KỶ NIỆM CỦA MỘT NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI

DAMIAL KALFOV (BULGARIA) 03/03/2016 02:03 GMT+7

TTCT - Hội Nhà văn của chúng tôi có không quá 60 người. Năm tháng trôi qua nhưng con số đó không thay đổi. Đúng là hàng năm đều có kết nạp hội viên mới, nhưng số hội viên lớn tuổi ra đi mãi mãi cũng xấp xỉ. Giống như Viện hàn lâm Pháp, số lượng hội viên luôn cố định.

Nop
Nop

 

Thường đầu năm sẽ có cuộc họp, cuộc họp duy nhất cho cả năm. Chúng tôi bầu chủ tịch, thư ký và kết nạp hội viên mới. Thư ký hội giữ tất cả hồ sơ, thường thì người này đang làm việc ở một cơ quan nhà nước nào đó. Khi có việc, chúng tôi tới thẳng cơ quan trong giờ làm việc. Mà việc gì thế?

Đó là xin giấy đề nghị được cấp hai vé tàu hỏa hạng nhất miễn phí hoặc hai giấy mời xem ở nhà hát thành phố. Cũng có khi không tới thẳng cơ quan mà tới quán bia Giải Phóng. Lúc nào thư ký hội cũng mang theo người đầy đủ các loại giấy tờ, đặc biệt là giấy giới thiệu.

Hai vé tàu hỏa miễn phí, hai giấy mời xem hát là tất cả những gì chúng tôi, hội viên Hội Nhà văn được cấp trong cả năm. Thế mà sao vẫn có nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ chen lấn để được vào hội?

Nào là đơn từ, nào là thu thập chữ ký chỗ này, chỗ kia. Rồi còn chiêu đãi trước cuộc họp, thịt nướng, lòng heo, rượu bia...

Vậy mà có một người còn muốn tự tử nếu bị từ chối.

Điều kiện đầu tiên để vào hội là phải có ít nhất một cuốn sách được in, được độc giả nhiệt liệt chào đón và được giới phê bình quan tâm đặc biệt. Người này còn có thêm một tập thơ 19 trang, tự in.

Anh ta không tới vào cuộc họp đầu năm, mà tìm cách gặp chúng tôi từ trước đó mấy tháng. Trước khi bắt đầu vào họp chừng 10 phút, anh ta còn bắt tay tôi chặt đến nỗi máu ngừng chảy xuống các đầu chi.

- Tôi không biết... tôi không biết mình sẽ ra sao nếu không được kết nạp đợt này...

- Anh không cần lo lắng quá - tôi cố gắng an ủi.

- Ông có tin tưởng là...

- Tôi tin!

- Xin cảm ơn ông rất nhiều.

Rồi lại bắt tay chặt hết cỡ.

Số hội viên đến dự họp chỉ khoảng một phần hai, phòng họp khá vắng vẻ. Sau khi nghe báo cáo tổng kết năm và những đề xuất cho năm tới, chúng tôi nghỉ giải lao. Khi ra ngoài hành lang, tới gần chỗ treo áo khoác, tôi thấy một cái đầu thò ra dưới đám áo.

- Thế nào rồi? Ứng cử viên của tôi hỏi.

- Chưa tới phần bỏ phiếu.

- Chắc tôi tự tử mất! Cái đầu thụt vào.

Trước khi bỏ phiếu, tôi phát biểu giới thiệu với nội dung tích cực cho ứng cử viên bi quan của mình. Thậm chí tôi còn úp mở nói là cuộc bỏ phiếu này sẽ ảnh hưởng suốt đời tới số phận một con người. Chẳng có gì đáng để ta phải tiếc thêm một lá phiếu. Mọi người tỏ ý đồng tình với bài phát biểu của tôi. Họ còn hứa hẹn:

- Tất nhiên rồi... Chúng tôi rất sẵn lòng... Sao chúng ta phải quá nghiêm khắc làm gì...

Khi kiểm phiếu, ứng cử viên của tôi có được đúng một phiếu thuận. Sau bốn mươi năm, tôi có thể thú nhận lá phiếu này lại không phải là của tôi.

Bạn đọc sẽ hỏi: Chuyện gì đã xảy ra? Người này sau đó có tự tử không?

Không, anh ta không tự tử. Anh ta đi lang thang chỗ này chỗ kia một thời gian, buồn bã, tức giận. Sau đó thì biến mất không dấu vết. Tôi chỉ tình cờ gặp lại anh sau hai mươi năm trong một xưởng chế biến thực phẩm sạch trên vùng cao nguyên. Tôi không nhận ra anh ta ngay, mà anh ta nhận ra tôi trước. Một người vốn gầy gò, luôn mang vẻ u uất ngày nào, nay là một người đàn ông vạm vỡ, phong độ, nhanh nhẹn.

- Ông vẫn còn nhớ tôi chứ? Anh ta hỏi tôi. Thay vì trả lời, tôi hỏi lại:

- Bây giờ anh làm gì?

- Tôi làm sếp ở xưởng sản xuất phô mai này. Sản phẩm của chúng tôi an toàn và bán chạy nhất nước đấy.

- Tuyệt vời!

- Phải, rất tuyệt vời. Tôi không biết ngày đó nếu tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn thì bây giờ thế nào.

Khi chia tay, anh nhét vào túi tôi một tảng phô mai lớn.

- Ông đừng từ chối! Tôi rất biết ơn ông vì lá phiếu thuận duy nhất ấy của ông.

Tôi không dám nói ra sự thật với anh. Một phần cũng lo anh sẽ lấy lại tảng phô mai thơm ngon.■

T.Dũng (st)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận