​Đông Tây hội ngộ

VÕ XUÂN HUY 12/12/2014 00:12 GMT+7

TTCT - Lần thứ hai, có hai đại diện Đông Tây cùng hội ngộ trong một không gian nghệ thuật Huế (*): Claudia Blaesi đến từ Đức và Satadru Sovan Banduri từ Ấn Độ.

Tiếng tụng kinh trong chùa (tổng hợp) - Ảnh: Claudia Blaesi
Tiếng tụng kinh trong chùa (tổng hợp) - Ảnh: Claudia Blaesi

Dấu chân độc đáo (Unique Footsteps) là tên gọi triển lãm của Claudia Blaesi bao gồm 18 tác phẩm khổ vừa, chất liệu tổng hợp. Tên gọi có lẽ xuất phát từ thao tác tạo hình đặc trưng của cô: tìm kiếm cảm hứng và sáng tạo theo suốt một hành trình du lịch, kết hợp giữa chụp ảnh và hội họa.

Những tấm ảnh của cô ví như một quyển nhật ký thị giác. Cô làm việc với những tấm ảnh trong studio của mình.

Sau đó biến đổi, hòa nhập chúng vào những bức tranh với acrylic hoặc sơn dầu trên toan, khiến chúng hoàn toàn khác biệt so với những cú nháy máy tự phát của camera tại thời điểm đầu tiên. Vì thế, một cuộc hội thoại bắt đầu diễn ra giữa một tấm ảnh và một bức tranh.

Lấp lánh (tổng hợp) - Ảnh: Claudia Blaesi
Lấp lánh (tổng hợp) - Ảnh: Claudia Blaesi

Huế đã gây nhiều cảm hứng cho Claudia Blaesi, thúc đẩy cô tìm đến những cách diễn đạt thông tin đa phương tiện.

Ngoài ảnh chụp, cô còn làm việc với những chất liệu sưu tập được về văn hóa địa phương từ các phương tiện thông tin, truyền thông: tạp chí, báo giấy, truyện tranh, bài quảng cáo, hình ảnh đồng tiền, các loại tiền tâm linh (âm phủ) khác nhau.

“Tất cả những vật dụng, chất liệu này đều rất ấn tượng và mới mẻ đối với tôi. Rào cản duy nhất chính là ngôn ngữ. Tuy nhiên, là một nghệ sĩ thị giác, tôi cố gắng hiểu được câu chuyện của các hình ảnh và cách diễn đạt thị giác. Những hiệu ứng thị giác mới đôi khi rất bất ngờ.

Tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời với những cách giải thích rất hài hước của riêng mình với các chất liệu tìm được. Tôi xây dựng ngôn ngữ nghệ thuật của mình bằng màu sắc, vẽ graffiti và chuyển tải lên toan những hình vẽ hài hòa giai điệu” - Claudia Blaesi tâm sự.

Vietnam Airlines (tổng hợp) - Ảnh: Claudia Blaesi
Vietnam Airlines (tổng hợp) - Ảnh: Claudia Blaesi

Những đồng xu quyến rũ (Debonair coins) của Satadru Sovan Banduri bao gồm tranh trên giấy, kỹ thuật số và video art. Tranh Satadru Sovan Banduri có tính đối lập theo chủ đề như hai mặt của đồng xu, vì vậy thường một tên tranh nhưng lại có hai tác phẩm, một số tranh lại có bố cục theo hình tròn như hình đồng xu.

Tất cả đều có phong cách tạo hình khá lạ, hình thể nhân vật chuẩn mực, màu sắc đẹp, sắc độ sáng tối theo mảng trang trí hài hòa. Các đối vật thị giác khi đưa vào tác phẩm được chuyển đổi thành điểm, đường, diện, mảng, lồng ghép tạo hiệu quả rung, ảo giác tại một số vị trí.

Một số mẫu vật nhỏ bé được tác giả cố tình phóng lớn đặt bên cạnh lâu đài, đền tháp thu nhỏ kết hợp với nhân vật rất đặc trưng Ấn Độ đã tạo hiệu ứng kỹ xảo của điện ảnh, đặc trưng phong cách Bollywood.

Satadru Sovan Banduri (trái) và Claudia Blaesi tại NSAF
Satadru Sovan Banduri (trái) và Claudia Blaesi tại NSAF

Thủ pháp tạo hình của Satadru Sovan Banduri có gì đó tương hợp với các hiệu ứng đồ họa trên máy tính.

Tác giả cho rằng không chỉ bút chì hay cọ vẽ, mà các phần mềm, máy ảnh, con chuột cũng là công cụ sáng tạo, và “đối tượng tôi tôn sùng là “cyber avenue” (đại lộ không gian mạng)... Tác phẩm của tôi là bức tranh thu nhỏ cuộc sống ảo của cư dân mạng”.

Phá vỡ một giấc ngủ ngắn, sự im lặng của cưỡng đoạt I (bộ đôi, in chuyển thể đèn LED) - Ảnh: Satadru Sovan Banduri
Phá vỡ một giấc ngủ ngắn, sự im lặng của cưỡng đoạt I (bộ đôi, in chuyển thể đèn LED) - Ảnh: Satadru Sovan Banduri

Hoạt động phối hợp giữa không gian nhiệm trú New Space Art Foundation (NSAF - Huế) và Trung tâm Văn hóa phương Nam - Làng nghề Huế là “cửa sổ” chính mở ra thế giới đương đại.

Công chúng Huế mấy năm gần đây bước đầu làm quen với ngôn ngữ tạo hình đương đại đến từ khắp châu lục: Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Úc, Croatia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Singapore...

Đây là lần thứ hai có đại diện Đông - Tây cùng hội ngộ trong một không gian nghệ thuật. Cuộc hội ngộ đầu tiên đã diễn ra cũng vào tháng 11-2013, với triển lãm Sự âm ỉ của nghệ sĩ Chu Chung Teng (Đài Loan) và Sản phẩm Việt Nam của nghệ sĩ Astrid Schulz (Đức). 

__________

(*): Triển lãm diễn ra tại 15 Lê Lợi, Huế, từ ngày 28-11 đến 8-12-2014.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận