​Muộn

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH 02/04/2015 02:04 GMT+7

Họp sơ kết sáu tháng đầu năm, Lâm từ công trình về tham dự. Mẹ hay tin tíu tít: “Mẹ ủi cho mày cái sơmi kẻ rồi, diện với người ta...”, Lâm cười ngượng nghịu, lần nào hay tin Lâm được về công ty họp là mẹ mừng như được ai cho quà.

Tranh: Vũ Đình Giang

Cũng phải, đạt tiên tiến cả sáu tháng, không khiển trách kỷ luật gì. Ở trên rừng, nhìn xa xa chỉ có cây và cây, nhìn gần gần thấy toàn đèn xanh đỏ chớp chớp, nháy nháy. Ngay cổng, hai bên đường toàn cà phê mờ, cà phê chòi võng với gội đầu thư giãn, thứ gì dưới phố có, trên này đều không thiếu, đèn khi có khi không, giữ được danh hiệu không dễ. Lâm thì mong được về hơn, về thăm mẹ, thăm khu tập thể và những người ở đó...

Mẹ nói xin nghỉ thêm hai ngày được không? Ở nhà phụ đám cưới chị Hoài.

Lâm sững người:

- Chị Hoài lấy chồng? Lấy ai?

- Anh Chung vợ mất cũng gần bốn năm, đàn ông tang vợ như thế cũng dài, còn hai đứa con phải lo...

Anh Chung làm cùng công trình với Lâm, anh là thợ máy nhưng thợ bậc cao. Đám lính mới luôn tôn sùng anh như thánh. Hết công trình này anh lê sang công trình kia. Từ ngày vào công ty, số ngày anh về xưởng ở thành phố chưa quá trăm ngày. Anh bảo đi công trình vui hơn, không phải bó buộc bởi nội quy, ngày làm cật lực, đêm ngủ thẳng giấc. Anh Chung có vợ có con, còn có cả nhà.

Thời nào cũng vậy, nhà luôn là mơ ước lớn nhất, lắm người đầu hai thứ tóc mà chưa có được mái hiên che nắng mưa thì việc anh Chung mới hơn ba mươi có nhà riêng, không làm người khác nể phục mới lạ. Chị Liên vợ anh làm công nhân ở công ty bên cạnh, sinh hai đứa con, đứa nhỏ hơn tuổi thì chị mất vì tai nạn lao động.

Vợ mất, anh Chung không thể ở nhà lo cho con, anh phải trở lại công trường, hai đứa con nay vứt cho nội, mai vứt cho ngoại, bệnh tật rề rề, chưa kể việc học hành bị chậm trễ. Bốn năm, cũng đến lúc anh lấy vợ, đàn ông đâu thể một mình mãi.

Chị Hoài vào ở với chị gái cũng được ba năm. So với các cô gái “hàng dạt” ở quê vào kiếm chồng thì chị Hoài có vẻ cứng tuổi, thế mà lại “chậm” chồng nhất. Năm đó có ba cô gái vào hồi đầu năm, cuối năm đã có hai đám cưới, cưới xong theo chồng đi công trình, chồng đâu vợ đó. Chị Hoài, bố mẹ mất sớm, chị ở với anh cả, lo cho đám cháu, cháu anh cả lớn lại sang anh hai, đến khi nhìn lại mình thì đã quá lứa.

Chị Huệ là chị thứ tư, bảo vào ở cùng anh chị, trước mắt là phụ chị lo cho đám cháu, sau xem có ai thì lấy. Anh rể là đội trưởng thi công, ai tài cán gì, anh biết hết. Đám cháu quấn dì Hoài như sam, bố đi công trình triền miên, một mình chị Huệ với ba đứa con, may mà có chị Hoài. Mẹ nói con bé được cả người lẫn nết, cũng có mấy đám đến nhà nhưng lại chưa ừ ai.

Những ngày Lâm không đi công trình, chiều chiều, Lâm thường chơi bóng ở sân. Gần đấy là cái bể nước, chiều nào chị Hoài cũng lên gánh nước, dáng chị Hoài đi rất dẻo, hai thùng nước đong đưa có nhịp có điệu. Gánh nước rồi Hoài lùa đám cháu lên bể tắm, khi đám trẻ về nhà, chị Hoài ở lại với thau quần áo của cả nhà, khi ấy trời cũng vừa chập choạng, đội bóng cũng tan.

Lâm ghé qua bể, mượn gầu nước, tắm luôn tại chỗ. Có khi Lâm còn múc nước cho chị Hoài giặt, thấy Lâm đi xin xà phòng, hôm sau chị Hoài mang sẵn dầu gội với xà phòng cho Lâm. Lâm thích nhất lúc cả người đầy bọt xà phòng, đầu cũng đầy bọt, ghé ghé xuống thấp để chị Hoài dội nước. Chị Hoài đứng trên cái bục ximăng, hai ống quần được chị kéo lên và giữ bằng hai đầu gối chụm nhau. Bắp chân chị tròn lẳn, trắng trẻo. Gót chân chị hồng hồng dù móng chân dính phèn nhờ nhờ màu gạch cua...

Đèn điện bật, cũng là lúc Lâm cắp chậu quần áo, chị Hoài đi bên cạnh xách gầu nước, một bên tay cầm cái giỏ có hộp xà phòng, chai dầu gội với cái bàn chải. Chị Hoài cười với Lâm bằng đôi mắt có đuôi. Sau này, mỗi khi nhớ mẹ, nhớ về khu tập thể, Lâm thường nhớ luôn đến đuôi mắt chị Hoài.

Lâm đi công trình, rảnh rảnh hay vào rừng tìm phong lan, mỗi khi có xe hay ai về thành phố lại gửi cho chị Hoài một hai giò, khoảnh sân trước hai nhà giờ đã đầy phong lan, có điều chị Hoài không biết chăm, chúng cứ chết dần chết mòn. Mẹ nói phong lan rừng quen với khí hậu rừng, về thành phố sống cảnh cá chậu chim lồng, không khí ô nhiễm làm sao sống. Lâm vẫn cặm cụi gửi để chị Hoài khỏi quên Lâm, vậy thôi.

Chị Hoài làm công nhân may cách nhà mười lăm kilômét, không biết đi xe máy, ngày hai bận chị cần mẫn đạp xe đi về, lương lại chẳng bao nhiêu, có tháng còn phải đền hàng. Chị Huệ nói, chị Hoài lấy chồng xong, khỏi cần đi làm. Nhà anh Chung ngay ngã ba, xung quanh có mấy công ty, toàn thanh niên, thích hợp mở quán cà phê, ăn sáng, thêm quầy tạp hóa nho nhỏ là dư chuyện làm, vừa tiện chăm sóc hai đứa con. Chị làm được nhiêu cất nhiêu, chi phí trong nhà có anh Chung lo hết. Mấy ai sướng vậy.

Sếp nói công trình đang giai đoạn nước rút, cậu xin nghỉ đận này là kẹt lắm. Lâm biết mình mà nghỉ sẽ mất tiên tiến tháng này, có thể còn ảnh hưởng sáu tháng cuối năm, lại dính đến tiên tiến cả năm. Nhưng Lâm đi không đành, mẹ đã nói thế, chị Huệ cũng nói thế. Lâm cũng muốn tận mắt thấy chị Hoài mặc áo cưới.

Con người ta lạ lắm, đôi khi không tin những gì người ta nói, mà đòi phải tận mắt nhìn, có như thế mới coi là thật, mới chịu tin, mới chịu bắt mình đừng nghĩ nữa, dù chẳng phải dễ. Giống như tận tay thả cục muối vào vết thương của mình, nghiến răng chịu đau, chịu xót, như thế vết thương mới nhanh lành miệng.

Lâm vẫn chưa gặp chị Hoài, nghe nói chị phải đi chụp hình, thử áo cưới. Muộn thì muộn, cả đời chỉ có một lần, cũng phải làm cho đàng hoàng. Lâm tính nói để Lâm chở chị Hoài đi thử áo, nhưng anh Chung nói anh đi được. Anh Chung với Lâm ở công trình cũng thân, Lâm biết anh từ bé. Anh giao cho Lâm nhiệm vụ làm cái cổng hoa vì Lâm khéo tay. Ở công trình có mấy đám cưới, toàn Lâm cắt xốp làm chim bồ câu với trầu cau, cô dâu chú rể chứ đâu.

Lâm vào xóm xin mấy tàu dừa, cột xe máy kéo về làm quẩng lên một vùng bụi đỏ. Lâm kéo tàu dừa ra bể, múc nước rửa từng nhánh lá, bụi đỏ trôi tuột, những lấn cấn trong lòng Lâm sao không trôi, còn neo lại, lắng cặn xót nghẹn.

Chị Hoài không còn trẻ, anh Chung tuy chưa già, nhưng nhìn sao cứ thấy không hợp mắt. Lâm nghiến răng cắt tàu lá dừa. Không biết bao nhiêu năm nữa Lâm mới được bằng như anh Chung, có nhà, có xe, có ai đó thấy mình có thể làm chỗ dựa mà dựa vào.

Cổng hoa làm xong cũng chiều, Lâm giấu ngón tay bị thương của mình vào túi quần. Hồi chiều cắt hai con chim bồ câu, Lâm tự dưng mong cho mỗi con bay về mỗi hướng, lại nắn nót tỉa tót hai con chim sát cánh bay cùng nhau, lúc ngắm đôi chim, lơ đãng sao cắt luôn phải tay mình. Mặt ngoài là hai con chim bồ câu trắng tinh, không ai biết mặt sau thấm đỏ máu Lâm.

Chị Hoài ra bể gánh nước, nhìn Lâm:

- Có tắm không? Chị dội nước cho?

Lâm lắc đầu, chị đâu có thể dội cho Lâm suốt đời, thêm một lần cũng chẳng để làm gì, còn xa xót đắng đót thêm. Chị Hoài xịu mặt, hai cái thùng không quăng quật. Lâm tính nói với chị một câu, lại thôi, dáng chị gánh nước vẫn còn mềm lắm, Lâm quên luôn câu mình tính nói. Thì thôi, mai chị làm cô dâu rồi, kiểu gì cũng đã muộn.

Đám cưới, cô dâu rạng rỡ, chú rể rạng rỡ, hai đứa trẻ có mẹ cũng rạng rỡ. Lâm không ăn không uống gì, dựa lưng vào cây cột nhìn cô dâu chú rể, có người đi ngang, bảo: “Sao không vào bàn ngồi ăn miếng gì đó?”. Lâm không trả lời, Lâm đâu cần ăn.

Cởi cái áo kẻ mẹ ủi cho từ hôm qua, mắc sau cửa, Lâm nhảy chuyến xe tối, đi xuyên đêm lên công trình.

***

Nhoắng cái lại sơ kết sáu tháng cuối năm, mới đó đã hết năm, chẳng mấy mà tết. Mẹ nói Lâm xem vợ con thế nào, như anh Chung đấy, công trình quanh năm nhưng vẫn yên tâm vì con cái có người lo. “Cái Hoài thế mà vẫn chưa có gì, “mạ già ruộng ngấu”, phụ nữ khi còn kịp cứ phải có đứa con cho riêng mình. Chung nó có hai đứa con trai, giờ được đứa con gái là tốt nhất, mai kia về già có chỗ dựa”.

Lâm càu nhàu:

- Đận này về, con lấy vợ cho mẹ xem. Ba năm đẻ hai đứa cho mẹ trông, khỏi cằn nhằn.

- Cha bố anh, làm được hẵng nói.

Lâm ra quán chị, kêu chai bia. Chị Hoài giờ đẫy đà, trắng hơn, lúc chị ngồi xuống ghế, Lâm thấy mấy ngấn mỡ lòi ra chỗ tà áo xẻ cao. Không biết có phải vì buôn bán mà Lâm thấy chị như đon đả hơn, hồi đó chị hay cười, nói gì cũng từ từ hiền lành chứ không nói nhiều lại có phần bỗ bã như bây giờ. Chị vỗ vai, cợt nhả với khách, con mắt lúng liếng đong đưa, bây giờ đã có nước máy về đến tận nhà, chị không còn phải đong đưa đôi thùng giống ngày trước.

Chị mang cho Lâm dĩa lạc rang, bảo vợ con thế nào, xem liều liệu mà cưới đi, đàn ông cứ có vợ vào mới trưởng thành được. Quăng cho Lâm tràng cười, chị Hoài sang bàn ông khách tóc bạc ngồi. Lâm là khách vãng lai, hay người nhà nên chị không buồn lấy lòng?

- Chị cũng muốn sinh một đứa, sợ sinh con trai, sợ cả con anh con tôi.

Lâm không cần ly, ngửa cổ dốc thẳng chai bia vào họng. Bia không đá, không ướp lạnh, đắng nghét khó uống. Lúc đặt chai bia xuống, Lâm ngu ngốc hùa vào, bắt chước giọng mẹ cho ra vẻ:

- Phụ nữ cũng nên có đứa con của mình, sau này có chỗ dựa.

Âm thầm nói, sao chị không chịu ngoái ra sau nhìn một cái, Lâm sẽ làm chỗ dựa cho chị, chị muốn có mấy đứa con cũng được hết, trai gái gì Lâm cũng nuôi hết. Tiền lương Lâm sẽ để chị giữ hết, chị muốn tiêu nhiêu thì tiêu.

Lâm ở công trình, ăn cơm tập thể, ở nhà cơ quan, quần áo bảo hộ được cấp phát. Tháng cùng lắm mất chừng hai trăm nghìn tiền dầu gội với xà bông. Lâm không nhậu cũng không hút thuốc. Chỉ cần chị mua cho Lâm một bộ đồ đèm đẹp chút, để mỗi khi về, Lâm chở chị và con đi dạo phố. Lâm cũng ráng về thường xuyên, hay là Lâm đưa chị cùng theo nhỉ, người ta cùng vợ đi hà rầm, chồng đâu vợ đó, lúc nào cũng có nhau.

Chiều nào Lâm cũng ngồi thụp xuống cho chị dội nước, lấy nhau rồi, Lâm còn đòi chị kỳ lưng gãi đầu cho. Hai vợ chồng lúc nào cũng ở bên nhau, mở mắt thấy nhau, nhắm mắt thấy nhau là sướng nhất đời, khi con đi học rồi tính tiếp.

Khuya, quán không còn ai. Chị Hoài vắt cái khăn lên vai, kéo ghế:

- Sao Lâm chưa lấy vợ?

Lâm không nhìn chị, thảy hạt lạc cuối cùng vào miệng:

- Cô gái Lâm thích lấy chồng rồi.

- Tại Lâm đi hoài, con gái nào chịu nổi.

- Anh Chung cũng đi đó thôi? Sao chị vẫn chịu được? - Lâm ấm ức, ngửa cổ dốc bia vào miệng, chai cạn, Lâm bực bội quăng vỏ vào góc nhà.

Chị thở dài, đứng dậy rút cái khăn trên vai lau mặt tủ, xếp mấy vỏ chai bia vào thùng, nhặt luôn cả vỏ chai bia Lâm vừa vứt. Cái vỏ chai của Lâm cũng như của những người khác vào quán, nằm chen chúc nhau trong kệ. Và Lâm, cũng như những người khách khác đến quán chị, được chị phục vụ chu đáo:

- Mỗi người một hoàn cảnh. Rồi Lâm sẽ tìm được ai đó thương yêu mình thật lòng.

Lâm nhìn chị:

- Lỡ không có ai, chị có đền cho Lâm không?

Sao chị không trả lời Lâm mà lại thở dài?

Mẹ càu nhàu:

- Chuyện người ta, quan tâm làm gì? Nó giờ quán xá, kiếm còn khá hơn đi may. Chi tiêu hằng ngày có chồng lo, kiếm được nhiêu giữ riêng. Được cái hai đứa trẻ cũng nghe lời, chúng nó cũng khổ quá rồi, có người gần gũi chăm sóc, chúng mừng không hết. Đàn bà, thế cũng xong, còn hơn khối đứa theo chồng nay đây mai đó, con cái nheo nhóc, mái hiên đụt nắng che mưa không có. Đàn bà đơn giản lắm, có khi lấy phải người đàn ông chẳng thương yêu gì mình, nghĩ thì cũng tủi thân nhưng bảo bỏ lại không bỏ được, vì ngại, vì tiếc, vì đủ thứ lý do nên vẫn phải buộc đời mình vào.

Lâm leo lên giường, càm ràm:

- Mẹ nói thế, ai dám lấy con?

***

Mưa, xe cộ nằm bãi chờ. Mưa lê thê không dứt. Một số anh em đã nhảy xe về thăm nhà. Trời chưa chiều đã tối, khu nhà chỗ này là chiếu bài, chỗ kia là bàn nhậu. Nhậu không bằng bia, mà bằng rượu, dân công trường, bia không đủ đô, cứ phải rượu tự nấu. Đã đi công trình, ít cũng hai ba năm, nhiều có khi bảy tám năm. Tuổi trẻ qua hồi nào chẳng hay.

Sẵn xe đó, đi đâu chở theo mấy cái vò, rượu mới cất, niêm phong kỹ, chôn xuống đất, những khi rảnh rang như lúc này đào lên. Rượu hạ thổ, nặng vẫn nặng nhưng êm, không sốc. Uống vào say ngủ đã luôn, mặc kệ ngoài kia mưa, mặc kệ tháng này không đủ công. Mưa là do trời, không đủ công do mưa, chung quy cũng do trời. Chuyện gì cũng cần có ai đó đứng ra chịu trách nhiệm. Mà trời là to nhất rồi còn gì.

- Coi bộ còn mưa lâu, sao anh không về thăm nhà?

Mưa rừng lê thê, có dứt mưa cũng phải mấy ngày sau đất khô máy móc mới làm tiếp được. Lâm cụng ly với anh Chung, sẵn hỏi, không dưng lại nhớ ánh mắt đau đáu của chị Hoài tối nọ. Mặc Lâm ngồi giữa quán, chị cứ đứng bám chặt lấy mấy két vỏ bia xếp chồng lên nhau, lấy chồng, chị thôi không cười với Lâm, không kể cho Lâm nghe những câu chuyện hằng ngày nữa, chị cất chúng cho riêng mình.

Anh Chung cười:

- Mày làm như anh mới cưới vợ không bằng.

- Ủa, là sao anh?

- Là cưới lần đầu còn ham, lần hai là nhàm rồi.

Anh Khải cười ha hả xoa bù tóc Lâm:

- Thằng này còn con nít bỏ mẹ. Chắc vẫn chưa biết “mùi đời”. Nó kiếm ôsin cho con nó, cơm không phải nuôi, còn có bò mà cưỡi.

Lâm nén ngụm rượu, cứ ngỡ mình vừa nuốt axit, vừa đắng vừa xót, giả bộ cười cười cho đáng đàn ông công trường, cho ra vẻ đã biết “mùi”.

- Thế... không yêu à?

Anh Khải với anh Chung phá lên cười, tiếng cười át tiếng mưa sầm sập rơi xuống mái tôn. Cứ mưa kiểu này, không khéo có lũ quét. Anh Chung nhìn Lâm:

- Hôn nhân là nấm mồ của tình yêu, có yêu hay không, lấy nhau về cũng ngủm củ tỏi, yêu làm gì?

Lâm nằm luôn xuống chiếu. Mưa lâu, nền nhà ximăng lạnh ngắt thấm cả lên chiếu, vừa lạnh vừa ẩm. Lâm quờ chai rượu trong suốt, men đểu hay sao mà uống mãi chả say.

- Nhưng cũng cho người ta đứa con, đỡ tủi.

- Con mẹ gì nữa, nó chả thắt bố cái của nợ kia trước khi cưới rồi. Chiến sĩ vác súng không đạn thì làm ăn gì? - Anh Khải nháy, ghé sát tai Lâm nói nhỏ, chai rượu ngã lăn, vũng lênh láng cứ loang dần, loang dần...

***

Trời vẫn cứ mưa hoài không dứt. Lâm xỉn hoài không tỉnh, cũng không muốn tỉnh. Nếu trời quang, đường dây điện không đứt, hẳn Lâm đã gọi điện về thành phố.

Mà gọi được rồi, Lâm sẽ phải nói gì?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận