​Thơ Cathy Linh Che

TTCT - Vài năm trở lại đây, những cây bút người Mỹ gốc Việt đang đem lại những luồng gió mới cho văn đàn quốc tế. Nhiều giải thưởng uy tín đã được trao cho những tác giả trẻ... Gần đây nhất ngày 16-4-2015, lần đầu tiên một người Mỹ gốc Việt Cathy Linh Che đã được nhận giải thưởng thơ danh giá mang tên Norma Farber First Book Award của Hiệp hội Thi ca Mỹ, TTCT trân trọng giới thiệu một chùm thơ trong tập thơ được trao giải thưởng của cô.

Cathy Linh Che - Ảnh nhân vật cung cấp

Qua những bài thơ về mẹ, Cathy nói lên thân phận của những người Việt xa quê và tình yêu đặc biệt mà cô dành cho Việt Nam - dải đất cô hằng mong nhớ.

Ngôn ngữ đến cửa tìm tôi

Đây là cách ngôn ngữ của mẹ đã đến với tôi:

qua bài hát. Một dải ruybăng trên ngực

thánh ca cạnh chiếc cũi trẻ con, những nguyên âm

 

vang lên trong lớp thạch cao

mát lạnh của nhà thờ

Chúng tôi hát bằng tiếng Latin, và bằng tiếng Việt

 

Tiếng Latin thì đã chết, còn tiếng Việt

thì đang chết trong tôi. Đây là cách mà tôi dựng

một bài thơ: tự vị, âm vị, chữ viết tượng hình

 

bảng chữ cái Latin đã tiến hóa từ hình ảnh

Trong gương, tôi nhìn khuôn mặt mà tôi phải hiểu

Chiếc mũi của cha tôi, đầu mũi tròn

 

Những nốt tàn nhang của mẹ

đang trồi từ bên dưới da tôi. Tôi đang dần

trở thành mẹ tôi, và đang đánh mất tiếng mẹ đẻ

 

Thứ tiếng ấy là những âm tiết đang gỉ sét

trong chiếc lán tôi đã bỏ quên

ở California

 

Ở đó lũ nhện đang giăng mạng

Chúng gõ lách cách mã morse 

Cứu tôi với. Có ai ở đó không?

 

Tôi nghiêng người xuống một chiếc bàn

như một nhà sư, lấp đầy những quyển sách

bằng ngôn ngữ tiếng Anh

 

Khi giọng của mẹ tôi vang lên

Giọng nói đó thật nhỏ bé, bị mã hóa

Không phải thứ ngôn ngữ mềm mại

 

Một thời đã thao thức hát lên

Tôi đang quay trên quỹ đạo, ngày càng xa. Tôi

hát những lời thú tội. Tôi nói

xin làm ơn và hãy thứ lỗi

 

Chữ là chiếc bàn là nóng

một dấu nung, hay một vết xăm

tôi đổ đầy mực lên

 

Ngày đầu tiên

 Mẹ thức dậy từ bốn giờ sáng

cho cơm, thịt, và canh

vào những chiếc cặp lồng màu bạc

 

Một mình, mẹ đứng ở bến xe buýt

trong bóng tối. Hai chuyến xe

đưa mẹ đến xưởng may

 

ở khu trung tâm thành phố Los Angeles

đi qua những nhà kho, những chiếc cửa kính đã bị đấm vỡ

những người đàn ông sùm sụp mũ len đen

 

Ở những bậc cửa, trên những vỉa hè

những vết cáu bẩn dày lên lớp lớp:

nước tiểu, dầu mỡ, vết chân, ói mửa

 

Khi mẹ đến xưởng may

những chiếc máy Singers xếp thành hàng dài

Những người đàn bà đã bắt đầu công việc

 

Những chiếc đầu của họ cúi thấp

xuống những bàn tay, những đôi chân của họ

dập máy xoành xoạch

 

Ở Việt Nam, mẹ đã đơm những chiếc cúc

lên quần, mẹ đã học việc ở hiệu may

ở đây bụi vải lơ lửng khắp nơi

 

bám đầy tóc mẹ

Mẹ cắn chặt tiếng loạch xoạch của kim loại

giữa hai hàm răng

Tay mẹ nhấc lên

 

miếng vải đầu tiên, chậm rãi

mẹ khâu một hàng. Chiếc kim bật lên

và cắm xuống.

 

 Huyết thống

 Mẹ nằm sấp

trên giường

 

lưng trần

đôi tay giơ lên

 

hai bên

đầu mẹ

 

một thân thể đang đầu hàng

 

Tôi trút

dầu khuynh diệp

 

vào nếp gập ghềnh

trên xương sống mẹ

 

Với một đồng xu

tôi cạo

 

ấn xuống

da mẹ hồng lên

 

đỏ rực

rồi thâm tím

 

Thật tốt, mẹ nói

Con đang lấy gió độc ra

Khi tôi đào xuống

những dải huyết thống hiện lên

 

từ cột sống đến những chiếc xương sườn

mỗi dải một chiếc xương

 

mỗi chiếc xương

một câu chuyện kể

 

Tôi khai quật

một bộ xương:

 

chiến tranh, mất mát

chị tôi, đã chết

 

chôn ở quê hương

nơi nào đó trên dải đất Việt Nam

 

chị tôi

một hạt mầm bị vỡ

vẫn đợi nảy mầm.

 

KHI MẸ NGHE TIN BÀ NGOẠI MẤT

Mẹ mở miệng và một con nai sừng chạy ra, một con lừa và một con bò đực, chúng thoát ra từ miệng mẹ, bao nhiêu năm nỗi đau khổ súc vật. Tôi dìu mẹ đến giường, mẹ níu lấy tay tôi, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Chết rồi” và chỉ thế, sợi dây bị cắt, sợi chỉ đứt phựt và sợi cáp nối giữa mẹ và bà ngoại tan tành. Giờ đây đôi mắt mẹ đỏ như một con cá bị bày giữa chợ, mẹ rơi như một đống quần áo xuống giường.

Đồ đạc tiến về phía mẹ, những con dao làm bếp và những chiếc thìa, những chiếc thìa đang rung lên bần bật, chúng kéo theo tấm khăn trải bàn, góc khăn nghiêng xuống, miệng mẹ là hố sụt, mẹ muốn tất cả, cả căn nhà và chiếc ôtô, cả những bông hoa mẹ đã trồng, hoa thủy tiên và hoa mai, những bông hoa đã bật nở mỗi mùa xuân - bầu trời, mẹ kéo bầu trời xuống thấp cho đến khi bầu khí quyển nóng rực và ẩm ướt, mưa vỡ oà ra -

những dòng nước như những sợi dây thừng bằng sắt để bạn có thể trèo lên, nhưng tôi không thể, tôi đang bị dìm xuống, tôi cuồn cuộn xoay tròn, tôi nhảy vào miệng mẹ, cổ mẹ, ruột mẹ và ở trong đó cùng với những tàn dư cuộc đời cũ của tôi. Tôi ăn những gì mẹ ăn và uống thứ sữa mẹ uống. Tôi lớn cho đến khi tôi chiếm chỗ đồ đạc, tôi lách ra khỏi những bộ phận cơ thể mẹ, khỏi trái tim đang bị sưng phồng. Tôi cao lên và phình to đến nỗi tôi trở thành một người phụ nữ khoác lên người chiếc bị rỗng làm bằng da của mẹ.

Là tác giả tập thơ Split (Nhà xuất bản Alice James, 2014), Cathy Linh Che đã được vinh danh với nhiều giải thưởng văn học bao gồm giải thưởng thơ Kundiman, giải thưởng Norma Farber dành cho quyển sách đầu tay của Hiệp hội Thi ca Mỹ cùng các giải thưởng và học bổng từ những tổ chức như Poets & Writers, Hedgebrook, Poets House, Jerome Foundation... 

Sinh ra ở Los Angeles, California, cô có cha và mẹ là người Việt Nam. Tốt nghiệp chương trình thạc sĩ viết văn Đại học New York, hiện Cathy Linh Che đang là giám đốc điều hành Tổ chức Kundiman, một tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn học Mỹ gốc Á.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận