Cựu đại sứ Pháp Claude Blanchemaison: Bởi vì chúng ta hiểu nhau

THU HƯỜNG 07/07/2016 01:07 GMT+7

TTCT - Hồi ký Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam (NXB Chính Trị Quốc Gia) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Claude Blanchemaison, vừa ra mắt. Nhân dịp này, ông Claude Blanchemaison đã trò chuyện cùng TTCT.

Ông Claude Blanchemaison (trái) và Tướng Giáp
Ông Claude Blanchemaison (trái) và Tướng Giáp

Năm 1989, chuyên viên các vấn đề châu Âu Claude Blanchemaison được cử sang lãnh đạo Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam - một đất nước bộn bề khó khăn đang nỗ lực mở cửa ra thế giới.

Claude Blanchemaison, sinh năm 1944, từng làm đại sứ tại Việt Nam, Ấn Độ, Nga và Tây Ban Nha, giữ chức vụ trưởng Vụ Châu Á và châu Đại Dương, vụ trưởng Vụ Châu Âu, tổng vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và phát triển tại Bộ Ngoại giao Pháp; phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề châu Âu và tổng thư ký nhiệm kỳ Pháp làm chủ tịch Hội đồng châu Âu năm 2008 tại văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Từ năm năm nay, ông là đại diện của Pháp tại Hội đồng thống đốc Quỹ Á - Âu (ASEF) và tham gia giảng dạy tại một số trường đại học.

 Suốt nhiệm kỳ bốn năm đầy ắp các sự kiện lịch sử, nhà ngoại giao tầm cỡ này đã góp phần đáng kể vào tiến trình mở cửa và phát triển ấy. 27 năm sau, bản tiếng Việt cuốn hồi ký Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam (NXB Chính Trị Quốc Gia) của ông ra mắt. 

Bốn năm ở Việt Nam, ngài đã nỗ lực hàn gắn và phát triển quan hệ giữa hai dân tộc. Ngài có thể kể về bối cảnh thời ấy?

- Tôi thật may mắn được làm đại sứ trong giai đoạn đó, từ mùa xuân 1989 đến mùa xuân 1993, với nhiều sự kiện lịch sử: Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, bức tường Berlin sụp đổ, Liên bang Xô viết tan rã nhường chỗ cho nước Nga với một mô hình chính trị khác.

Ngay trước thời điểm 1989, Liên Xô đã giảm đáng kể viện trợ cho Việt Nam, đất nước đang khó khăn, bị cô lập. Chính phủ Pháp lúc ấy muốn giúp Việt Nam thoát khỏi thế cô lập, có được vị trí trong khu vực và quốc tế bằng cách giúp các bạn đổi mới, nhất là về kinh tế.

Theo đề nghị của phía Việt Nam, chúng tôi đã giúp các bạn cải tổ Bộ Tài chính, nền tài chính công, giúp đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp cho cả Nhà nước và tư nhân để đáp ứng với kinh tế thị trường. Trung tâm đào tạo Pháp - Việt về quản lý đã ra đời ngay trong lòng Trường đại học Kinh tế quốc dân, biểu tượng của nền kinh tế kế hoạch hóa, nhiều thanh niên Việt Nam được gửi sang Pháp học về kinh tế thị trường.

Sau Pháp, một số nước và tổ chức quốc tế cũng bắt tay vào giúp Việt Nam trong lĩnh vực này. Có thể nói chúng tôi đã mở cánh cửa và nhờ những mối quan hệ đặc biệt với một số lãnh đạo Việt Nam, nên cũng đạt nhiều kết quả.

Ông Claude Blanchemaison -Thu Hương
Ông Claude Blanchemaison -Thu Hương

 Tại sao Pháp lại là nước phương Tây đầu tiên chìa tay cho Việt Nam?

- Có lẽ bởi vì chúng ta rất biết nhau và nước Pháp có lợi ích khi cả ba nước Đông Dương cũ có hòa bình, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia, muốn họ phát triển bình thường và gia nhập ASEAN...

Hơn nữa, hai vị bộ trưởng Bộ Ngoại giao nửa đầu nhiệm kỳ của tôi, phía Pháp là Roland Dumas và phía Việt Nam là Nguyễn Cơ Thạch rất hiểu nhau và là những người bạn tốt. Nhờ đó hai bên đã thành lập được ủy ban hỗn hợp để cùng nhau xem xét mọi vấn đề hợp tác.

Kết quả là tháng 2-1993, Tổng thống Pháp François Mitterrand trở thành nguyên thủ đầu tiên của một quốc gia phương Tây tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Ông muốn lật một trang mới trong quan hệ giữa hai nước nên đã tới Điện Biên Phủ để mặc niệm trước vong linh tất cả những người đã bỏ mạng nơi chiến trường này.

Ngoài các cuộc hội đàm với lãnh đạo Việt Nam, ông còn gặp nhiều đại diện của xã hội dân sự, giới doanh nhân. Phái đoàn của tổng thống rất hùng hậu, bao gồm các quan chức chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia văn hóa, nhà báo...

Hồi đó một số người ở Pháp cho rằng tổng thống đi Việt Nam lúc này là quá sớm, ngài đã thuyết phục họ như thế nào?

- Rằng đây chính là thời điểm thích hợp. Giải pháp cho vấn đề Campchia đã được triển khai. Việt Nam đang cải tổ kinh tế, hai nước hợp tác trên mọi lĩnh vực. Hơn nữa, chúng tôi đã có những lời khuyên tốt.

Ngày 14-7-1989, lễ quốc khánh đầu tiên của tôi tại Việt Nam, vị khách mời bất ngờ xuất hiện chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là phó thủ tướng. Ông cùng phu nhân vận thường phục đến dùng trà với tôi. Nhìn trên bàn thấy mấy cuốn sách, ông bảo lâu lắm rồi không thấy quyển sách Pháp nào và hỏi tôi có thể cho ông mượn không. Tất nhiên là tôi đồng ý.

Đó là lần đầu tiên Đại sứ quán Pháp tiếp một đại diện Chính phủ Việt Nam cao cấp cỡ ấy, hơn nữa, một nhân vật huyền thoại. Chúng tôi cùng nghe hai bài quốc ca trước đông đảo khách mời. Sau khi tôi đọc diễn văn, Đại tướng ngỏ ý cũng muốn phát biểu đôi lời.

Bằng một thứ tiếng Pháp chuẩn xác, ông nói: “Tôi mong các doanh nghiệp Pháp nhanh chóng đến đầu tư tại Việt Nam. Nếu không, sẽ là quá chậm. Ngày một ngày hai rồi tất cả mọi người sẽ đến đây, người Úc, rồi cả người Mỹ nữa, rồi sẽ đến lúc họ phải bỏ cấm vận với Việt Nam”.

Trong hồi ký của mình, ngài dành rất nhiều trang nói về Tướng Giáp.

- Tôi tới Việt Nam tháng 2-1989. Ngày 14-7-1989 là kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp. Chính phủ Việt Nam muốn chứng tỏ thiện chí mở cửa nên tôi đã có dịp đón Tướng Giáp tại sứ quán. Ông chưa từng tới đó bao giờ. Đó là một sự kiện lịch sử.

Các khách mời hết sức ngỡ ngàng. Ông vẫn giản dị như mọi khi, đến nói chuyện, cụng ly với mọi người. Ông ở lại gần hai tiếng để trò chuyện, thưởng thức pho mát và xúc xích Pháp. Đó đúng là sự hòa giải...

Trước khi viết cuốn hồi ký này để xuất bản tại Việt Nam, tôi đã viết một cuốn khác nhan đề La Marseillaise du général Giap (Bài La Marseillaise của Tướng Giáp), cuốn sách được xuất bản tại Paris vào tháng 10-2013, gần như trùng với thời điểm Đại tướng qua đời. Cuốn sách đó tập trung nói về nhân vật lịch sử từng học trường Pháp và rất yêu văn hóa Pháp này.

Văn hóa cũng là một lĩnh vực hợp tác được ngài chú trọng phát triển trong thời gian làm đại sứ tại Việt Nam.

- Đúng vậy, tôi tin rằng để tạo không khí tin tưởng, chỉ chính trị hay kinh tế thì không đủ. Trong nhiệm kỳ của mình, tôi may mắn được chứng kiến ba bộ phim Pháp được thực hiện tại Việt Nam. Đó là Điện Biên Phủ của Pierre Shoendoeffer, Đông Dương của Régis Wargnier và Người tình của Jean-Jacques Annaud.

Bộ phim mang tính biểu tượng nhất chính là Điện Biên Phủ với sự tham gia diễn xuất của bộ đội Việt Nam trên cả hai chiến tuyến. Dĩ nhiên điều này là không thể nếu không có sự đồng ý của Tướng Giáp. Bộ phim này không nhằm tái hiện lịch sử cuộc chiến Điện Biên Phủ mà là một câu chuyện hư cấu với bối cảnh đúp, một bên là chiến trường máu lửa, một bên là cảnh chơi bời tại Hà Nội.

Quá trình làm phim gặp rất nhiều vấn đề và cả đại sứ quán cùng xắn tay vào giải quyết. Nhân dịp đó, chúng tôi tạo ra chức danh “tùy viên quốc phòng” tại đại sứ quán, một phần cũng là để thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ quân sự song phương nhưng có lẽ chính bộ phim đã giúp đẩy nhanh quá trình này.

Chức danh này là cần thiết vì hồi đó, Nhà nước Pháp cho êkip làm phim mượn hơn 90 lính dù và các trang bị quân sự thời cuộc chiến diễn ra. Đó là lần đầu tiên lính Pháp xuất hiện lại ở Việt Nam sau năm 1954.

Thời đó ngài tổ chức rất nhiều buổi tiếp tân ở đại sứ quán, thưa vì sao vậy?

- Vì tôi thấy cần phải tạo các mối liên kết không chỉ ở tầm các nhà lãnh đạo. Tôi muốn các trí thức, nghệ sĩ, nhạc công... coi Đại sứ quán Pháp như nhà của họ. Đại sứ quán là nơi đầu tiên tổ chức ngày hội âm nhạc tại Việt Nam. Ngày tôi ra đi, các nhạc công đã đến biểu diễn từ biệt. Những mối liên hệ như thế rất bền vững.

Xin cảm ơn ngài.■

“Khi ấy ông đã nhấn mạnh rằng nếu ông tha thiết muốn đến Đại sứ quán Pháp lần đầu tiên trong đời mình, thì đó là bởi liên quan đến việc kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, và rằng cuộc cách mạng này đã luôn là nguồn cảm hứng đối với ông.

Điều ấy khiến ông nhớ đến người thầy giáo tiểu học và các thầy giáo của ông ở Huế và Hà Nội, những người đã kể lại sử thi chiếm Bastille và những người đã dạy ông hát quốc ca Pháp, bài La Marseillaise. Ông rất thích bài hát cách mạng ấy...

Người “làm nên lịch sử”, người hùng của các cuộc chiến đấu giành độc lập đã mừng kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp theo cách của ông. Trong những năm cuối thập kỷ 1980 ấy, tuy chưa có những khẳng định về sự tan rã của khối Xô viết nhưng tướng Giáp đã đặt cược rằng Việt Nam có thể đánh canh bạc mở cửa ra thế giới bằng con đường thông qua nước Pháp”.

(Trích cuốn sách Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam, phần về Tướng Giáp tới Đại sứ quán Pháp lần đầu)

“Tổng thống đã đề nghị được dạo phố, bên lề những cuộc trao đổi chính thức. Khi đoàn tùy tùng đến gần hồ Hoàn Kiếm, ông muốn xuống xe để đi bộ một chút...

Tổng thống nhất định tiếp xúc với dân chúng và chỉ lối vào phố Hàng Đào, nơi một đám đông đã đứng kín, và nói với một giọng chắc nịch: “Chúng ta sẽ đi hướng này!”. Hơi bối rối, vụ trưởng Vụ Lễ tân của Chính phủ Việt Nam ra lệnh cho giám đốc công an dẫn đường. Sau một hồi nhốn nháo của dân chúng, đoàn tùy tùng cùng tổng thống đi bộ vào khu phố huyền thoại ấy.

Và tại đây đã diễn ra cảnh tượng hết sức đặc biệt: tất cả các thành viên của nhiều gia đình đều ra khỏi những ngôi nhà có mặt tiền rất đẹp - điển hình của khu phố cổ truyền thống, những cụ già với chòm râu thưa thớt cố gắng tiến đến gần tổng thống chỉ để nói đôi câu chào ông.

Nhiều ông bố bế trẻ con tiến về vị nguyên thủ quốc gia Pháp để các con họ được chạm vào tay tổng thống”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận