​Uống rượu cúc với Đỗ Thị Tấc

HOÀNG VIỆT HẰNG 24/03/2015 03:03 GMT+7

TTCT - Nơi đây, Lai Châu đây, có khoanh vùng một số dân tộc ít người mà bản sắc văn hóa của họ đang bị mai một, đang bị xóa trắng ở vùng đèo cao vực sâu này. Tấc đã đổ sức lực sưu tầm, ghi chép và lưu giữ vốn quý văn hóa dân tộc như một bảo bối của cuộc đời mình, dân tộc mình.

Nhà thơ Đỗ Thị Tấc (phải) tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam (2-3-2015) ở Hà Nội - Ảnh: Sơn Cầm

1. Gặp Đỗ Thị Tấc, nhà thơ của núi, tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài (2 đến 6-3-2015). Chị vừa từ bản Pa Khoang của dân tộc Lự ngất ngưởng trên xe khách Lai Châu về Hà Nội.

Tôi kéo Tấc về nhà, giao hẹn, có gì ăn nấy nhé, có rượu cúc đấy. Tấc tròn con mắt dẹt vì nhà tôi có điếu cày và gói thuốc lào Tiên Lãng Hải Phòng hẳn hoi. Tấc rít thuốc lào, xem cung cách nâng chén rượu, Tấc là đàn ông mới phải. Nhưng Đỗ Thị Tấc kia là người dân tộc Thái, dân tộc Lự, hay dân tộc Hà Nhì? Không, 100% Tấc người Hưng Yên, 100% dân tộc Kinh!

Di cư lên núi từ lúc 3 tuổi, sau khi bố mất mà mẹ ốm đau suốt, Tấc vừa làm chị, làm bố, làm mẹ với năm đứa em. Tấc chịu ảnh hưởng của núi rừng Tây Bắc, chất Thái, chất Lự, chất Hà Nhì chảy trong người Tấc, khó buông.

2. Nhấp chén rượu cúc với miếng đậu phụ, Tấc khoe đã bán ngôi nhà, bán mảnh vườn để dồn tiền xây dựng một không gian văn hóa Thái ở vùng Lai Châu xa xôi, miếng đất cũng kéo xích gần về phía Hà Nội khoảng 100 cây số đường đèo.

Rồi Tấc kể về chuyện đi núi bắt đầu từ 8g sáng đến 9g tối. Nếu đi tắt rừng, 8g sáng đi sẽ đến bản lúc 4g chiều. Sau khi lội suối, leo núi đúng tám tiếng sẽ tới nơi cắm bản. Nhiều lần đi tắt rừng Tấc cũng gặp thú dữ, ba lần đối mặt với lợn rừng, trăn và chó sói. Đối mặt với trăn thì nằm ngay xuống, trăn sẽ không dễ quấn mình đâu. Đối mặt với lợn rừng, mình đứng im nhìn nó, mình không tấn công nó, nó cũng không húc mình mà sẽ bỏ đi. Còn gặp chó sói thì Tấc nhìn trừng trừng vào mặt nó, nói chuyện với nó bằng cái nhìn, đứng im “chiếu tướng” sói. Không nhúc nhích. Sói mới tru lên một tiếng cô đơn khủng khiếp, nhe hàm răng và thủng thẳng bỏ đi. Rồi sói còn ngoảnh lại một lần nữa. Tấc định bỏ chạy, nhưng nghe thấy tiếng tru của sói thống thiết quá, cô độc quá, hoang vu quá, giữa rừng xanh núi thẳm nên Tấc mủi lòng không nỡ bước ngay. Khi sói đi rồi mới biết mình được sống! Chợt nhìn xuống chân thì đũng quần đã ướt sũng. Lần đó Tấc mới hiểu thế nào là sợ vãi đái. Sợ đến nỗi chẳng nghĩ được gì, làm sao mà nghĩ tới một con gái và năm đứa con nuôi, cộng một mẹ già kia chứ.

Tôi bảo chắc con sói thấy cái con người Tấc chỉ toàn xương là xương, gặm cũng chán khó no!

3. Tấc ở nhà sàn, một mình một nhà, một ngựa. Tấc bảo quen cưỡi ngựa rồi, lúc đi xe máy ở thành phố thi thoảng lại chùng tay định giật giật như dây cương ngựa. 

Nhà thơ của núi rừng Lai Châu xem mọi thứ hàng hiệu, các shop thời trang, ôtô, xe máy như vật ngoài thân. Các thứ vật chất sang trọng trong thành phố dường như chẳng vướng bận đến mình. Thấm cái nghèo cái khổ của dân tộc ít người, Tấc ít khi nghĩ tới chuyện ăn mặc dù về họp dưới xuôi. Tấc đi giày da mà xéo phải nhím, nhím không chết vì da cứng quá mới lạ. Tấc mặc áo khoác mua ở tận Mỹ, bạn cho; cái quần sắm ở Canada, cũng lại bạn cho nốt. Mũ thổ cẩm Sa Pa, trên người Tấc thời trang đa dân tộc. Tấc vào nhà bạn luôn giao hẹn, “mẹ nó” có chịu được thuốc lào và khói thuốc lá không. Đáp: “chịu được” không nhăn mặt thì Tấc mới đến.

Dĩ nhiên là tôi chịu được Tấc, tất cả những thói quen hút thuốc lào và hút thuốc lá, vừa nghe điện thoại rồi chỉ đạo thợ mãi trên tận Lai Châu xây cái hầm đựng rượu cho nó ra cái hầm rượu. Tấc khoe còn xây hai gian nhà cho bạn văn, bạn họa sĩ dưới xuôi lên vẽ, lên đây viết gần núi cho đỡ tiền khi ở khách sạn. 

50 năm sống trên núi cao, có chiều nào mưa xối xả trên vách núi, Tấc đã vừa ở Hà Nội trở về, nhìn mưa, úp mặt vào núi mà khóc cho đã nỗi cô đơn để rồi lặng lẽ. Tấc từng viết về người đàn bà khóc như thế này: em khóc không nước mắt/ai nào lau được. Nhìn Tấc, tôi trộm nghĩ đúng là không ai lau nước mắt được cho Tấc. 

Chỉ nguyên cái đoạn nhặt năm đứa trẻ bị bỏ đói đem về nhà nuôi, nuôi cho nên người. Đàn ông nào chịu được “thói” thương nhân loại của Tấc, đàn ông nào chịu được “thói” hút thuốc lào rít kêu vang nhà rồi há mồm thở khói như cái thằng cha “phê” thuốc phiện, ngồi một lúc thì đốt hết bao thuốc lá Thăng Long, chuyện toàn rắn với trăn, với sói rừng, rồi đến mo Thái, toàn những nếp sinh hoạt dân tộc ít người, đàn ông người Kinh chắc cũng “kinh” Tấc lắm.

4. Nơi đây, Lai Châu đây, có khoanh vùng một số dân tộc ít người mà bản sắc văn hóa của họ đang bị mai một đi, đang bị xóa trắng ở vùng đèo cao vực sâu này. Tấc đã đổ sức lực sưu tầm, ghi chép và lưu giữ vốn quý văn hóa dân tộc như một bảo bối của cuộc đời mình, dân tộc mình. 

Tấc đắm đuối với văn hóa, với mo Thái, với thổ cẩm thời trang của dân tộc Lai Châu, dồn hết sức cho đến hơi thở cuối vì yêu văn hóa và yêu thơ ca. Tấc nói bảo tàng văn hóa dân tộc này là việc cá nhân đời mình, để đời con cháu biết đến một vùng không gian Tây Bắc.

Hà Nội đang mưa phùn, ẩm ướt. 12g đêm Tấc gọi về cho tôi, bảo mở thư của Tấc mà đọc về núi, về trăn và về lợn rừng Tấc viết, về sự cô đơn của người ở núi, người thành phố như “mẹ nó” cô đơn 7 lần thì Tấc cô đơn 70 lần.

Và tôi ngồi đây đọc những dòng ghi chép của một người đàn bà, dân tộc Kinh 100% nhưng biết cưỡi ngựa và làm thơ về chó sói, về khèn và về lúa nương, thứ lúa ăn ngọt mãi trong miệng, thơm cả hơi thở. Vị lúa như tấm lòng của Tấc. 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận