13/09/2014 01:13 GMT+7

Mùi tiền

ĐỒ BÌ
ĐỒ BÌ

TTC - Tiền có nhiều loại: Tiền giấy, tiền kim loại; tiền chuyển khoản, tiền mặt; tiền mệnh giá to, tiền mệnh giá nhỏ; tiền xài trên dương gian, tiền đốt cho âm phủ.

Hôm nay, tôi bàn đến chuyện tiền giấy được trả bằng tiền mặt, có mệnh giá to và được xài trên dương gian. Ấy là cái món tiền khoảng từ 3.900 tỉ đến 4.400 tỉ đồng từ cái gọi là Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP.HCM do Sở Giáo dục và đào tạo của thành phố chúng tôi đề xuất. Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 21-8 dành hẳn 2 trang để thông tin và bình luận về đề án này. Lập trường của bạn đồng nghiệp chúng tôi là chẳng mặn mà gì với đề án. Nay, tôi xin cà riềng cà tỏi theo cái kiểu của anh nhà giáo nghèo nhà quê để bạn đọc chơi; nếu không cười được thì… ho lên cho một tiếng cũng tốt. 

Tôi có 4 đứa cháu nội học tiểu học và cấp III. Ông nội của mấy đứa cháu “cày cuốc” liên miên trên… trang báo để có tí tiền trang trải cuộc sống, sức khỏe dồi dào nhưng cứ đến đầu năm học lại bị… sốt rét! Này nhé, cái quần, cái áo, bảng tên, bao tập của các cháu phải mua “đồng phục” cho đến cái cặp, cái balô cũng phải “đồng phục” luôn. Mua bên ngoài dù giá rẻ hơn nhưng không được chấp nhận. May quá, nhà trường nhơn đức chưa buộc mang giày “đồng phục” nên thằng cháu lớn bợ được đôi giày thể thao của ông để mang; đỡ tốn 150.000 đồng. Hú vía Đồ Bì về ăn cơm ăn cá!!!

Cho nên khi đọc bài của báo Pháp Luật TP.HCM, tôi lại đâm ra nóng lạnh hơn với mùi tiền trong dự án của các tác giả dự án. Xu hướng chung của thời đại chúng ta là cho học sinh tiếp cận với công nghệ thông tin nhưng cũng vừa vừa phải phải, chứ bắt trên 300.000 phụ huynh đóng cái rẹt trên 4.000 tỉ đồng để mua sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng thì thiệt là quá cỡ thợ mộc. Cỡ mặt tôi đóng trên 10 triệu đồng mua 2 máy tính bảng phục vụ cho 2 thằng cháu thì cũng còn ráng được chứ anh chị em chạy xe ôm, buôn ve chai, công nhân thì tiền đâu mà đóng hở trời? Mà chẳng lẽ con người ta học máy tính bảng; con nhà lao động nghèo học sách giáo khoa truyền thống thì lại mất đi tính “đồng phục”, coi sao được? Ắt hẳn sẽ có nhiều em cháu nghỉ học. Học tốn kém quá thì học làm cóc gì! Ở nhà đi bán báo kiếm sống sướng hơn. Cho nên, dự án này thật thiếu lương tâm sư phạm.

Một khi biến sách giáo khoa truyền thống thành sách giáo khoa điện tử thì người ta có thể “cấy” lậu những nội dung, kiến thức khác vào. In ra bằng giấy trắng mực đen đó mà mấy chú bợm còn nói bậy, biến những hải đảo của ta biến ra thành của nó. Vậy khi có giáo khoa điện tử, các tác giả của đề án có kiểm tra kiểm soát được nội dung không; hay cứ để cho nó xuyên tạc thoải mái đầu óc con em ta? Biến cái học thật thành cái học ảo trên máy tính bảng là đã thui chột khả năng hoạt động và nhận thức của con người; mà lại học nội dung tầm bậy nữa thì thật là đại nguy cơ. Một lẽ nữa là trên 300.000 con em các lớp 1, 2, 3 học món máy tính bảng này thì số cận thị, số tự kỷ và số rối loạn chuyển hóa sẽ tăng cấp kỳ. Sở Giáo dục và đào tạo có bảo vệ được sức khỏe và trí tuệ cho các cháu không nhỉ?

Theo tôi, nên “liệu cơm gắp mắm” và phải được sự đồng thuận xã hội mới làm. Lãnh đạo thành phố nói nếu chưa đủ quyết tâm, chưa đào tạo được cán bộ quản lý và nhà giáo, chưa phong phú như chương trình sách giáo khoa, chưa giảm gánh nặng ngân sách, chưa được xã hội đồng thuận thì dứt khoát chưa làm. Chúng tôi có ý kiến cần dẹp đề án này bởi mùi tiền của nó là nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất so với các nguy cơ khác.

Máu tham, hễ thấy hơi đồng thì mê.(Nguyễn Du)

Tuổi Trẻ Cười số 506 ra ngày 1/9/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ĐỒ BÌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục