​Chiêu mộ cầu thủ ngày càng trẻ hơn

ĐOÀN DỰ 30/07/2015 22:07 GMT+7

Các vụ chuyển nhượng của một số CLB lớn trong mùa hè này thể hiện xu hướng chung của bóng đá châu Âu hiện nay: ngày càng quan tâm đến các cầu thủ trẻ tài năng, thậm chí có những cầu thủ chưa đến 15 tuổi.

Adama Traoré (20 tuổi) được Monaco mua về với giá 14 triệu euro - Ảnh: francetvinfo.fr

Tại Pháp, AS Monaco vừa mua Adama Traoré (20 tuổi) của Lille với giá 14 triệu euro, gần bằng số tiền 15 triệu euro mà West Ham mua tiền đạo Dimitri Payet của Olympique Marseille (O.M).

Thoạt nhìn, sự tương đương này có vẻ không cân xứng vì Payet giàu kinh nghiệm hơn, đã khẳng định tên tuổi ở O.M, từng là cầu thủ chuyền bóng xuất sắc nhất Ligue 1 mùa 2013-2014 và là một trong những ưu tiên lựa chọn của HLV Deschamps ở đội tuyển Pháp sau World Cup 2014. Trong khi đó, tiền vệ tấn công Traoré chỉ mới tham gia 19 trận ở Ligue 1, đa số chỉ ra sân từ ghế dự bị.

Tuy nhiên, tại giải VĐTG U-20 năm nay, Traoré ghi 4 bàn thắng, thực hiện 3 đường chuyền quyết định cho tuyển Mali và đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Đó chính là lý do Monaco vui lòng tung ra số tiền lớn để có được chữ ký của anh.

Monaco không phải là CLB duy nhất quan tâm đến cầu thủ trẻ tài năng. M.U và Juventus theo đuổi hậu vệ Pháp 16 tuổi Dayot Upamecano của Valenciennes, PSG đang ve vãn tiền vệ tấn công 17 tuổi Hachim Mastour của AC Milan. Chelsea nhìn xa hơn khi theo đuổi Naoui Ahamada của đội bóng nghiệp dư SC Air-Bel ở Marseille. Cầu thủ tiền vệ phòng ngự người Pháp 13 tuổi này cũng là đích nhắm của O.M và Lyon.

Bấy lâu nay, các CLB Pháp vẫn nổi tiếng là trung tâm cung cấp cầu thủ trẻ hơn là những đối thủ tranh mua với những CLB lớn ở các nước khác. Năm 2001, Liverpool từng gây tiếng vang khi mua Anthony Le Tallec và Florent Sinama-Pongolle cùng 15 tuổi. Arsenal và Chelsea thường mua những tài năng trẻ rồi giúp họ chín muồi ở các CLB khác thông qua những hợp đồng cho mượn. Mùa hè 2014, Chelsea đã cho mượn 17 cầu thủ ở độ tuổi 21 hoặc nhỏ hơn.

Ở Pháp, từ khi các công ty hoặc tỉ phú nước ngoài đầu tư trong những năm gần đây, PSG và Monaco trở thành những trung tâm “thu mua” cầu thủ trẻ. Ngoài Traoré, Monaco đã mua tiền vệ 20 tuổi Fares Bahlouli (người Pháp gốc Algeria) của Lyon. Một chuyên gia tuyển trạch của một CLB lớn của Pháp cho biết: “Một vài CLB Pháp bắt đầu dành một phần ngân sách để tuyển các cầu thủ trẻ. Đó là điều trước đây họ hoàn toàn không muốn làm”.

Luật sư chuyên về lĩnh vực thể thao Moustapha Kamara ở Marseille cho biết việc chiêu mộ các cầu thủ còn rất trẻ giống như đầu tư mạo hiểm nhưng có thể sinh lợi rất lớn. Ông nói: “Mua cầu thủ càng trẻ CLB càng chi ít tiền. Đó là đầu tư cho tương lai. Nếu Monaco mua cầu thủ xuất sắc nhất của giải VĐTG U-20 với giá 14 triệu euro, họ có thể hi vọng bán cầu thủ này với giá 40 triệu euro sau ba hoặc bốn năm nữa”.

Trong cuộc kinh doanh này, ưu thế luôn thuộc về các CLB lớn. Kamara nói: “Chỉ những CLB giàu có như Barcelona hay Monaco mới không ngần ngại mua một cầu thủ với giá 15 triệu euro để đào tạo anh ta trong ba năm. Đối với những CLB nhỏ như Lorient hay Nantes, thậm chí kể cả O.M, một số tiền như vậy chỉ được dành để mua một cầu thủ đã thành danh”. Đó là sự thận trọng cần thiết khi đầu tư vào những cầu thủ trẻ không phải lúc nào cũng thành công, như trường hợp Liverpool mua Le Tallec và Sinama-Pongolle năm 2001.

Sau khi chuyển đến Liverpool trong sự chú ý rầm rộ của giới truyền thông, cả hai cầu thủ này sớm chìm vào quên lãng. Le Tallec được chuyển lần lượt đến Sunderland và Sochaux theo hợp đồng cho mượn, từ mùa hè 2007 anh trở về Pháp và chỉ chơi cho các CLB nhỏ. Mùa bóng trước, Le Tallec (nay đã 30 tuổi) chơi cho Valenciennes thuộc giải hạng hai. Số phận của Sinama-Pongolle tốt đẹp hơn một chút khi anh từng khoác áo Atletico Madrid, Sporting Lisbon và Real Zaragoza. Năm trước, Sinama-Pongolle chơi cho Chicago Fire (Mỹ) và hiện khoác áo Lausanne Sport (Thụy Sĩ).

Nổi tiếng ưu ái các cầu thủ trẻ, HLV Jose Mourinho giải thích nguyên nhân thất bại của một vài cầu thủ vốn có tương lai đầy hứa hẹn khi chuyển đến CLB lớn: “Khi các cầu thủ trẻ gần khẳng định được khả năng của họ, những người đại diện hoặc bố mẹ nghĩ rằng cầu thủ đã đạt được đẳng cấp cần thiết và khiến họ tin rằng đây là sự thật. Họ nghĩ đến tiền bạc trước khi bắt đầu sự nghiệp”.

Dù sao, các CLB lớn vẫn thích đặt cược vào các cầu thủ trẻ, bên cạnh những cuộc tuyển mộ ngôi sao với số tiền chuyển nhượng kỷ lục. Họ hi vọng nếu không kiếm được một siêu sao như Messi (đến Barcelona từ năm 13 tuổi), thì ít ra cũng kiếm được Alexandre Lacazette của Lyon (ghi 27 bàn ở Ligue 1 trong mùa trước).

FIFA quy định “cuộc chuyển nhượng một cầu thủ từ quốc gia này sang quốc gia khác chỉ được cho phép nếu cầu thủ 18 tuổi hoặc lớn hơn”. Tuy nhiên, cũng có ba ngoại lệ sau đây:

- Cha mẹ của cầu thủ sinh sống ở quốc gia mà cầu thủ đó chuyển đến.

- Cuộc chuyển nhượng được thực hiện giữa những quốc gia thuộc EU với điều kiện CLB tuyển mộ phải tuân thủ vài điều kiện bắt buộc, chẳng hạn bảo đảm cầu thủ trẻ được học tập như những thiếu niên bình thường.

- Cầu thủ sống cách biên giới quốc gia trong phạm vi 50km và CLB tuyển mộ có trụ sở không xa hơn 50km ở phía bên kia biên giới. Khoảng cách tối đa giữa nơi ở của cầu thủ với trụ sở của CLB tuyển mộ là 100km. Trong trường hợp này, cầu thủ phải tiếp tục sống với bố mẹ sau khi ký hợp đồng với CLB mới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận