nhìn xuống các phóng viên VN và kêu cứu: “Chú ơi, cô ơi, ai giúp con phiên dịch với”.   

Mà chẳng phải riêng gì Ánh Viên, hầu hết các VĐV VN đều gặp cảnh tương tự trong các cuộc họp báo. Từ những niềm hy vọng vàng như Phan Thị Hà Thanh, Quách Thị Lan... cho đến các VĐV ít tên tuổi hơn. Chỉ riêng mỗi đội Olympic VN (bóng đá nam) là được đặc quyền “có phiên dịch viên” cho riêng mình. Trong khi đến như HLV Mai Đức Chung của tuyển bóng đá nữ cũng gặp cảnh khổ sở vì tìm người phiên dịch giúp mình mỗi lần trả lời phỏng vấn.

Và thế là cánh phóng viên VN chúng tôi trở thành những “phiên dịch viên bất đắc dĩ” quen mặt trong mọi cuộc họp báo. Đến mức một anh bạn phóng viên nước ngoài của hãng tin Reuters nói với tôi: “Các anh sướng thật, trong khi bọn tôi phải chen chúc nhau khổ sở mới tiếp cận được VĐV thì buổi nào các anh cũng được ngồi cạnh họ, thậm chí còn “nhắc tuồng” cho VĐV trả lời”.

Vâng, quả là “sướng” thật. Cảm ơn các ông trưởng đoàn, phó trưởng đoàn, lãnh đội..., những người chiếm hơn 10% lượng thành viên đoàn thể thao VN tham dự kỳ Asiad 17 đã tạo cơ hội cho phóng viên chúng tôi được dịp “nổi tiếng” trước ống kính truyền hình quốc tế, cũng như giúp hình ảnh về thể thao VN ngày một trở nên “độc nhất vô nhị” trong mắt bạn bè châu lục!

Tuổi Trẻ Cười số 509 ra ngày 15/10/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục