​Khi mới là cũ và khi cũ là chưa từng

LÂM VỊ QUÂN (TEXAS, HOA KỲ) 25/01/2015 04:01 GMT+7

TTCT - Vũ Bằng - với văn phong tinh tế và đằm thắm của mình, với tình cảm chân thành đến tột cùng, không khoa trương, không sáo ngữ - đã khiến một người miền Trung chính gốc như tôi cũng phải có hoài niệm về đất Bắc, hoài niệm về những món ngon mình chưa hề ăn, những cảnh đẹp mình chưa hề qua và những thú chơi mình chưa hề thử..

 

1. Từ lâu nay, khi du lịch đến một thành phố mới, tôi đã không còn hào hứng như xưa. Khi đang ngắm một cảnh núi non hùng vĩ, tôi đã thôi sững sờ. Ngỡ như lòng ham chuộng những thú mới mẻ đã chết, và nếu đúng thế thật thì buồn lắm.

Nhưng rồi lại có những lúc chẳng vì một cơn cớ gì, nỗi nhớ dành cho một cảnh chưa hề thấy lại tràn vào tâm trí. Ban đầu tôi cứ loay hoay cắt nghĩa vì sao, mãi cho đến một ngày gần đây khi đọc lại Thương nhớ mười hai (*), tôi mới nhớ ra lần đầu tiên mình có cảm giác như thế là khi đọc tác phẩm này hồi năm lớp 7.

Tôi vẫn còn nhớ như in mình đã chìm đắm trong từng dòng của nhà văn Vũ Bằng đến nhường nào. Thương nhớ mười hai đẹp lạ kỳ: vừa duyên dáng, nền nã, vừa sang trọng, diễm lệ. Từng lời văn nhẹ nhàng, khoan thai như lời của một cô gái ý nhị, lại điềm đạm, đường hoàng, ra khí chất của người đàn ông từng trải, có học.

Thú thật mà nói, tôi đã say mê tác phẩm này trước hết là vì lời văn, sau mới đến nội dung.

Thật ra nội dung của Thương nhớ mười hai không có gì mới lạ. Tác phẩm nói về những thú vui, những món ngon và nếp chơi của đất Bắc trong tâm trí tác giả. Anh thanh niên trong sách chẳng nói nhiều về hi vọng hồi hương, thảng hoặc chỗ này chỗ kia đôi ba chữ.

Nhưng người đọc luôn nhìn thấy, tựa hồ như niềm chờ mong thấm đẫm trong từng câu từng chữ, khắc khoải không thành lời, da diết nhưng không bi lụy. Người viết phần nào đã an phận nhưng chẳng hề cam chịu. Niềm chờ mong cũng điềm đạm như chính chủ nhân của nó.

2. Nhưng bạn có biết đâu mới là điều thú vị nhất không? Như vừa kể ở trên, tác giả Vũ Bằng - với văn phong tinh tế và đằm thắm của mình, với tình cảm chân thành đến tột cùng, không khoa trương, không sáo ngữ - đã khiến một người miền Trung chính gốc như tôi cũng phải có hoài niệm về đất Bắc, hoài niệm về những món ngon mình chưa hề ăn, những cảnh đẹp mình chưa hề qua và những thú chơi mình chưa hề thử.

Tôi đã không nhận được điều ấy từ Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường, từ cụ Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời. Chỉ có Vũ Bằng mới làm tôi nghĩ về “xứ Bắc của mình”, để rồi cả thẹn: “À, của người ta chứ có phải của mình đâu. Mình còn chưa bao giờ ăn chả cá Lã Vọng”. Nhưng sao mà thương quá đỗi những cảnh, những vật, những người, những tình trong trang sách ấy.

Cũng bởi lẽ đó mà tôi luôn cho rằng Thương nhớ mười hai là một tác phẩm để đọc vào những thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới. Lúc ấy người ta phần lớn nửa buồn, nửa vui. Buồn cho cái không còn, vui vì cái sắp đến, thở ra một hơi nhẹ nhõm cho những gì đã qua, âu lo cho những sự chực chờ. Người ta thể nào cũng có đôi ba phút trong ngày bần thần cả người, bâng khuâng như đắm trong một làn sương mơ hồ.

Lúc ấy mà đọc Thương nhớ mười hai lại thấy đồng cảm với lời văn của Vũ Bằng, như thể có người bạn thủ thỉ bên tai, kể chuyện cổ tích vài ba năm trước.

3. Chuyện vài ba năm trước mà như cổ tích. Chuyện “cổ tích” lại như mới hôm qua. Càng lớn, tôi càng thấy rõ là mình luôn dành một góc nào đó trong tâm khảm để hoài niệm về những điều chưa hề chứng kiến. Và đôi khi nỗi nhớ đó còn chân thực, còn sâu thẳm hơn cả nỗi nhớ dành cho quê hương hay kỷ niệm.

Nó rất khó để diễn tả, cơ hồ như ai đã biết thì sẽ biết, ai chưa biết thì giải thích thế nào cũng không hiểu được. Tôi thậm chí không rõ những người khác có cảm thấy như mình hay không. Nhưng khởi sự từ những ngày lớp 7 đọc Thương nhớ mười hai ấy, tôi đã luôn biết rằng con người có thể nhớ nhung những điều mình chưa gặp.

Đó là một thứ rất đẹp. Ngay cả những điều chưa có thật ấy mà mình vẫn có thể nhớ, huống hồ những việc như yêu những điều mình đã quên hay khoan dung cho một người mình đã ghét. Tôi không nói những việc ấy là dễ, tôi chỉ biết là chúng có - thể. Tình cảm con người là một vũ trụ đầy những thứ có - thể như vậy, và khi ta biết như thế, đó sẽ là một niềm an ủi khôn nguôi.

Cuối năm là thời gian của những niềm riêng bàng bạc, của những hoài tưởng về những gì đã qua, những gì chưa xảy ra bao giờ, của những thứ có - thể và những thứ không - bao - giờ.

Cả điều mới và điều cũ, ta đều có thể nghĩ đến bằng một thứ tình cảm lặng lẽ và miên man, thoáng chút ngại ngần, tiếc nuối và thoáng một nụ cười hiền. Nụ cười ấy có thể là an nhiên, có thể là hi vọng, có thể là an phận, cũng có thể là vì một kỷ niệm đẹp vừa lướt qua trong đầu.

Cơ hồ như Vũ Bằng cũng đã mỉm cười như thế khi viết Thương nhớ mười hai.

 

(*): Bản của Nhã Nam xuất bản năm 2014.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận