​Cơ thể giả, khát vọng thật  

ĐẶNG HOÀNG GIANG 22/04/2015 20:04 GMT+7

TTCT - Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển dịch trong quan điểm của công chúng về vẻ ngoài của các cá nhân. Thúc đẩy nó là sự sinh sôi nảy nở của ngành phẫu thuật thẩm mỹ đang được diễn giải và quảng bá như chìa khóa để chạm tới hạnh phúc.

Ảnh: probecure.com

Phiên bản mới nhất của câu chuyện Từ Lọ Lem thành công chúa mang tên Thay đổi cuộc sống - Change life, một chương trình truyền hình thực tế do VTV2 phối hợp với kênh truyền hình Raum (Hàn Quốc) thực hiện. 

Với mục đích “từ thiện”, chương trình chọn 11 ứng viên trẻ và có ngoại hình xấu xí (10 người trong đó là nữ) trong số 700 hồ sơ gửi về và đưa họ sang Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí với chi phí 50.000 USD/người trong ba tháng.

Báo chí và khán giả sôi sục với “11 sự lột xác ngoạn mục”, “sự phù phép khó tin” và “sự thay đổi kỳ diệu”. Được trầm trồ nhất là trường hợp của cô gái Vũ Thanh Quỳnh (Nam Định), bởi thậm chí chính cô cũng “không nhận ra mình nữa”. 

MC của chương trình xúc động: “Từ một người có hàm răng hô, mũi gãy, bị mọi người chê bai, bạn ấy đã trở thành một hot girl, được báo chí và nhiều người khác quan tâm… Hàng xóm hai bên cũng sang chung vui, gia đình còn nhận được sự hỗ trợ của những đơn vị xã hội khác vì nhà Quỳnh rất nghèo”.

Rất nhạy cảm với thị trường, mùa hè này, một chương trình truyền hình thực tế khác mang tên Phép mầu sắc đẹp sẽ được tung ra để cạnh tranh với nội dung giống hệt. 

Chuyển dịch quan điểm về diện mạo

Nhiều người đánh giá những chương trình truyền hình thực tế này là “tiếng súng mở màn cho trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam trong thời gian tới”. Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển dịch trong quan điểm của công chúng (Thay đổi cuộc sống được đề cử giải VTV Awards 2015 chỉ sau hai tháng lên sóng). 

Phẫu thuật thẩm mỹ đang được diễn giải và quảng bá như một chìa khóa để giải phóng bản thân và chạm tới hạnh phúc. Bạn có một gã chồng dở hơi? Thay vì bỏ hắn, bạn hãy đi nâng cấp khuôn mặt hoặc cơ thể mình.

Đặt nền móng cho sự chuyển dịch quan điểm này là sự thay đổi của chuẩn đẹp phụ nữ trong xã hội. Trong hai thập kỷ qua, cùng với toàn cầu hóa, người ta đã tiếp thu chuẩn đẹp phụ nữ phương Tây, bất chấp các đặc thù về nòi giống và chủng tộc. Chiều cao của các hoa hậu Việt đã tăng từ dưới 160cm vào cuối thập niên 1980 tới 175-180cm hiện nay, số đo vòng một tăng từ 80cm lên 90cm. “Khuôn trăng đầy đặn” của truyền thống đã nhường chỗ cho một khuôn mặt thon, mũi nhỏ, miệng rộng. 

Ông Dương Kỳ Anh, chủ tịch hội đồng giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam trong hai thập kỷ đầu tiên, tự hào: “Khi tiêu chí đánh giá vẻ đẹp ngày càng tiệm cận với quốc tế thì nhan sắc Việt cũng dần tìm được vị trí của mình trên bản đồ sắc đẹp thế giới”. Nghe mô tả như một cuộc chạy đua về GDP. 

Osho đã trở nên lạc hậu vô cùng khi viết “Phương Đông có một khái niệm khác về vẻ đẹp phụ nữ” (cuốn Con đường của nhà huyền môn). Giờ đây, cái đẹp được chỉ định bởi các nhãn hàng mỹ phẩm. Người Việt đã thôi không nói “đẹp như tiên” nữa mà chuyển sang nói “xinh như Tây”. Tiên thì không ai nhìn thấy, nhưng khuôn mặt L’Oreal thì xuất hiện ở tất cả bến xe buýt.  

Sự dịch chuyển chuẩn đẹp này tạo ra một khoảng vênh lớn giữa cái đẹp lý tưởng hiện được ca ngợi trên truyền thông và quảng cáo, và hình dạng trung bình của phụ nữ Việt. Cái “bình thường” đã trở thành cái “xấu”. 

Song song đó, cơ thể của phụ nữ Việt đã bước ra ngoài không gian công cộng. Chúng không còn bị giấu giếm nữa, mà được trưng ra để xã hội soi xét, đánh giá và tiêu thụ. 

Quay cuồng thay đổi 

“Một phụ nữ hiện đại thật may mắn khi có được một cơ thể cho phép cô chuyển động, chạy, múa, có khoái cảm tình dục, với một bộ ngực khỏe mạnh, một cuộc đời dài gấp đôi cuộc đời của một người cách đây hai thế kỷ, đủ dài để cô thể hiện cá tính trên khuôn mặt mình - nhà nữ quyền Naomi Wolf viết - Nhưng thời đại phẫu thuật thẩm mỹ phá hủy sự may mắn khôn cùng này của cô, nó bẻ nhỏ món quà cô được trao, một cơ thể đầy cảm nhận và sức sống, một khuôn mặt của riêng mình thành những bộ phận phế phẩm. Nó khiến cô coi sự may mắn suốt đời của mình là một sự nguyền rủa suốt đời”.

Cả hai quá trình trên, cộng với mức sống gia tăng là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng chóng mặt của công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam. 

Chỉ cần tìm hiểu sơ, người quan tâm sẽ thấy mình đứng trước một menu dài vô tận của những cơ hội gọt đẽo cơ thể mình: nâng mũi bọc sụn, thu gọn cánh mũi, bấm mắt bồ câu, gọt mặt trái xoan, độn cằm, tiêm botox, tạo má lúm đồng tiền, nâng gò má, chữa cười hở lợi, bơm môi, đặt túi ngực, hút mỡ, bơm mông… Bộ ngực hoàn hảo là chữ Y mềm mại, khuôn mặt lý tưởng thì thon hình chữ V, mũi thì chữ S… 

Kết quả tổng thể là một khuôn mặt nữ sinh ngây thơ với đôi mắt to và bộ ngực khổng lồ, trông như mới từ truyện tranh bước ra. 

Một trong những chủ đề được quan tâm nhất là nâng ngực. Trên Webtretho - mạng xã hội hàng đầu của các bà mẹ trẻ - thu hút hàng nghìn, hàng nghìn ý kiến, từ thế hệ “các mẹ” này sang thế hệ “các mẹ” khác, trường tồn, mãi mãi thời sự. 

Họ thường là trung lưu, đến với phẫu thuật vào thời điểm sau khi đã có con thứ hai. Diễn ngôn đặc trưng đi kèm là “đã đến lúc phải chăm sóc cho bản thân, mình phục vụ chồng con mãi rồi”.

Họ theo đuổi một “dự án cơ thể”, kỳ vọng kết hợp yêu cầu của truyền thống (vai trò làm mẹ, làm vợ) và yêu cầu của thời hiện đại (trẻ và đẹp theo “đúng chuẩn”). Bản thân “dự án” này lại nằm trong một cuộc đua lớn hơn, một “dự án cuộc đời”. 

Mục tiêu tóm tắt của cuộc đua là: có một ông xã chí thú làm ăn, hai con ngoan, căn hộ chung cư xịn, xe hơi đỗ dưới hầm và bộ ngực ra trò.

Với nhiều người, một cơ thể “đàng hoàng” là cái thiếu cuối cùng để đạt được cuộc sống viên mãn, đầy đủ. Chồng con, xe hơi… vẫn chưa trọn vẹn nếu thiếu bộ ngực khủng. Lý do số một để người phụ nữ tìm tới phẫu thuật thẩm mỹ là “để tự tin hơn”. Giá trị của bản thân được gắn với vòng ngực. 

Cơ thể không chỉ nuôi dưỡng ta, nó còn thể hiện đẳng cấp xã hội (social status). 3.000 đôla Mỹ cho mỗi ca nâng ngực hay tạo hình bụng, 4.000 đôla Mỹ cho chi phí phẫu thuật vùng mông - “đẹp” là một thước đo của thành công vật chất.

Thông điệp của Thay đổi cuộc sống và đằng sau nó, của cả ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ, là hạnh phúc, may mắn, sự sung túc, tình bạn, tình yêu, sự yêu thương của những người quanh bạn, sự nở hoa của con người bạn, tất cả sẽ đến với bạn nếu bạn có một khuôn mặt hợp chuẩn. 

 
 

 Thông điệp thực của cuộc đời?

Ở đây, cơ thể và tinh thần tách rời nhau: cơ thể được coi là cái gì có thể thay đổi, thay thế, thao túng. Họ dùng những từ miệt thị để mô tả những bộ phận cơ thể của mình mà họ căm ghét: “hai cái bánh dầy”, “núi mỡ”. Họ coi chúng như những vật thể lạ, không liên quan, cần phải dứt bỏ khỏi cuộc sống của mình. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là cứu tinh giải phóng họ khỏi cái cơ thể thậm tệ đang giam cầm họ. Nhà phẫu thuật không còn là bác sĩ chữa bệnh nữa mà trở thành người cung cấp dịch vụ, gọt đẽo một cơ thể khỏe mạnh với hứa hẹn đem tới hạnh phúc cho khách hàng. 

Ngành công nghiệp trị giá hàng chục tỉ USD này sẽ tìm mọi cách để nguồn khách hàng không chấm dứt. 

Trong dự án lên đời, nâng cấp và cải tạo cơ thể này, phụ nữ không hẳn phục vụ trực tiếp cho chồng mình mà phục vụ cho một ánh mắt phán xét vô hình của một xã hội nam trị, hiện diện mọi lúc mọi nơi. Đằng sau tham vọng mang tên “cuộc đời hoàn hảo” là nỗi lo thường trực rằng mình sẽ bị hất ra ngoài, bị tụt hậu, bị đào thải. 

Trong một môi trường đầy cạnh tranh và bất an, phân biệt đối xử dựa trên vẻ bề ngoài, xin vào vị trí văn thư cũng bị yêu cầu chiều cao trên trung bình, xin làm lễ tân bị yêu cầu kiểm tra ba vòng, họ tự nguyện đến với phẫu thuật thẩm mỹ.

Khi người ta bỏ cái riêng, cái độc đáo của mình để phục tùng uy quyền của chuẩn đẹp, ranh giới giữa cái “giả” và cái “thật”, giữa cái “thực” và cái “nhân tạo” bị xóa nhòa. Một website quảng cáo cho phẫu thuật thẩm mỹ lấy tên “Real Self” (Cái tôi thật). Một cô gái đã chỉnh sửa tất cả những gì có thể chỉnh sửa được tuyên bố: “Tôi luôn trung thành với chính mình”. 

Các thí sinh thi hoa hậu của Hàn Quốc giống nhau tới mức trông họ như mấy chục chị em ruột. Nhiều thẩm mỹ viện Hàn Quốc phải cấp giấy chứng nhận cho khách hàng để họ có thể xuất cảnh, vì họ không còn giống với ảnh hộ chiếu của mình nữa. “Con đây, Dím của mẹ đây!” - Vũ Thanh Quỳnh đã phải kêu lên như vậy để người mẹ nghe giọng mà nhận ra mình.  

Cuộc đua này không dễ dàng với phụ nữ. Gọt hàm, nâng mũi, độn ngực là những can thiệp sâu sắc vào cái tôi, vào bản sắc cá nhân. Nhiều phụ nữ cảm giác rõ ràng được điều đó nhưng chấp nhận những rủi ro về sức khỏe và chi phí tâm lý. Họ lên bàn mổ như một sự dấn thân, một động tác giải phóng bản thân khỏi sự kìm kẹp của tạo hóa. Ai dũng cảm mới mong thành công. 

Diễn đàn về phẫu thuật ngực trên Webtretho mang cái tít thách thức “Làm thiên nga không dễ”. Một “mẹ” tâm sự đêm khuya: “Sáng mai mình lên thớt rồi, tâm trạng bây giờ rất, rất hỗn độn. Một chút lo lắng, một chút chần chừ, một chút quyết tâm, một chút sung sướng. Chúc các nàng đã và sẽ thành thiên nga mãi xinh đẹp, hạnh phúc”.

Câu chúc kia vang lên như một lời tuyệt vọng. Phẫu thuật thẩm mỹ không giúp phụ nữ trả lời câu hỏi làm thế nào để già đi trong tự trọng. Trong cuộc chạy đua với thời gian và truy tìm tuổi trẻ, người ta luôn là kẻ thua cuộc dù có căng da, hút mỡ, bơm botox đến bao nhiêu lần. Các “thiên nga” không thể “mãi mãi xinh đẹp”.

Phẫu thuật thẩm mỹ là một sự hủy hoại bản thân, xuất phát từ sự chối bỏ cơ thể mình, chạy trốn những năm tháng mình đã sống, phần đời mình đã trải qua. Nhưng từ chối con người mình cũng là từ chối khả năng thấu hiểu cuộc đời, bao gồm cả sự tổn thương, tính vô thường và cái chết. Sự khước từ này biến cuộc sống tại đây và lúc này thành một địa ngục trần gian mà không dao kéo nào có thể giải thoát được.  

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận