17/09/2014 22:04 GMT+7

Đứng im đâu có dễ!

ĐOÀN BẢO CHÂU - MINH PHƯỢNG (Ghi theo lời kể của “nhân tượng” Thanh Tâm)
ĐOÀN BẢO CHÂU - MINH PHƯỢNG (Ghi theo lời kể của “nhân tượng” Thanh Tâm)

TTC - Xưa nay, hễ làm nghề nào mà suốt ngày phơi mặt ra đường là người ta than thở : “Cái nghề chi mà cả ngày chạy như ngựa lồng, cực quá!”. Tuy nhiên, mấy ai biết rằng cũng có nghề “đứng im một chỗ” khổ cực không kém, đó là nghề nhân tượng của tôi đây.

Ám ảnh đi tắm

Thời buổi các chương trình hội chợ, giới thiệu sản phẩm mới nhiều như nấm sau mưa, làm thế nào để thu hút khách hàng đến với gian hàng của mình là vấn đề đau đầu với mọi công ty, thế là nhân tượng ra đời. Nôm na là người sẽ giả thành tượng để ông đi qua, bà đi lại thấy lạ lùng, thích thú và ấn tượng với cái sản phẩm tượng đang cầm trên tay. Giả làm tượng, tức là đứng im không nhúc nhích, nghe dễ ợt nhưng khi bị quét lên người gần như 100% bột màu, rồi đứng yên ngoài trời, mặc cho nắng gió bụi đường, tôi mới biết nghề này không dễ “ăn” chút nào!

 Để chuẩn bị cho một ngày làm nhân tượng, trước tiên tôi phải tập làm quen với việc… tắm cả tiếng đồng hồ để kì cọ lớp màu trên cơ thể, trên tóc, trên quần áo. May là màu vẽ nhân tượng chỉ cần gặp nước thì dễ dàng bong ra. Tuy nhiên, đó chỉ là các màu cơ bản như đồng, bạc, những màu còn lại thì... hên xui. Có lần, tạo hình nhân vật của tôi được quét màu đỏ, diễn xong về đến nhà, tôi cứ thế chạy thẳng vào nhà tắm, tắm vội vàng rồi đi ngủ vì quá mệt. Sáng hôm sau, đang ngủ say, tôi giật nảy mình vì tiếng la thất thanh của mẹ, xuống nhà, tôi cũng tá hỏa khi khắp nhà tắm loang lổ màu đỏ như...máu, từ cửa ra vào đến tường, sàn nhà.  Sau đó tôi cũng phải mất đến hai, ba ngày mới tắm sạch được hết màu đỏ quỷ quái đó, thiệt ám ảnh! 

Chuẩn bị sơn phết xong, thử thách tiếp theo là đứng yên, có khi phải mang giày cao gót, đứng trên bục suốt hai tiếng chứ không ít. Mà làm tượng thì đâu phải chỉ đứng xuôi hai tay. Để tạo cảm giác như tượng thật, chúng tôi phải ôm bình nước, cầm sản phẩm, thậm chí tay cầm gươm, tay cầm khiên nặng chình chịch. Lúc mới vào nghề, đứng vào là tôi rất run, thở gấp, thế là bụng phập phồng, nhìn qua là biết “người” rồi. Dần dà, tôi mới hoàn thiện hơn kĩ năng của mình, biết cách giữ mắt không chớp, điều hòa được nhịp thở để tay chân vững vàng, bụng lưng đều phẳng lì.

Tượng ra gió!

Mình tự chuẩn bị cho nghề là một chuyện, nhưng khi tượng “ra gió”, lại có thêm lắm chuyện dở khóc dở cười. Thứ nhất, người xem tượng thường ai cũng có mối nghi ngờ đây là tượng hay là người, thế là háo hức sờ, đụng, nhéo xem phản ứng mình thế nào, thậm chí đứng đọ mắt cả nửa tiếng để xem tượng có chớp mắt không. Những lúc như thế, “tượng” chỉ biết mếu máo cầu viện sự can thiệp của các anh bảo vệ xung quanh thôi. Tiếp đến là mối lo với các chủ khách sạn và các anh tài xế taxi. Vì công ty thường cách xa nơi diễn ra sự kiện nên hôm nào có chương trình, cả đoàn với chục con người, lỉnh kỉnh túi, ba lô, màu vẽ phải thuê phòng khách sạn gần sự kiện để hóa trang. Cứ vài phút lại có người gõ cửa vào xin kiểm tra,  bởi “không biết cả chục người nhét vào một phòng có làm gì mờ ám không?”, biết xong lại lo lắng chúng tôi làm dơ bẩn tường, gối nệm trong phòng, nên họ đuổi như đuổi tà. Bước ra đến cửa, ngoắt taxi lại tiếp tục là một vấn đề không nhỏ vì các anh cũng sợ cả bọn người lấp lánh kì dị này ngồi lên làm bẩn xe. Cách duy nhất để đón được taxi là tất cả phải trùm khăn kín mít, quấn càng kĩ càng tốt để tránh màu lem ra ghế xe.  

Tuy nhiên, nghề này cũng không hẳn chỉ toàn cực khổ. Có lần, tôi làm nhân tượng ở sự kiện cho một hãng trang sức và được đeo những bộ trang sức quý hiếm, trị giá đến cả ngàn đô trong suốt một tuần, điều mà nếu làm “người”, có khi cả đời tôi cũng không có cơ hội được đeo. Một lần khác, chúng tôi tham gia sự kiện giới thiệu một mẫu điện thoại mới, được hóa trang màu ánh kim của cái điện thoại và nghe giới thiệu sản phẩm nhiều lần đến mức tất cả đều thống nhất: “Nếu giải nghệ nhân tượng thì chuyển qua bán điện thoại cũng được, giờ có tính năng nào mình không thuộc nữa đâu!”

Vui buồn gì cũng có, nhưng đến giờ, sau hai năm, tôi vẫn chưa bỏ nghề, vì có được khoảnh khắc im lặng đứng trên bục ngắm nhìn nhân gian nói cười, âu cũng là cái hay có một không hai của nghề này...

Tuổi Trẻ Cười số 507 ra ngày 15/9/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ĐOÀN BẢO CHÂU - MINH PHƯỢNG (Ghi theo lời kể của “nhân tượng” Thanh Tâm)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục