06/07/2014 06:11 GMT+7

Bóng đá Việt và 3 câu hỏi "tại sao?"

 CHỌT
 CHỌT

TTC - Có nhiều câu chuyện trong bóng đá mà dư luận, báo chí nêu ra nhưng đã không có câu trả lời chính thức. Vì thế, trang thể thao Tuổi Trẻ Cười xin trả lời giùm vậy...

47rUR4Lf.jpg

1. Sự khác biệt giữa Nhật và Việt

Trong túi áo tất cả các nhân vật tham gia làm bóng đá Nhật Bản, khi qua Việt Nam, ai cũng có một tấm cạc nhỏ. Trên đó, người ta in một câu khẩu hiệu: Năm 2050, Nhật Bản đăng cai tổ chức vòng chung kết World cup và đội tuyển Nhật Bản vô địch.

Còn riêng với vòng chung kết World cup 2014 vừa khai mạc thì sao? Trả lời câu hỏi này, ông Tổng giám đốc J-League nói với vẻ chắc nịch: Đội tuyển Nhật Bản xếp hạng tư!

Phóng viên thể thao Tuổi Trẻ Cười hỏi:

- Hai mục tiêu ấy là suy nghĩ từ trái tim hay từ khối óc của quý vị?

Những người bạn Nhật Bản cười và trả lời:

- Dĩ nhiên là từ trái tim.

- Thế người hâm mộ bóng đá Nhật Bản có mắng quý vị vì cái tội mơ mộng viển vông, một tấc đến trời không?

- Không hề - Các bạn Nhật Bản trả lời.

Lạ nhỉ? Các sếp làm bóng đá ở Nhật Bản mơ mộng thì dân họ chấp nhận. Còn ở ta, các sếp mơ mộng khi tuyên bố bóng đá Việt Nam sẽ có mặt ở vòng chung kết World cup 2018 thì thiên hạ mắng tơi bời! Phải chăng dân ta không biết mơ mộng? Hay dân ta khó chịu, luôn thiếu thiện cảm với các nhà quản lý bóng đá?

Xin thưa, các bạn Nhật Bản nói 10 thì cũng làm được 7, 8. Ví dụ như cách đây vài chục năm, bóng đá Nhật Bản chẳng là cây đinh gì trong khu vực, thậm chí họ từng tự nhận rằng mình chỉ là “chiếc giày nhỏ” so với bóng đá Việt Nam, nhưng bây giờ thì họ đã là số một châu Á. Thậm chí bóng đá nữ của họ còn vô địch cả World cup. Nhờ vậy nên người hâm mộ bóng đá Nhật Bản chấp nhận. Còn ta, đã 39 năm giang sơn thống nhất một dải, nhưng một chiếc huy chương vàng SEA Games cũng không có, bóng đá ngày càng xấu xí, khán đài ngày mỗi vắng vẻ; thế mà bảo 2018 có mặt ở vòng chung kết World cup thì đúng là bốc phét!

2. Không có “màu”...

Một phát hiện động trời ngay sau khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thất bại trước Thái Lan trong việc tranh suất dự World cup nữ 2015: Cách đây hai năm, một đội bóng Nhật Bản lặn lội sang Việt Nam xem Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á, với mục tiêu tìm kiếm vài cầu thủ của chủ nhà về đào tạo, thi đấu cho đội bóng của mình. Người đại diện của đội bóng này đã tìm được bốn cô gái có tiềm năng, và lặn lội đi tìm người làm thủ tục để chuyển nhượng. Tuy nhiên, ông đã thất bại! Trong khi đó, người Thái dù không phải là mục tiêu của chuyến đi tìm kiếm tài năng bóng đá nữ của Đông Nam Á, nhưng đã chủ động tìm người đại diện của đội bóng Nhật Bản đặt vấn đề. Và kết quả họ đã gởi được ba cô gái sang Nhật Bản. Kết quả cả ba đều tiến bộ vượt bậc, và một người trong số đó đã ghi hai bàn vào lưới đội Việt Nam trong trận tranh vé đi Canada vào năm 2015.

Không một quan chức nào chịu lên tiếng trả lời vì sao chúng ta “ngoảnh mặt” với tấm thịnh tình của người Nhật, đặc biệt là vị phụ trách bóng đá nữ.

Thế nên, dư luận mới trả lời giùm thế này: Đâu có “màu” thì đâu có làm! Mà cho dù có “màu”, được lại quả từ phi vụ chuyển nhượng thì cũng chẳng dám cầm, vì cầm của người Nhật nguy hiểm quá. Đã có vài bài học lớn từ các vụ nổi đình nổi đám khi hợp tác với Nhật Bản, đó là ngửa tay cầm “màu” lại quả từ họ thì rất dễ bị lộ tẩy, dẫn đến tù tội. Thế nên, dại gì mà làm cho nó mệt!

3. Người tài đức ngồi ở đâu?

Tháng 6-2014 là một tháng buồn của bóng đá Việt, khi phải chia tay với một tượng đài mang tên Phạm Huỳnh Tam Lang. Ông là một ngôi sao sân cỏ được đánh giá là hoàn thiện nhất về cả hai mặt tài và đức trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Lịch sử bóng đá Việt đã có trên 100 tuổi, nhưng tại sao chỉ có mỗi mình ông Tam Lang và thế hệ của ông cùng một số học trò trực tiếp của ông là thể hiện được thứ bóng đá đàng hoàng? Còn càng về sau lại càng “quái dị” với những thế hệ cầu thủ tài kém, đức mỏng?

Nhiều vị làm bóng đá chống chế: Xã hội thế nào thì bóng đá thế ấy. Chẳng phải ai cũng đang kêu ca xã hội Việt đang báo động về đạo đức xuống cấp đó sao? Vậy thì, đạo đức trong bóng đá xuống cấp cũng là một phần khách quan của xã hội vậy.

Xin các ông đừng chống chế. Những người tài cao đức trọng như ông Tam Lang cùng một số cầu thủ khác, có bao giờ được ngồi vào một ví trị quan trọng trong tổ chức quản lý bóng đá Việt không? Thậm chí, có người xắn tay áo vào việc lập một trung tâm đào tạo trẻ như ông Nguyễn Văn Mộng, cũng bị các ông chụp cho cái mũ: Tay này tính đầu cơ đất đai!?

Đối xử với những người tài đức vẹn toàn như thế, mong gì có những cầu thủ trẻ đàng hoàng!

D7vIe30g.jpg

Tuổi Trẻ Cười số 501 ra ngày 15/6/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 CHỌT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên