28/02/2009 06:47 GMT+7

Stress phòng the

BS TỊT TUỐT
BS TỊT TUỐT

TTC - Lâu nay ta cứ nghe sex như một trong những biện pháp giải tỏa stress hữu hiệu, Lúc “làm ăn” cả hai đều tràn trề sinh lực và hưng phấn tột đỉnh. Ấy vậy mà bây giờ lại nghe stress trong phòng ngủ. Có thật thế không?

B0UWyKfO.jpgPhóng to

Stress vì thiếu hiểu biết

Thường gặp nhất là các chàng trai mới lớn. Hormone sinh dục tiết ra kích thích ham muốn và bạn tự sướng trong phòng ngủ, trong nhà tắm. Lúc ấy vừa sung lại vừa sướng nhưng chỉ sau đó ít phút chàng lại tự vấn: “Có gì sai trong chuyện này không?” Câu hỏi luôn ám ảnh trong đầu khiến bạn cứ “làm” và cứ “hỏi” mà không tìm ra lời đáp. Một bữa nghe các anh lớn tuổi nói chuyện rằng phải “thử”, phải “làm thật” và chàng trai đi tìm đối tác, rắp tâm làm một lần cho biết. Lúng túng, bối rối, hồi hộp lại trong khung cảnh sợ có ai biết thì nguy to, thế là chưa nhập cuộc “súng” đã cướp cò. T

rong đầu chàng trai xuất hiện tiếp một mớ câu hỏi rằng: “Phải chăng tự sướng đã gây ra súng cướp cò hay mình bị yếu?” Có chàng viết thư hỏi bác sĩ với tâm trạng lo xa: “Như vậy chắc là sau này sẽ vô sinh”. Thư khác nói rằng: “Đạn rơi vãi lung tung chứ không chạy thẳng vào bia thì sau này có cách gì hốt rồi đổ vào được không?”. Thư nữa cho rằng bạn gái sẽ chê và nếu bác sĩ không kê toa, bốc thuốc cho thì sau này khỏi lấy vợ nữa...

Tiếp đến là những cặp vừa từ tiệc cưới trở về. Chàng mệt mỏi vì chạy xuôi chạy ngược lo cho đám cưới, nàng bở hơi tai vì lo váy áo, trang điểm. Dù vậy họ quyết không ngủ vì phải làm chuyện đó trong đêm tân hôn. Chàng mệt toàn diện thì 1% kia cũng mệt, nó cứ ngắc ngư như trêu cợt cô dâu. Nàng thất vọng tưởng chàng bị “liệt” mất tiêu, có cô dâu khóc ngon lành vì kiểu này mang tiếng có chồng mà không trở thành đàn bà được.

Có chàng rể nọ uống chút bia trong tiệc cưới, về phòng tân hôn hăm hở vào cuộc liền, “súng” quả là ở tư thế sẵn sàng chiến đấu nhưng đến khi “xáp lá cà” thì nó đổ gục xuống. Bẽ bàng, mặc cảm, cô dâu e lệ không thắc mắc, chàng rể sợ hãi không hiểu cái món “bản lĩnh” của mình mọi khi ngồi cạnh người yêu cứ muốn cựa quậy, nay hợp pháp rồi thì lại giở chứng là sao?

Trong cuộc đời của người đàn ông cũng có lúc “cậu nhỏ” giở chứng. Đang sinh hoạt với bà xã ngon lành bỗng một hôm bà xã giận hờn và hỏi: “Anh bị làm sao đấy?” bởi làm ăn chưa có “đầu” đã đến giai đoạn “cuối”. Lúc ấy bà xã mà nghi kỵ, theo dõi hoặc chê bai thì chả khác gì đổ thêm xăng vào lửa. Người đàn ông nhột nhất là bị vợ chê yếu kém, nay lại bị áp lực như thế thì giống như xe gắn máy lẽ ra chỉ cần chùi bu-gi nó lại nổ đều thì nay... tịt hẳn! Tất cả sẽ tạo ra tâm lý bất an và khi trong đầu chàng cứ lởn vởn chữ “thua” thì đúng là “thua” liên tiếp. Trong tâm lý học tình trạng trên nằm trong giai đoạn “báo động - Alarm”. Trong cơ thể adrenaline tiết ra khiến tim đập nhanh, nhịp thở dồn dập và trương lực cơ bắp tăng lên... mỗi khi chuẩn bị nhập cuộc.

Chuyện nhỏ sẽ hóa to!

Tất nhiên cơ thể chúng ta sẽ có biện pháp nhằm quân bình lại. Trong tình dục thì việc đối thoại, trao đổi, động viên giữa hai vợ chồng hoặc tư vấn bác sĩ đều quan trọng. Nếu tâm đầu ý hợp, các chức năng tâm sinh lý được phục hồi. Còn ông chồng tránh né như bỏ đi nhậu tới khuya mới về rồi leo lên giường ngủ hoặc từ chối mỗi khi bà xã “khều”sẽ làm cho stress phòng ngủ trầm trọng hơn và chuyển thành bệnh lý. Chuyện bé tý như móng tay út sẽ to như con khủng long.

Rối loạn cương cứ vừa rối vừa loạn, “thằng nhỏ” nằm im không cựa quậy hoặc ngỏng đầu lên rồi rũ xuống như kẻ ngủ gật hoặc đứng hẳn lên nhưng bắt đầu vào cuộc thì lại run rẩy, sợ hãi và xìu hẳn. Những anh bị “súng cướp cò” cũng vậy, trước nó còn đụng “hoan lạc lộ” mới vãi đạn, nay thì tệ hơn “chưa ra đến chợ đã rơi sạch tiền”. Sự lo lắng sẽ tăng dần theo cấp số nhân khiến nhiều ông cho rằng mình đã mất hẳn chức năng làm chồng và rơi vào bệnh lý tâm thần: Có người nóng nảy, bạo hành với vợ con, nói bậy, có người lại trầm tư, buồn rầu ít nói, vợ con muốn làm gì cũng mặc kệ. Có người làm bạn với rượu bia và trở thành “bợm”. Có người trở thành bệnh nhân trầm cảm...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn thấy mệt mỏi, mất ngủ, chán đời, không ham muốn tình dục, dễ nổi nóng thì tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ. Tâm lý trị liệu, thuốc chống stress từ tân dược, đông dược hiện có rất nhiều trên thị trường sẽ giúp điều chỉnh và chống đỡ với stress... Ngoài ra, dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ và làm việc khoa học là cách tốt nhất chống lại stress. Trong dinh dưỡng, việc ăn đủ các phức hợp carbohydrate vừa giúp ổn định lượng đường trong máu vừa kích thích não sản xuất serotonin, hormone làm khí sắc tươi tắn, phấn chấn.

Có 5 loại chất khoáng và vitamin chống stress hiệu quả là can-xi, magiê, kẽm, vitamin C và vitamin nhóm B. Hãy ăn nhiều thực phẩm chứa omega 3 như cá biển, cá basa, hạt hướng dương, hạt bí đỏ, cá hồi, cá thu, trứng gà... Omega 3 có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và giúp chống đỡ stress. Không nên dùng nhiều rượu, bia, chất kích thích sẽ gây đau đầu, mất ngủ và càng làm cho stress phòng ngủ nặng nề hơn. Khi bị stress chúng ta thường có xu thế thèm đồ ngọt, quí ông hãy nhớ “bụng to lò xo ngắn” ăn điều độ cũng chính là cách phòng chống stress hữu hiệu.

GPMSNHoK.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 374 (ra ngày 15-2-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

BS TỊT TUỐT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên