NBA phát cuồng vì Jeremy Lin

TTCT - Nói đúng là cả New York đang phát cuồng vì một anh chàng hầu như không ai biết đến, không nơi ở riêng, tháng 12-2011 bị hai đội bóng từ chối... chỉ trong chưa đầy mười ngày trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làng bóng rổ Mỹ.

Phóng to
Jeremy Lin (trái) ghi điểm trước sự cản phá của tiền đạo Paul Gasol (đội Los Angeles Lakers) - Ảnh: Reuters

Mười ngày trước, Jeremy Lin chỉ là một cựu sinh viên Trường Harvard, nơi nổi tiếng với những luật sư và chính trị gia hơn là VĐV thể thao.

Không đội nào thuê Lin trong năm 2010. Hai đội thẳng thừng từ chối Lin mới tháng 12-2011 trước khi anh được Knicks nhận tạm để dự phòng cho hậu vệ vừa bị chấn thương của đội. Thậm chí hợp đồng trị giá chưa đến 800.000 USD/mùa (ở Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ - NBA, các cầu thủ ngôi sao ký hợp đồng hàng chục triệu USD/mùa) mới được ký hôm 7-2.

Vào sân ghi liền 25 điểm

“Cậu ta (Lin) chắc chắn đã chơi hay như vậy từ lâu mà chúng ta không phát hiện ra”

Trong gần hai tháng vừa rồi, Lin chủ yếu có mặt trên băng ghế dự bị. Ở New York, Lin sống nhờ nhà một người anh và ngủ ở sofa ngoài phòng khách. Tất cả thay đổi cách đây chừng mười ngày, khi lần đầu tiên Lin rời băng ghế dự bị vào sân hôm 4-2 trong trận đầu tiên cho Knicks.

Hôm đó, Lin ghi liền 25 điểm và thực hiện bảy đường chuyền ghi bàn, giúp Knicks thắng đội Nets ngay trên sân nhà. Hai ngày sau, lần đầu tiên Lin được ra sân chính thức ngay từ đầu ở NBA và ghi tiếp 28 điểm, kiến tạo tám đường chuyền giúp Knicks thắng Utah Jazz với tỉ số 99-88. Bốn ngày sau, Lin lại ghi 23 điểm và kiến tạo mười đường chuyền giúp Knicks thắng 107-93 trước Washington Wizards.

Kể từ sau LeBron James năm 2003 mới có cầu thủ ghi trên 20 điểm và thực hiện tám đường chuyền hỗ trợ trong hai trận ra mắt chính thức.

Điệp khúc của cổ động viên đội bóng Knicks giờ là “Je-re-my” và “M.V.P.!” (cầu thủ hay nhất mùa) mỗi khi Lin ra sân hay ghi điểm. Mỗi lần Knicks đấu là sân Madison Square Garden tại New York lại kín chỗ, điều mà Knicks, đội bóng vốn thua nhiều hơn thắng kể từ đầu mùa (thua 15/25 trận), chưa từng chứng kiến. Trong vòng một tuần, Twitter của Lin (@JLin7) đã tăng từ vài trăm lên xấp xỉ 170.000 người theo dõi.

Câu chuyện kiểu Jeremy Lin là điều rất hiếm xảy ra ở giải đấu chuyên nghiệp như NBA, nơi hàng trăm tuyển trạch viên hằng ngày vẫn lần mò đến các sân bóng rổ địa phương để phát hiện tài năng trẻ. Vì vậy, sự xuất hiện của Lin - lọt qua tấm lưới tuyển trạch khổng lồ của NBA - làm tất cả đều ngạc nhiên.

“Gã này là ai? Họ kiếm được gã ở đâu?” là câu hỏi rất nhiều người đặt ra. Hậu vệ 23 tuổi này hoàn toàn không được bất cứ đội bóng nổi tiếng nào để mắt đến, dù anh rất thành công ở trường phổ thông. Có lẽ quan niệm cầu thủ gốc Á không có cơ hội ở giải nhà nghề Mỹ đã khiến Lin bị bỏ qua (Jeremy Lin là cầu thủ gốc Á sinh tại Mỹ đầu tiên thi đấu ở NBA).

Kobe Bryant, ngôi sao sáng nhất của Los Angeles Lakers, đội vô địch năm 2010, tuyên bố trước trận đấu gặp Knicks đêm 10-2: “Không hiểu gã là ai mà mọi người phải ồn ào tới vậy?”.

Phóng to
Jeremy Lin - hậu vệ 23 tuổi của đội Knicks - Ảnh: Reuters

Một phát hiện chậm

Nhìn anh chàng cao 1,91m, mọi người tự hỏi liệu Lin có thể vượt qua hàng thủ toàn cao 2,10m của Lakers với những Andrew Bynum và Paul Gasol? Nhưng trận đấu đó cho thấy Lin hoàn toàn làm được điều này và liên tục oanh tạc Lakers tới... 38 điểm cả thảy! Sau trận đấu, Bynum phải thừa nhận tài năng của đối thủ và so sánh Lin với Steve Nash, một cầu thủ nổi tiếng khác của NBA. “Rất giống Nash, chỉ có điều quyết liệt hơn khi lên rổ” - Bynum nhận xét.

Với Kobe Bryant (ghi 34 điểm), ngôi sao sáng nhất của NBA, cái nhìn của anh về Lin cũng khác đi. Sau trận đấu Bryant nói: “Một cầu thủ chơi tốt như vậy thì không phải bất ngờ xuất hiện... Cậu ta chắc chắn đã chơi hay như vậy từ lâu mà chúng ta không phát hiện ra”.

“Tôi từng đến sân từ năm 1955, nhưng chưa bao giờ thấy hiện tượng như vậy trong đời” - Cal Ramsey, một cổ động viên kỳ cựu của Knicks, nói.

Thành tích của Lin làm toàn hệ thống thương mại, tiếp thị của NBA và Knicks hoàn toàn bất ngờ. Các cửa hàng thể thao hoàn toàn không có áo đấu của Lin, dù hàng loạt cổ động viên tìm tới mua. Ngay ở cửa hàng thể thao của Knicks, họ thậm chí không có chiếc áo số 17 mà Lin mặc và nhân viên ở đây đã phải làm gia công tại chỗ 200 chiếc áo để bán cho người hâm mộ hôm 10-2.

Phóng to
Ông Jose Rivera hân hoan khi mua được chiếc áo Jeremy Lin (số 17) bán ở cửa hàng của đội Knicks - Ảnh: T.Tuấn

“Tôi vừa dậy là chạy ùa đến đây vì biết là áo của Lin đã có. Họ có bán online nhưng tôi đến đây lấy cho nhanh” - Allen Yu, 28 tuổi, nói. Chỉ vài phút sau đã thấy Yu khoe qua điện thoại với cậu em sinh đôi: “Anh lấy được đầu tiên. Ba cái”. Jose Rivera, một luật sư đến mua áo cho con, nói: “Tôi ngạc nhiên là mọi người chưa có áo của Lin và giờ mới biết”.

Trong mấy giờ đầu ngày 10-2, cửa hàng của Knicks chỉ bán áo của Jeremy Lin. “Khoảng hai tuần nữa áo của Lin sẽ có ở các cửa hàng khác” - một nhân viên của Knicks khẳng định.

Lin đang thật sự “cháy”. Các cổ động viên bóng rổ phát cuồng về Lin được báo chí gọi là “Linsanity” (ghép tên Lin + insanity - điên cuồng).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận