Cơn lốc địa ốc và ký ức đô thị

TÙNG PHONG 27/07/2016 20:07 GMT+7

TTCT - Hai cuốn sách Sài Gòn - Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945 và Sài Gòn - Chợ Lớn - Ký ức đô thị và con người (NXB VHVN TP.HCM) chứa nhiều tư liệu, hình ảnh, bản đồ... có giá trị của nhiều tác giả, gợi lại ký ức lịch sử và xã hội rực rỡ của một Sài Gòn xưa.

 

“Cần phải viết để con người Sài Gòn nhớ về một quá khứ không xa” - tác giả Nguyễn Đức Hiệp, một trí thức sinh trưởng tại Sài Gòn, chia sẻ cùng TTCT.

Điều gì là động lực giúp anh viết hai cuốn chuyên khảo này?

- Hai cuốn sách là tổng hợp các bài tôi viết về Sài Gòn và Chợ Lớn trong 6 năm qua. Tôi sinh trưởng ở Sài Gòn, gắn bó với thành phố này qua những kỷ niệm thời niên thiếu trong thập niên 1960, đầu thập niên 1970.

Khi trở lại trong nhiều lần, tôi thấy nhiều thay đổi về cảnh quan và xã hội, nhưng cái tinh túy trong tinh thần khai phóng của Sài Gòn vẫn còn. Thuở xưa tôi đã thích nghe kể chuyện về các nhân vật, giai thoại, địa danh mà ông Vương Hồng Sển và Sơn Nam đã viết rất mộc mạc và duyên dáng trong văn phong ít câu nệ của người miền Nam qua các hồi ký, truyện ngắn, sách về lịch sử vùng đất này.

Những ký ức như vậy cho tôi thấy những khoảnh khắc của câu chuyện dài phong phú về lịch sử Sài Gòn. Từ đó đến nay chưa thấy có nhiều người viết về Sài Gòn xưa như hai tiền bối đáng kính đó.

Tôi ấp ủ là mình sẽ ráng tìm hiểu thêm qua các tư liệu phong phú mà thời đại Internet cung cấp, từ các kho dữ liệu sách vở, báo chí ở các thư viện lớn như Thư viện quốc gia Pháp, Thư viện quốc gia Việt Nam hay những tư liệu mà các cá nhân sưu tầm trao đổi, chia sẻ.

Đọc và tổng hợp có hệ thống trong các khía cạnh và lĩnh vực khác nhau, từ đó nhiều người có thể tra cứu thêm, là phương pháp tiếp cận mà tôi học hỏi do xuất thân từ ngành khoa học tự nhiên. Tuy vậy, đi vào lĩnh vực khoa học xã hội cũng có thể mắc phải những khuyết điểm.

Điều thúc đẩy tôi viết về Sài Gòn - Chợ Lớn là từ hơn 10 năm nay cơn lốc địa ốc hiện đại hóa, phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị đã dần làm mất đi một số di sản, ký ức đô thị Sài Gòn, vì vậy cần phải viết để con người Sài Gòn vẫn nhớ về một thời không xa.

Hai cuốn sách này cung cấp rất nhiều tư liệu lịch sử, văn hóa, con người..., phác họa những đường nét cơ bản của vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa đầy sinh động và quyến rũ. Anh đã mất bao lâu để tổng hợp tư liệu và viết?

- Do viết trong nhiều năm và không liên tục nên tôi không chắc lắm về thời gian. Khi rảnh, tôi tập trung tìm tư liệu và viết xung quanh một đề tài. Trong mỗi bài viết tôi đều trích dẫn nguồn tư liệu. Đa số tư liệu là từ Thư viện quốc gia Pháp tiếp cận trên mạng, các sách nghiên cứu của tác giả trong và ngoài nước mà tôi có hoặc mượn trong thư viện.

Gần đây tôi liên hệ với các cá nhân, các nhà sưu tập báo chí và sách ở thế kỷ trước, đây cũng sẽ là nguồn tư liệu phong phú bổ sung cho thiếu hụt ở các nơi lưu trữ tư liệu. Do tôi chủ yếu viết cho bạn đọc phổ thông hơn là cho giới chuyên môn nên chỉ giới thiệu có tính tổng quát, ai muốn đi sâu thêm thì có thể đi tiếp vào các tư liệu cụ thể.

Sài Gòn từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về Sài Gòn - Chợ Lớn, anh nghĩ gì về nhận định này?

- Sài Gòn là thành phố có lịch sử không lâu đời. Ngày xưa đúng là nhiều người, nhất là người phương Tây, đánh giá và xem Sài Gòn là một hòn ngọc Viễn Đông, do Sài Gòn đã được quy hoạch theo thiết kế đường phố, cảnh quan và kiến trúc của Pháp với các thích nghi địa phương Việt Nam và Hoa ở Chợ Lớn.

Nó có đặc thù cổ kính Âu châu, truyền thống Á châu ở các đền, chùa, các khu phố với kiến trúc Tây và Đông như các tiệm nhà (colonial shophouses) làm nên một cảnh quan hài hòa vào nửa đầu thế kỷ 20.

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các du khách người Anh sau khi viếng thăm Sài Gòn đã so sánh Sài Gòn với Hong Kong hay Singapore, viết rằng cảnh quan đô thị ở Sài Gòn đẹp và thanh lịch hơn cả hai thành phố thuộc địa Anh. Sài Gòn là thành phố Tây phương hóa nhất trong các thành phố lớn ở Việt Nam.

Gần đây tốc độ toàn cầu hóa đã nhanh chóng biến cảnh quan, kiến trúc của thành phố Sài Gòn vốn mang dấu vết Âu châu và Âu Á ở đầu thế kỷ 20 thành một thành phố toàn cầu, vì thế làm mất đi đặc trưng, một căn cước lịch sử văn hóa riêng biệt mà du khách muốn tiếp cận học hỏi và thưởng lãm.

 

 

Anh vừa có thêm cuốn sách mới Sài Gòn - Chợ Lớn: Thể thao và báo chí trước 1945. Mảng báo chí Sài Gòn đã được rất nhiều người viết như Nguyễn Công Khanh, Trần Nhật Vy, vậy cuốn sách của anh có gì mới, độc đáo hơn không?

- Mảng báo chí trong cuốn sách mới này chủ yếu đề cập toàn cảnh báo chí quốc ngữ và cả Pháp ngữ trước năm 1945.

Trong giai đoạn này, tư nhân ra tờ báo Pháp ngữ dễ dàng hơn ra báo bằng chữ quốc ngữ, vì vậy có nhiều báo do người Việt đứng ra xuất bản (các tờ viết bằng tiếng Pháp như La Tribune indigene, Écho Annamite, Ère Nouvelle, L’Annam, La Cloche fêlée...) hay các tờ báo của người Pháp như Le courrier Saigonnais, l’Indochine, L’Avant Garde, Le Républican...

Cuốn sách vì thế tổng kết và sơ lược báo chí ở Sài Gòn - Chợ Lớn do người Việt và người Pháp xuất bản, nó cho ta thấy nhiều góc cạnh khác nhau của sinh hoạt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa ở Sài Gòn - Chợ Lớn trong giai đoạn này.

Chúng ta ít biết đến những nhà báo người Pháp như George Garros, Paul Monin, Dejean de la Batie, André Malreaux nhưng họ để lại các dấu ấn và có những ảnh hưởng quan trọng đến các nhà báo Việt Nam như Trần Chánh Chiếu, Phan Văn Trường, Nguyễn Phan Long.

Xin cảm ơn anh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận