Khi nỗi nhục cũng có kích cỡ

Chưa có một nghiên cứu xã hội nào về việc Facebook có thể lan truyền nỗi nhục nhanh như thế nào, và đi kèm với nó là một làn sóng yêu nước nồng nàn đến mức nào. Nhưng tôi nhìn thấy ở đấy sự tự ti của một số đông và sự trỗi dậy của đạo đức bằng mồm, qua bàn phím.

Tranh: Lê Tiết Cương
Tranh: Lê Tiết Cương

Tôi giật bắn mình khi thấy anh vung tay ném đầu mẩu thuốc lá xuống đường, lấy chân di di theo một thói quen có lẽ đã ăn vào máu anh, và giật bắn mình lần nữa khi anh nói một câu rất to, khiến mấy vị khách bàn bên cạnh chau mày nhìn sang.

Chúng tôi đang nói chuyện về những thói xấu của người Việt và thói quen văn minh mà nhiều người không sao học được tại góc quán cà phê trên một quảng trường ở Rome. Anh là một tiến sĩ có cỡ, người vẫn thường được khen vì năng lực, vốn sống và đi đó đi đây khá nhiều.

Tôi phục anh về mọi chuyện, trừ việc anh... quá bất lịch sự, hình như lúc nào cũng nghĩ mình đang ở một quán nước nào đó tại Hà Nội. Anh nói rất to, cười ha hả vang vọng trên quảng trường và... chẳng hề cảm ơn cô bồi bàn xinh đẹp đã mang cho anh cốc cà phê.

“Người Việt chúng ta rất hay tự ti về ngôn ngữ, về thể hình, về những vẻ bề ngoài - anh bảo - Chúng ta thiếu tự tin trước người nước ngoài. Thế nên họ mới khinh ta”.

Kết thúc câu chuyện, anh bảo những “kể tội” người Việt vì cách sống thiếu văn minh và hay bị Tây dè bỉu có thể viết thành một cuốn sách.

Những người như anh, tôi gặp trong hành trình đời mình với các chuyến đi, nhiều lắm. Nói rất hay về cuộc sống, sự văn minh hay, nhưng đấy là cái áp dụng cho “kẻ khác”, không phải cho chính mình.

Và anh chỉ là một trong những ví dụ mà ta có thể gặp được hằng ngày, ở bất cứ ngóc ngách nào trong cuộc sống này, nhất là khi cuộc sống ấy có thêm các mạng xã hội, những tấm gương về đạo đức thông qua bàn phím trở thành một hiện tượng đáng chú ý, thỉnh thoảng lại xuất hiện làn sóng chỉ trích một ai đó hoặc “nghiêm trọng” hơn, về một nỗi nhục mang tên “quốc thể”.

Bây giờ người ta nhục dễ quá. Nhục về một anh chàng nào đó đã quỳ gối chỉ vì một chiếc iPhone bị lừa ở Singapore. Nhục vì một người tới một triển lãm nước ngoài và mô tả những gì liên quan đến VN ở đó là “nhếch nhác” và quá “sơ sài”. Nhục, nhưng phải là vì những gì thật sự to tát cơ, đã trở thành một hành động tức thì, một phản xạ có điều kiện theo kiểu Pavlov.

Nhưng liệu có ai nhục vì những gì vẫn đang xảy ra trong cuộc sống quanh họ: những người khách khó chịu vì cách cư xử như của anh bạn tôi, nhục vì bản thân mình đi sai luật và sau đó xin xỏ hoặc hối lộ cảnh sát giao thông để rồi sau đó lên Facebook chửi đổng, nhục vì đã nhìn trước nhìn sau không có công an để vượt đèn đỏ, nhục vì chen ngang không xếp hàng, nhục vì vào siêu thị mà phải gửi túi, nhục vì đến một resort và nhận đôi dép bị cắt mũi để đề phòng bị lấy cắp, nhục vì cách cư xử thiếu văn hóa và lịch sự với nhau, nhục vì nói một lời cảm ơn và xin lỗi với nhau khó đến thế...?

Chưa có một nghiên cứu xã hội nào về việc Facebook có thể lan truyền nỗi nhục nhanh như thế nào, và đi kèm với nó là một làn sóng yêu nước nồng nàn đến mức nào. Nhưng tôi nhìn thấy ở đấy sự tự ti của một số đông và sự trỗi dậy của đạo đức bằng mồm, qua bàn phím.

Thời buổi xã hội đầy vấn đề nghiêm trọng và nhức nhối, thì sự lên gân thể hiện đạo đức và các cuộc tranh cãi vô bổ liên quan đến đạo đức thống soái thế giới mạng. Bao trùm là một không khí chỉ trích hoặc ngầm chỉ trích những gì ở tầm vĩ mô khiến họ không hài lòng.

Tôi đã xem clip về một người nước ngoài chặn một cô gái đi xe máy vào khu phố đi bộ. Người thanh niên ấy, có lẽ là một du khách, khăng khăng và chỉ ngừng khi cô gái xuống xe dắt bộ. Hành động ấy dễ bị coi là điều mà chỉ một gã ẩm ương, lập dị mới làm, bởi ở xứ mình người ta đã quen quá rồi, quen với việc lách luật để sống, quen với những thói sống vị kỷ, thiếu văn minh, nhỏ nhen và bần tiện; quen đối xử với nhau bon chen, thực dụng và lừa lọc; quá quen và làm ngơ với cái sai của người khác để làm lợi cho chính mình khi cũng sai như thế.

Bức tranh ảm đạm ấy, à à, không phải lỗi tại tôi, tôi có làm gì đâu, người ta tự nhủ. Cứ thế mà những nỗi nhục nhỏ được tiêu hóa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận