​Với người Pháp, sách không chết

THUẬN (Paris) 31/03/2015 21:03 GMT+7

TTCT - Ở hội chợ sách lớn nhất nước Pháp Salon du Livre de Paris, sự phấn khích của độc giả và sự tranh đấu của tác giả đều góp phần chứng minh một điều: với người Pháp, sách sẽ không chết.

Bộ trưởng văn hóa Pháp Fleur Pellerin (trái) tại hội chợ sách Paris 2015 - Ảnh: livres Hebdo

Đón khoảng 200.000 khách, ưu điểm nổi bật của hội chợ sách lớn nhất nước Pháp Salon du Livre de Paris là không khép kín giữa những người trong nghề mà mở rộng cho tất cả độc giả, mọi lĩnh vực hoạt động, tạo ra những cơ hội gặp gỡ và trao đổi.

Năm nay, khách tham quan được tiếp kiến đạo diễn điện ảnh lừng danh gốc Ba Lan Roman Polanski ở buổi nói chuyện “Văn chương trong điện ảnh”, nghe ngôi sao Hollywood một thời Roger Moore kể lại kinh nghiệm đóng James Bond, hỏi ý kiến nhà thần kinh học lỗi lạc gốc Việt Michel Lê Van Quyen - tác giả của Les pouvoirs de l’esprit (Những quyền lực của tinh thần), chứng kiến tận mắt cách cuộn sushi và nấu xúp miso của chuyên gia ẩm thực Nhật Bản Noriyuki Hamada - người đã viết Restaurant Yukawatan được bán với giá 79 euro/bản...

Ngoài ra, còn vô vàn dịp để gặp gỡ các nhân vật chính của Salon du Livre de Paris - các tác giả của những thể loại văn chương khác nhau, từ vua tiểu thuyết bình dân diễm tình Marc Lévy đến ngôi sao trầm lặng Linda Lê, từ giải Goncourt 2008 Atiq Rahim đến giải Tiểu thuyết của Hàn lâm viện Pháp năm ngoái Adrien Bosc...

Thực tế đã chứng minh sự phong phú của đề tài trao đổi, của người tham gia và hình thức tổ chức từ lâu đã biến Salon du Livre de Paris thành một lễ hội lớn không chỉ cho sách mà còn cho văn hóa và nghệ thuật nói chung, kéo theo sự quan tâm của nhiều nhân vật quan trọng trong giới lãnh đạo như tổng thống, bộ trưởng văn hóa, bộ trưởng giáo dục, thị trưởng Paris...

***

Salon du Livre de Paris được coi là hội chợ sách lớn nhất của nước Pháp, do công đoàn của ngành xuất bản tổ chức hằng năm vào những ngày đầu tiên của mùa xuân từ năm 1981 tới nay, đầu tiên ở cung điện cũ Grand Palais và sau này ở khu triển lãm Portes Versailles, trên diện tích 55.000m2. 
Salon du Livre de Paris quy tụ các cơ sở ngành nghề liên quan tới sách và các hiệu sách, đặc biệt là khoảng 1.200 nhà xuất bản tầm cỡ khác nhau, chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực, không chỉ gói gọn trong phạm vi nước Pháp mà trở thành cầu nối tới các nền văn hóa khác: năm nay có 4.500 tác giả được giới thiệu trong các nhà xuất bản đến từ 25 nước.

Nhưng năm nay Salon du Livre de Paris không chỉ là lễ hội, nó còn trở thành sân khấu chứng kiến sự nổi giận của các tác giả: thứ bảy vừa rồi, gần 300 tác giả thực hiện một cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy ngay trước các gian hàng, trước sự chứng kiến của hàng chục nghìn khách tới dự.

Được tổ chức bởi Ủy ban thường trực Nhà văn (CPE) bao gồm 17 công đoàn và hiệp hội tác giả, sự kiện này có mục đích đánh thức sự chú ý đặc biệt của công chúng vào những bấp bênh ngày một đè nặng lên nghề cầm bút - ví dụ như thu nhập eo hẹp của các tác giả do nhiều loại thuế má cồng kềnh (hiện nay ở Pháp, mỗi cuốn sách bán ra tác giả chỉ được nhận 1 euro), hay lệ phí quá cao ở các quỹ lương hưu và trung tâm bảo hiểm xã hội cho các nhà văn, hoặc mức thuế từ 5% thành 20% đánh vào eBook đang có khả năng được cộng đồng chung châu Âu thông qua...

Những người biểu tình nhân dịp này đã công khai bức thư được 1.700 người ký, với tựa đề “Gửi những ai quên rằng để có sách thì phải cần tác giả”. Họ giương cao những biểu ngữ “Lương thấp. Bất an. Các tác giả đang lâm nguy” hoặc “Không tác giả, không sách”...

Nhà văn Laurent Bettoni, một trong những người tổ chức, đã phát biểu quyết liệt: “Hôm nay chúng tôi muốn chứng minh các nhà văn đã biết liên minh với nhau và không chấp nhận bất công nữa. Tại sao chúng tôi lại bị chia phần lợi tức nhỏ nhất từ cuốn sách mà chính chúng tôi đã viết ra?”.

***

Cuối cùng, sự phấn khích của độc giả và sự tranh đấu của tác giả đều góp phần chứng minh một điều: với người Pháp, sách sẽ không chết. 

Dưới đây là một vài con số liên quan tới sách ở Pháp lấy từ báo Capital ngày 20-3-2015: Doanh thu năm 2013 của ngành là 2,6 tỉ euro, hơn cả điện ảnh, âm nhạc và trò chơi video, tạo công ăn việc làm cho khoảng 83.000 người trong các tiệm sách, thư viện, nhà xuất bản, các xưởng in và 5.000 tác giả.

Tuy số phát hành mỗi đầu sách giảm đi (7.630 năm 2011 và 5.966 năm 2013), nhưng số đầu sách tăng lên (70.109 năm 2011 và 80.255 năm 2014). Số tiệm sách vẫn tiếp tục tăng: năm 2009 là 2.132, năm 2013 là 2.237.

Và truyền thống yêu quý sách đặc biệt đó của người Pháp đã giúp giữa hàng trăm gian hàng, khách tham quan có dịp dừng chân trước gian hàng của Nhà xuất bản Riveneuve.

Ở đó, ngoài những tác phẩm của các tác giả Pháp nổi lên tủ sách “Văn chương Việt Nam đương đại” do tiến sĩ Đoàn Cầm Thi thực hiện, bao gồm các tác phẩm bằng tiếng Pháp của Đỗ Kh, Nguyễn Danh Lam, Phong Điệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Đình Giang, Thuận... Chúng tôi đã có thêm cơ hội giới thiệu văn chương Việt ra thế giới. 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận