Chờ đợi 30 năm

H.THỌ 17/06/2015 20:06 GMT+7

“Đời tôi mà được thấy một VĐV nào của Việt Nam đoạt được huy chương đồng bơi lội SEA Games thôi, có chết cũng vui lòng”.

Vận động viên bơi lội "vàng" Nguyễn Thị Ánh Viên

Đó là câu nói mà tôi từng được nghe từ hai nhà quản lý bơi lội đáng kính: ông Cổ Tấn Chương và ông Đào Công Sanh. Họ lần lượt là chủ nhiệm CLB Yết Kiêu (TP.HCM) - lò đào tạo VĐV bơi lội số một Việt Nam thời ấy, từ năm 1979-2000.

Tôi nhắc lại câu chuyện cũ để thấy rằng tìm kiếm huy chương bơi lội khó khăn như thế nào. Bởi đây là môn thể thao không chỉ đòi hỏi VĐV có tố chất bẩm sinh, có ý chí rèn luyện cực cao mà còn cần một nền khoa học thể thao phát triển thật sự. Đơn giản vì môn thể thao này diễn ra trong môi trường nước - môi trường sống không phải của con người!

Chúng ta hãy xem các tay bơi hàng đầu Đông Nam Á có ai được đào tạo thuần túy trong nước? Chắc chắn không có. Toàn là những tay bơi gửi đi đào tạo ở Mỹ, Trung Quốc...

Vì nó khó như thế nên từ khi tham dự SEA Games lần đầu với tư cách một quốc gia thống nhất (1985) cho đến tận năm 2005, Việt Nam mới có chiếc HCV đầu tiên của Nguyễn Hữu Việt. Tròn 20 năm trời!

Trong 20 năm ấy, chẳng mấy nhà báo Việt Nam cất công theo dõi bơi lội ở SEA Games. Khi Nguyễn Hữu Việt đoạt HCV đầu tiên, không một nhà báo nào có mặt tại hồ bơi để chứng kiến!

Nhưng sau 30 năm, kể từ cột mốc 1985, chúng ta đã có Ánh Viên - cô gái cứ xuống nước là có huy chương SEA Games. Các phóng viên đã có điểm nóng “sang trọng” hơn để theo dõi, để tự hào chứ không phải cứ loanh quanh wushu với silat!

Vẫn biết để có được Ánh Viên hôm nay, công lớn thuộc về lò đào tạo ở Florida (Mỹ). Nhưng đó cũng là một tiêu chí để đánh giá sự tiến bộ. Dù rằng nó hơi muộn, phải mất đến 30 năm!

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận