28/10/2014 22:55 GMT+7

Dám nghĩ, dám mần!

BÀ TÁM
BÀ TÁM

TTC - Chắc chắn “chăm phần chăm” là trong người tui có máu nghệ thuật. Từ nhỏ tui đã ham múa hát. Học lớp 2, tui đã rinh giải nhứt cuộc thi kể chuyện sách nhi đồng của tỉnh Vĩnh Long.

Cũng từ đó, tui rất năng nổ, hoạt động rất mạnh trong các lĩnh vực thời trang, ca múa, nghi thức… Và “mặt tiền” của tui cũng được coi là “cây đinh” trong số những “cây đinh” của phong trào văn hóa văn nghệ tỉnh Vĩnh Long. 

Ai mà chảnh vậy? Xin thưa, đó là “em” Nguyễn Trí Cát Tường, sanh năm 1977, “ra lò” tại Huế nhưng lưu lạc xuống tuốt Vĩnh Long, sau nầy mần diễn viên lấy luôn tên riêng Cát Tường.

Năm 1993, học cấp 3, Cát Tường ẵm giải Hoa khôi của trường PTTH Lưu Văn Liệt, tỉnh Vĩnh Long. Hai năm sau, trong lĩnh vực ca hát (1994 – 1995), Cát Tường rinh luôn giải Tiếng hát Sinh viên học sinh của tỉnh. Nhờ rinh giải thưởng, khi thi tốt nghiệp cấp 3, chị được “đặc cách thêm” 2 điểm về nghệ thuật… Khỏi phải bàn tới, tính lui vì cái “hậu vận” của chị đã được Tổ nghiệp “cấp số”. Nộp đơn thi vô Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh vì chị định sẽ mần ca sĩ. Nhưng có một điều chị cho là quá vô lý là thí sinh ngoài trường chỉ được thi trung cấp chớ hổng được thi vô đại học nên đành bỏ. Bỏ, nhưng cũng tiếc hùi hụi! Chị chuyển qua ghi danh, bước vô trường Điện ảnh Việt Nam tại TP.HCM với số điểm cao chót vót, giành thủ khoa năm 1995.

Năm 1996, gia đình chị chuyển về TP.HCM để tiện việc học. Tuy là học trường Điện ảnh nhưng trong lòng chị vẫn luôn mơ sẽ trở thành một ca sĩ chính hiệu “con nai vàng”. Và cô “ca sĩ Cát Tường” chính thức được các “em-xi” giới thiệu tại các phòng trà, quán bar cùng những tụ điểm ca nhạc tại TP.HCM, sau khi chị rinh giải ba tại cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 1996 (Giải 1: Lương Chí Cường). Ngoài chuyện đi hát hàng đêm, chị cũng góp mặt, tung hoành tại Nhà hát kịch Thành phố với danh nghĩa diễn viên đa năng (hát, múa, diễn kịch, biểu diễn thời trang…), và sớm trở thành diễn viên biên chế tại đây dù còn đang học năm thứ 1 của trường Điện ảnh…

Đi hát, đi diễn hàng đêm, nhưng thấy coi bộ nghề mang niềm vui cho thiên hạ khó mà giàu, nên hễ có thời gian rảnh, chị chạy đi học nghề “tân trang” cho phái đẹp. Chỉ một thời gian ngắn chị trở thành giáo viên, không phải thường mà là giáo viên dạy giỏi với Giải ba toàn quốc ngành thẩm mỹ, do Tổng cục dạy nghề cấp. Có bằng cấp làm thang, chị “chuyển tông”, mở Trung tâm dạy nghề thẩm mỹ, từ bỏ cái nghiệp cầm ca từ năm 2001.

Nhưng mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên. Tổ nghiệp chưa cho ra đi nên chị gặp lại nhiều đồng nghiệp trong một lần đi dự tiệc cưới. Rồi đạo diễn Phi Tiến Sơn rủ rê, chị liền ô-kê “trở về mái nhà xưa” với một vai đầy cá tính trong bộ phim nhiều tập. Không khó khăn mấy khi chị thể hiện vai Bà chủ một vũ trường (Nghề báo) đầy cá tính, bởi khi vừa chập chững ra trường, chị cũng đã khá thành công với điện ảnh qua vai Yến trong bộ phim Đồng tiền xương máu… Dự định “đẻ” thêm một chi nhánh mần đẹp, nhưng rồi chị lại gạt qua một bên. Đóng phim, đi diễn ở Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần từ năm 2006 tới nay, đã ngốn hổng ít thời gian còn hơi sức đâu mà quản lý thẩm mỹ viện. Thôi thì “tiền bạc thì bao la (hổng dễ kiếm) nhưng sức người thì cũng có hạn”!

Sau khi cho ra lò album ca nhạc mang chủ đề Cho nhau lần nữa (năm 2010), chị dự định (lại cũng dự định) mần một live show để nhớ lại cái “hơi hướm” trong 5 năm đi hát. Nhưng cứ chuẩn bị hoài mà chưa thực hiện được 

Thẳng thắn, bộc trực, dám nghĩ dám mần, đó là Quỳnh (Nhà có ba chị em) vai diễn mà chị rất tâm đắc và chị cho là “cái tánh cô Quỳnh cũng y chang như bản tánh của tui”...

Tuổi Trẻ Cười số 509 ra ngày 15/10/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

BÀ TÁM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục