28/10/2014 00:10 GMT+7

Đại phong trào

ĐỒ BÌ
ĐỒ BÌ

TTC - Thời bao cấp, tôi bị dị ứng khi bước vào những cửa hàng sang trọng để mua đồ dùng. Cuộc sống thay đổi, siêu thị ra đời nhưng nó sang quá cho nên cũng chẳng thích hợp với tỳ vị của tôi.

Tôi  khoái ra chợ. Trong tháng vừa qua, có nhiều nơi đưa ra kế hoạch muốn đập bỏ chợ truyền thống, xây dựng nơi buôn bán sang trọng hơn. Nghe thông tin ấy, tôi giựt gân đùi đụi. Bởi tính nhát gan, tôi sợ mình không làm ra đủ đồng tiền đi siêu thị hay trung tâm bán lẻ mua sắm, sẽ  phụ lòng ngành công thương.

Mở đầu là thành phố Đà Nẵng muốn dẹp cái Chợ Cồn truyền thống để xây dựng thành trung tâm thương mại hoành tráng. Không biết tả hữu nói thế nào mà ông bí thư Thành ủy của thành phố này bảo là TP.HCM đã… đập cái chợ Bến Thành để xây dựng trung tâm thương nghiệp nên Đà Nẵng cần làm như vậy. Thông tin này làm bà con cười rần rần. Tôi chạy xuống chợ Bến Thành, la to: “Chợ… chợ… Bến… Bến… Thành… Thành… vẫn… vẫn… còn… còn… đây… đây… đây…”. Ấy, cái tiếng vọng nó vang dội như vậy nhằm giúp nói lại cho rõ thông tin trật lất trên. Chợ Cồn thuộc Đà Nẵng, quý ngài muốn đập bỏ thì là quyền quý ngài. Còn chợ Bến Thành vẫn sừng sững đó, ngày càng nhộn nhịp, xin quý ngài đừng… đập lộn mà mất đi cái biểu tượng văn hóa quá đẹp của Sài Gòn.

Một ngày đẹp trời giữa tháng 10, Sở Công thương Hà Nội lại chơi một phát đại giựt gân, họp báo nói rằng sẽ đập bỏ nhiều chợ truyền thống để lấy mặt bằng xây dựng khoảng 999  siêu thị, 42 trung tâm thương mại, 595 chợ dân sinh! Tổng kinh phí xây dựng sẽ là 521 ngàn tỉ đồng, tương đương 25 tỉ đôla Mỹ. Như vậy, Hà Nội sẽ có trên một ngàn siêu thị! Hàng vạn anh chị tiểu thương và người lao động nghèo xem thông tin này trên tivi chắc là đang lo ngay ngáy. Báo chí gọi cái qui hoạch dự án bán lẻ Hà Nội đến năm 2020 này là kịch bản không tưởng. Trong khi đó, nhiều trung tâm mua bán ở Hà Nội vắng như chùa hoang miếu lạnh. Mùa thu cũng dễ có cảm hứng lãng mạn ấy chứ nhỉ?

Chưa hết đâu, ông Tân Bình ở thành phố tôi cuối tháng 10 lại có kế hoạch phải đập bỏ chợ Tân Bình để xây dựng trung tâm thương mại cao tầng. Cao tầng tức là hiện đại, phải đi thang máy và thang cuốn; có nhiều tầng phải chơi máy lạnh… Thông tin ấy làm 3 ngàn tiểu thương và hàng vạn người làm công, buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Tân Bình lo sốt vó tôm. Trước sự không nhất trí của tiểu thương, quận Tân Bình tổ chức họp tiểu thương để nghe ý kiến. Buổi họp đầu tiên diễn ra được báo chí tường thuật là nóng hơn chảo lửa. Ông Tân Bình hơi e lệ, nói rằng tạm dừng chương trình xây dựng, để bàn sau. Như vậy, đã có ít nhất 3 nơi muốn đập chợ để xây trung tâm thương mại hiện đại hoặc siêu thị hoành tráng. Chí lớn gặp nhau, có vẻ như đại phong trào đập chợ đang hình thành. 

Xưa nay, chợ truyền thống không chỉ là nơi thuần túy để buôn bán mà còn là nơi mà bà con ta giao tiếp, gặp gỡ, trao đổi, hẹn hò. Sinh hoạt chợ là nét văn hóa gắn liền với tâm hồn, tình cảm của người Việt. Nó tiêu biểu cho cái hay, cái đẹp của một vùng miền. “Trai khôn tìm vợ chợ đông” – ca dao ta nói vậy. Nó là thế giới đa sắc, nói lên được cách sống của người Việt cả ngàn năm qua. Đập bỏ chợ truyền thống đi tức là bỏ một nơi giao lưu gặp gỡ; xóa đi nét văn hóa truyền thống đẹp. Siêu thị thì sang và đẹp thật đấy nhưng chỉ là nơi mua bán thuần túy; ngoài ra thì chẳng được thêm cái văn hóa gì. Trung tâm thương mại vài chục tầng hoành tráng thật đấy nhưng cơ bản nó chỉ kinh doanh những mặt hàng chuyên dụng. Từ đời Khổng Tử tới nay, chưa ai nghe nói có người nào leo lên lầu 6 của trung tâm thương mại để mua bó rau hay con cá!

Hóa ra, đại phong trào không nghĩ đến quyền lợi thiết thân của người lao động làm công cho các chợ, buôn bán nhỏ theo các chợ để kiếm sống; chỉ quan tâm người giàu mà quên mất người nghèo. Trí tuệ các vị đi trước thời đại nhưng hơi bị viển vông khi cho rằng thu nhập bình quân đầu người sẽ lên 10 ngàn, 20 ngàn đôla/ năm. Đồ Bì tôi đây cày sâu cuốc bẫm, cố đấm ăn… cơm; mỗi tháng cũng chỉ thu nhập 750 đôla, nuôi bao cấp 4 con tàu há mồm. Sức mấy mà tôi thèm vào siêu thị hay trung tâm thương mại mua sắm! Ra chợ bình dân vui hơn nhiều.

Tuổi Trẻ Cười số 509 ra ngày 15/10/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ĐỒ BÌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục