​Ngày đáo hạn của cây xà cừ

HOÀNG VIỆT HẰNG 25/11/2014 08:11 GMT+7

TTCT - Nhiều năm của thế kỷ trước, khi còn khỏe ông Thiện cắt tóc lúc dưới gốc cây sao đen ở phố Lò Đúc, lúc tại gốc đa sau Nhà hát lớn, có năm di động lên gốc cây phượng già ở vườn hoa Hàng Đậu.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Bao năm nhờ cây để cắt tóc kiếm sống nuôi vợ con. Bây giờ ông ngồi nhà nhìn cây và xem tivi. Mới đây đọc thấy tin: 550 cây cổ thụ ở thành phố bị đốn hạ, ông ngỡ nhìn nhầm, đọc lại. Ông dậy thật sớm nhờ chú Hồi xe ôm chở lên đền Voi Phục, nhìn hàng cây trước cửa đền này sẽ biến mất trong nay mai. 

Cây đứng tuổi thấy ông rưng rưng khóc cùng cơn mưa phùn và gió mùa. Ông Thiện biết không phải mưa phùn trên diện rộng, mà cây khóc với ông thôi, ông linh cảm thế. Cây đã có từ trước khi ông Thiện sinh ra, gần hay hơn một trăm tuổi ông không rõ nữa.

Rồi ông lại đi xuống đường Nguyễn Trãi nhìn những cây vừa bị máy cưa công nghiệp cắt xoèn xoẹt từng khúc, đổ ngổn ngang mặt đường. Ông thấy như cơ thể mình cũng đang bị chặt ra từng khúc vậy.

Đêm ấy ông Thiện bị ốm rồi sốt nhẹ vì lý do: gió bấc gặp mưa phùn.

Đêm ấy ông nằm mơ thấy cây xà cừ bay đi chơi với cây sấu già ở phố Phan Đình Phùng. Cây xà cừ nói: “Số bác thật may, cây trong phố không nằm trong dự án đường tàu điện hay cầu vượt, chứ không như phận tôi, cái chết của mình được dự báo như người mắc bệnh nan y chờ ngày đáo hạn sống của mình.

Tôi đã tỏa bóng mát chở che cho bao người cần lao chạy chợ rau đầu mối Cầu Giấy sang Bưởi, xuống Mơ. Tôi đã đỡ gió dông cho xe thồ xe đạp chở cà chua, su hào mùa đông, rau muống rau rút mùa hè.

Tôi đỡ bóng nắng quái cho bác bơm xe một thượng úy bộ binh kiếm ít đồng nuôi vợ chạy thận dài dài ở Bệnh viện Bạch Mai. Tôi chắn bụi chắn bão cho cánh cổng đền Voi Phục không để gió tắt nến. Bây giờ tôi đến thăm bạn lần cuối đây. Cây xà cừ nói chuyện với cây sấu già, mưa rơi to hơn, sấm lớn hơn...”.

Ông Thiện tỉnh giấc, nằm nhớ lại cả cây xà cừ trên bến đỗ xe điện năm nào là điểm tựa cho những bao tải sắn khoai từ Hòa Bình chở về Hà Nội cứu đói. Cây còn là nơi lưu dấu địa chỉ cho bao người lam lũ một thời bao cấp, là bức tường cho trẻ con đi học dựng xe trú mưa, là bến đợi, mẹ cha đón đưa con thơ đi học về. 

Nỗi niềm của cây chỉ người yêu cây thấu hiểu. Ông Thiện đã gắn bó cả đời khi còn cắt tóc dưới hàng cây. Cây còn nhớ nhà nhiếp ảnh Quang Phùng bỏ cơm chầu chực sau cơn mưa ba ngày để chụp cho được cây đa đâm rễ trắng ở trong cái hốc cây.

Có ông thợ cạo chọn đúng cái hốc cây ấy để đặt gương và cái tôngđơ cũ hành nghề cắt tóc gia truyền. Cũng là bức ảnh độc nhất trong bộ sưu tập của nhiếp ảnh gia Quang Phùng về cây Hà Nội.

Cây với người thợ cắt tóc từng rủ rỉ kiếm kế sinh nhai bao năm trường thời bao cấp khốn khó; nhớ nhà văn Nguyễn Dậu một thời rất dài đi cắt tóc dưới cây trong cầu Thê Húc, tối ngủ trọ dưới cây ở đền Ngọc Sơn; còn một nhà thơ Phùng Quán nợ tiền rượu bằng ký hiệu trên thân cây.

Bà chủ quán rượu trên phố Thụy Khuê đã ghi nợ không phải trên giấy, trên sổ sách mà ghi trên cây, thế này: cứ nợ một xị rượu là dấu trừ (-), hai xị rượu là dấu cộng (+), cứ thế mà nhà thơ Phùng Quán tính dấu cộng trừ mà trả nợ tiền rượu trên cây xà cừ phố Thụy Khuê năm nào. 

Rêu phong ơi, thi sĩ ơi, kỷ niệm mờ mờ tỏ tỏ với người lao khổ kiếm ăn, tựa vào cây mà sống. Ngay cả nhà hộ sinh ở phía cây đa nhà bò bao nhiêu đứa trẻ ra đời, bao nhiêu đứa trẻ nhập ngũ, cũng từ phía cây đa và ra đời tồn tại với cây. 

Phố Kim Mã nơi có đèn đỏ đèn xanh đèn vàng. Ông Thiện nhìn thấy hàng cây trong cơn mưa lớn. Mà sao chỉ có đèn đỏ bật sáng rất lâu, dòng người cũng dừng lại rất lâu, không ai vượt đèn bên hàng cây gần đền Voi Phục, y như dòng người này đứng tiễn biệt hàng cây trước ngày đáo hạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận