​“Múa” liễu kiếm ở Sài Gòn

YẾN TRINH 29/11/2014 19:11 GMT+7

TTCT - Rèn thể lực, sự kiên nhẫn và lòng can đảm là những gì liễu kiếm (fencing) mang lại cho người tập luyện, theo ông Hoàng Anh, 58 tuổi, chủ nhiệm CLB thể thao VietnamFunClub tại TP.HCM.

Tập liễu kiếm ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh:  Yến Trinh

Đúng 19g, khoảng sân rộng chừng 80m2 trên tầng 3 Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM ồn ã tiếng nói cười, tiếng lưỡi kiếm chạm vào nhau. Trong bộ trang phục màu trắng chuyên dụng gồm nón bảo hộ che kín phần đầu, hai lớp áo dày, găng tay..., các học viên đang say sưa tập những động tác của liễu kiếm.

Góc sân bên này, một nhóm đang tập cách di chuyển chân, nhảy tấn công đối phương, điều khiển kiếm. Góc bên kia, nhóm khác chia cặp tập cùng nhau. Quang cảnh khiến những bạn trẻ tình cờ đi ngang qua phải dừng lại quan sát với sự tò mò và cả hồi hộp vì cứ thấy kiếm vung lên vun vút.

Trận đấu của trí tuệ

Vừa “lấy lại hơi” sau mấy cú xoạc dài, Hoàng Nam, 22 tuổi, ngay lập tức đã chuyển sang tập các tư thế tấn công. Nam giơ kiếm lên, dùng chân thuận của mình nhảy về phía trước và chém trong không khí những đường dứt khoát.

“Động tác này cũng không khó lắm vì khi đã tập quen, người tập còn tập tấn công bằng chân không thuận để đánh lừa đối phương” - Nam cho biết. 

Nam tập liễu kiếm được hơn một năm nay. Những buổi đầu, người tập sẽ tập bộ pháp - cách di chuyển chân trong liễu kiếm. Động tác này chiếm 50% các động tác liễu kiếm, càng di chuyển nhẹ nhàng càng dễ chiến thắng khi thi đấu.

Sau đó, người tập sẽ được học cách điều khiển kiếm, nhảy tới để ra đòn, cách đoán ý đối phương... Nếu chịu khó, chỉ cần bốn buổi tập là người tập có thể điều khiển được kiếm.

Liễu kiếm là một nội dung thi đấu Olympic. Do đặc điểm trang phục tập liễu kiếm khá dày để bảo hộ nên môn này vốn thích hợp với những nơi có khí hậu ôn đới, mát mẻ. Người có nhu cầu tập liễu kiếm có thể đến Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1) và khu Phú Mỹ Hưng (Q.7) từ 19g-20g30 tối thứ sáu hằng tuần. Học phí khoảng 200.000 đồng/tháng.

Những phút cuối của buổi tập là thời gian “nóng” nhất vì các cặp chia ra để đấu. Một trận đấu thường kéo dài năm phút, tích điểm 3 hoặc 5 tùy thể lực người chơi.

Kiếm sử dụng trong môn này có tên gọi épée (lưỡi kiếm tam giác mảnh, thường dùng cho nam) và foil (thân vuông, dễ sử dụng hơn nên thích hợp với nữ), không gây sát thương vì kiếm không có lưỡi. Trên đầu kiếm có một contact điện tử nhỏ, khi trúng vào đối phương sẽ phát tiếng động, trọng tài dựa vào đó tính điểm.

Điểm đặc biệt của liễu kiếm là vùng tấn công chỉ tính từ phần thân trên tới phía dưới cổ, chia làm bốn vùng nên người tập chủ yếu bảo hộ phần thân trên này. 

“Đấu liễu kiếm rất thú vị vì người đấu không chỉ dùng sức lực mà quan trọng hơn là sử dụng trí tuệ của mình như thế nào. Người đấu phải quan sát nhưng không nhìn vào mắt và tay chân của đối phương mà phải quan sát tổng thể, đôi khi phải giả vờ để đánh lạc hướng, hoặc suy đoán đối phương sẽ ra đòn bằng cách gì” - ông Hoàng Anh cho biết.

Chính vì vậy mà trận đấu giữa Hoàng Nam và Lữ Thế, 24 tuổi, diễn ra khá căng thẳng và kết thúc khi Hoàng Nam thắng do đoán được hướng tấn công của Lữ Thế và phản đòn giành điểm cao hơn.

Càng tập càng mê

Liễu kiếm không chỉ dành cho nam mà còn thu hút cả nữ giới. Thiên Ân, 24 tuổi, yêu thích môn thể thao này vì sự mới lạ và không quá khó để sử dụng kiếm thành thạo.

Tập luyện chừng một năm nay, Ân cho biết: “Môn này rèn cho mình sự dẻo dai, nhanh nhẹn và linh hoạt. Dần dần mình tích lũy được những chiêu thức riêng để phòng thủ, tấn công. Mỗi ngày tập mình lại rút ra một điều mới từ cách ra đòn, di chuyển, quan sát đối phương”.

Chị Đoàn Thị Lệ kể lại ngày đầu mới tập liễu kiếm người chị ê ẩm vì tốn sức và di chuyển nhiều. Nhưng hiện chị đã tăng được sức bền, cảm thấy bản thân mạnh mẽ hơn.

Điều giữ chân người tập liễu kiếm là các động tác nâng cao về sau. Là trưởng nhóm nên ngoài giờ tập, Hoàng Nam cùng với thầy Hoàng Anh tìm hiểu bổ sung một số động tác rồi sau đó phổ biến cho các bạn.

Như động tác di chuyển chủ yếu bằng chân không thuận, tập phản xạ nhanh và tự chủ trong mọi tình huống, hay cách “giả mệt” trút đầu kiếm xuống để đánh lừa đối phương, tập đoán ý...

Nam chia sẻ: “Chính vì mỗi ngày người tập phải nâng cao mình nên đó cũng là cách rèn sự kiên nhẫn. Qua mỗi trận đấu, người tập còn rèn lòng can đảm thông qua việc tấn công hợp lý, vượt khỏi sự nhút nhát thường ngày. Tập xong, mình có cảm giác những căng thẳng trong việc học, việc làm cũng bay biến theo những đường kiếm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận