ESports có phải là thể thao?

HUY ĐĂNG 13/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - Ở Việt Nam, rất nhiều người vẫn “dị ứng” với eSports (thể thao điện tử) vì cho rằng nó là game online đang đem tới nhiều phiền toái cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế eSports khác với game online thông thường, và một kết quả nghiên cứu của Đức nói rằng chơi eSports thật sự là thể thao.

Những chàng trai khỏe mạnh của đội eSports VN do Trung Hiếu quản lý, khi tham gia giải Crossfire Star tại Hàn Quốc -T.H.
Những chàng trai khỏe mạnh của đội eSports VN do Trung Hiếu quản lý, khi tham gia giải Crossfire Star tại Hàn Quốc -T.H.

Trước tiên, cần phân biệt rõ một điều: không phải bất kỳ loại game điện tử nào cũng được xem là thể thao. Chỉ có một số ít game được Hiệp hội Thể thao điện tử quốc tế (IeSF) công nhận mới trở thành eSports. Có thể liệt kê một số môn eSports phổ biến như Dota, Starcraft, Counter Strike, Crossfire (đột kích), FIFA (game mô phỏng bóng đá), Need4speed (đua xe)... Vậy điều gì đã khiến các thể loại game này trở thành thể thao điện tử?

Vận động với cường độ đáng nể

Không giống như game online - thể loại người chơi tham gia vào một cuộc sống ảo và thường phải bỏ rất nhiều thời gian “cày” từ ngày này sang ngày khác mà không có điểm dừng, tất cả trò chơi eSports đều diễn ra dưới dạng ván đấu.

Thời gian mỗi ván kéo dài từ vài phút cho đến vài giờ tối đa. Và cũng khác với hình ảnh người chơi game online thường ngáp ngắn ngáp dài trước màn hình máy tính, game thủ eSports luôn phải tập trung cao độ với số lượng thao tác nhiều đặc biệt so với những hoạt động bình thường.

Hãng tin DW của Đức mới đây đưa ra một bài viết phân tích cho thấy cường độ vận động đặc biệt cao của những game thủ eSports thông qua chỉ số apm (actions per minute) - tức số lượng các thao tác trong một phút của những game thủ eSports.

Tờ DW dẫn lời giáo sư Ingo Froböse của ĐH Thể thao Đức: “Các game thủ eSports đạt được chỉ số apm lên đến khoảng 400, tức trung bình họ thực hiện đến 6-7 thao tác bàn phím trong một giây, gấp 4 lần so với người bình thường.

Điều này đồng nghĩa hai tay và các bộ phận não bộ của họ được sử dụng trong cùng một thời điểm”. Đây là một kết quả hiếm thấy ngay ở các môn thể thao chuyên nghiệp khác, thậm chí là cả bóng bàn - môn thể thao đòi hỏi tốc độ vận động rất nhanh.

Một kết quả nghiên cứu khác của ĐH Thể thao Đức cũng cho thấy nhịp tim của các game thủ eSports cao tương đương VĐV chạy marathon, lên đến khoảng 160-180 nhịp đập/phút. 

“Không có chuyện các game thủ eSports thực hiện thao tác vô tội vạ, vì eSports đòi hỏi rất nhiều kỹ năng phức tạp, một tầng lớp chiến thuật cao cấp...” - ông Froböse nói thêm.

Theo đó, một kết quả xét nghiệm cho thấy lượng hormone cortisol (loại hormone làm tăng sự năng động của cơ thể) mà các game thủ eSports tiết ra tương đương những VĐV đua xe.

Ông Nguyễn Hoàng Minh Thuận, trưởng khoa quản lý thể thao Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, cũng cho rằng eSports có thể được xem như thể thao thật sự nếu xét đến nhiều khía cạnh khác. 

Ông Thuận nói: “Điển hình là ở Đại hội thể thao trong nhà châu Á (AIG) mới đây, thể thao điện tử đã được đưa vào chương trình thi đấu. Sức hút của nó với khán giả chẳng kém gì những trận quyền anh hàng đầu thế giới, thu hút hàng ngàn khán giả đến xem trực tiếp”.

Các VĐV eSports của Mỹ khoe cơ bắp -reddit.com
Các VĐV eSports của Mỹ khoe cơ bắp -reddit.com

 Thể lực không tốt, đừng mong chơi eSports

Trong khoa quản lý thể thao (ĐH Thể dục thể thao TP.HCM) hiện cũng có bộ môn thể thao điện tử nằm trong chuyên ngành thể thao giải trí với khoảng 30-50 sinh viên theo học mỗi năm. Người giảng dạy bộ môn này là anh Trần Trung Hiếu, cũng là một thành viên trong đội game Cybercore nổi tiếng ở trò chơi Đột kích.

Cybercore từng nhiều lần vô địch quốc gia trò chơi này trước khi bị tan rã mới đây, chuyện rất thường gặp trong cộng đồng eSports VN khi các game thủ chuyển đội hoặc giải nghệ.

Và khác với hình ảnh thông thường mà nhiều người thường nghĩ về các game thủ, anh Hiếu cao 1,8m, cân nặng hơn 70kg và cơ bắp cuồn cuộn. Anh Hiếu cho biết ngoài đi làm và chơi game, mỗi ngày anh đều dành ra khoảng một giờ để tập thể hình, nhiều khi là chơi bóng rổ.

Là quản lý của đội game Cybercore, anh Hiếu cũng quy định mỗi thành viên trong đội phải tập thể dục, khởi động chừng một giờ trong mỗi buổi “luyện game” kéo dài năm giờ.

“Chơi eSports thật sự rất mệt, cảm giác mệt thật sự chứ không phải cảm giác uể oải như một người ngồi chơi game online từ sáng đến tối. Với người chơi càng giỏi, các trận đấu của họ càng diễn ra căng thẳng, số lượng thao tác tay càng nhiều. Vì vậy những VĐV eSports chuyên nghiệp cần một nền tảng thể lực tốt. Việc rèn luyện thể lực bằng các môn thể thao khác sẽ giúp tâm trí minh mẫn và tập trung tốt hơn” - anh Hiếu nói.

Các đội game chuyên nghiệp trên thế giới đều có một lịch tập luyện thể dục thể thao rất khoa học. Điển hình như Fnatic, đội game hàng đầu thế giới ở các môn Counter-Strike, Dota, League of Legends... của Anh, đăng tải lịch tập luyện cụ thể của đội trên trang web của mình như sau: mỗi tuần tập luyện 5 ngày, mỗi ngày 50 phút, chia làm 5 bài tập nhỏ như chạy khởi động, cử tạ, đạp xe, hít xà đơn... kéo dài 10 phút trong mỗi ngày.

Fnatic còn ghi rõ công dụng của từng bài tập với lồng ngực, cơ tay, ngón tay...

Dù vậy, anh Trung Hiếu cho biết việc tập luyện thể thao chỉ mang lại lợi ích tương đối với các game thủ, những kỹ năng chơi game vẫn dựa trên độ nhanh nhạy của tay, mắt, tư duy chứ không phải các cơ bắp.

Lý do chính khiến các game thủ phải chăm chỉ tập thể thao là vì muốn giữ dáng để... đóng quảng cáo. “Thu nhập chủ yếu của các game thủ chúng tôi đến từ quảng cáo.

Thông thường các công ty làm game sẽ sử dụng hình ảnh của game thủ để quảng bá cho những sản phẩm mới, mà chẳng ai lại muốn đưa các anh chàng ốm yếu, còi cọc lên hình cả nên các game thủ đều chịu sức ép phải giữ cơ thể bắt mắt từ các nhà tài trợ” - anh Hiếu nói thêm.

Cũng giống như giới VĐV, độ tuổi “đỉnh cao phong độ” của các game thủ eSports là vào khoảng 25 tuổi, và tuổi 30 là qua sườn dốc sự nghiệp. Trung Hiếu cho biết đa số game thủ chuyên nghiệp đều có thể trở thành những nhà quản lý đội game hoặc làm việc ở các công ty làm game trong vai trò tư vấn.■

Có một thị trường cực kỳ rộng lớn nên những game thủ đỉnh cao trong giới eSports có thu nhập chẳng kém những VĐV chuyên nghiệp. 

Trang eSportsearning.com cho biết hiện có 11 game thủ eSports trên thế giới có thu nhập hơn 1 triệu USD/năm, đây chỉ mới tính đến tiền thưởng từ các giải đấu chứ chưa kể thu nhập từ nhà tài trợ. International 5, giải đấu Dota 2 số một thế giới, có tổng giải thưởng lên đến 18 triệu USD, cao hơn cả Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA - 14 triệu USD). 

Ở VN, riêng đội Cybercore trước đây của Trung Hiếu cũng có thu nhập lên đến hơn 3 tỉ đồng/năm từ việc giành chiến thắng ở các giải đấu. Trung Hiếu cho biết trung bình một năm, một đội eSports ở VN có thể tham dự khoảng 20 giải trong nước, với tổng giải thưởng mỗi giải lên đến tầm 2 tỉ đồng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận