Say với tung hứng của Agnes Obel

LINH AN 29/10/2014 03:10 GMT+7

TTCT - Nếu bạn từng xem phim truyền hình nhiều tập Revenge (Báo thù) của Mỹ, hẳn bạn đã có dịp nghe qua Riverside và Avenue của ca sĩ - nhạc sĩ trẻ người Đan Mạch Agnes Obel.

Agnes Obel - Ảnh: piasnites.com
Agnes Obel - Ảnh: piasnites.com
Nỗi cô đơn, niềm khao khát hay cảm thức về một điều gì đó mà bạn yêu hết lòng, làm sao có thể gói trọn ào từ ngữ chứ?

Âm nhạc của cô được sử dụng cho những cảnh phim rọi vào nội tâm nhân vật, khi chỉ có giai điệu u buồn mới diễn tả trọn vẹn tâm trạng u tối và nỗi buồn sâu sắc của nàng Emily Thorne quyết tâm trả thù cho cha.

Có thể nói không ngoa là Agnes Obel sinh ra và lớn lên trong thế giới của âm nhạc. Cha cô có sở thích sưu tầm các loại nhạc cụ không mấy thông dụng như mộc cầm hay đại hồ cầm, còn mẹ cô chơi dương cầm rất giỏi, và Agnes từ năm 6 tuổi đã bắt đầu chơi đàn với niềm say mê.

Âm nhạc của cô chịu ảnh hưởng từ nghệ sĩ dương cầm Thụy Điển Jan Johansson - người có những sáng tác kết hợp các giai điệu dân gian châu Âu trên nền nhạc jazz, và nhà soạn nhạc Erik Satie với cách ông sử dụng những khoảng lặng và vòng lặp giai điệu. 

Vào năm 2010, Agnes cho ra album đầu tay mang tên Philharmonics với những bản nhạc do chính cô sáng tác. Album nhanh chóng nhận được sự ưu ái của thính giả châu Âu, từng đứng đầu bảng xếp hạng ở Đan Mạch và Bỉ, nằm trong top 10 bảng xếp hạng ở Pháp và Hà Lan.

Philharmonics nói về nhiều trạng thái xúc cảm: nếu Riverside nhuốm màu sắc u hoài đầy mất mát và Avenue nói về sự hoang mang bế tắc, thì Over the hill có giai điệu giản đơn, trong sáng, gợi cảm giác ngóng trông, còn Just so mang màu sắc hài hòa, tươi tắn.

Ngoài ra trong album còn có Beast Philharmonics có giai điệu và lời hát mang hơi hướng cổ tích, lung linh, huyền ảo với các vòng lặp giai điệu được diễn giải qua tiếng dương cầm, gợi nên cảm giác một câu chuyện được kể qua nhiều phân đoạn.

Giai điệu chính của Philharmonics dựa trên các đoạn độc tấu và nền nhạc dương cầm, bên cạnh đó là sự kết hợp của các loại đàn dây như vĩ cầm, trung hồ cầm và hạc cầm.

Các bài hát trong Philharmonics đã được sử dụng trong quảng cáo của Công ty Deutsche Telekom (Đức), trong bộ phim Submarino của Đan Mạch, và trong hai xêri phim truyền hình Mỹ là Revenge (Báo thù) và Grey’s anatomy (Ca phẫu thuật của Grey).

Cuối năm 2011, Philharmonics đã đưa Agnes Obel tỏa sáng trong lễ trao giải âm nhạc ở Đan Mạch với năm giải thưởng: album hay nhất, bài hát pop hay nhất, nghệ sĩ ra album đầu tay hay nhất, nghệ sĩ nữ tài hoa nhất và người sáng tác hay nhất trong năm.

Sau Philharmonics, album thứ hai của Agnes Obel Aventine ra đời cuối năm 2013. So với Philharmonics, Aventine phức tạp hơn về kỹ thuật, song song là lời nhạc huyền bí. Trong album thứ hai, Agnes vận dụng đàn dây nhiều hơn đàn phím, tạo cho tổng thể album một độ sâu tối hơn so với album đầu tay.

Trong bản The curse (tạm dịch: Lời nguyền), Agnes sử dụng kỹ thuật col legno (dùng sống lưng của cây archet đập vào dây của vĩ cầm), tạo ra âm thanh của tiếng đập gỗ làm nền xuyên suốt bài hát.

Đây là một bài hát có giai điệu đầy tiết chế với sự xuất hiện rất hạn chế của đàn phím, tiếng vĩ cầm và trung hồ cầm sử dụng kỹ thuật pizzicato (gảy đàn bằng tay thay vì kéo), hoặc dùng những đường kéo dây ngắt quãng và mỏng tạo nên phần nhạc nền rất mộc cho tiếng hát trong suốt của Agnes.

Tiếng va đập đều đặn của gỗ gợi nhắc đến tiếng kim đồng hồ chạy, tạo cho người nghe một cảm giác nôn nao hồi hộp, trong khi lời hát của Agnes kể câu chuyện về loài người và thế giới. The curse nói về việc con người không ngừng đặt ý nghĩa cho mọi sự kiện xảy đến, đó có thể là lời nguyền vừa có thể là một phước lành.

Trong khi đó, với bản Smoke and mirrors (tạm dịch: Khói và gương, cụm từ này trong tiếng Anh ám chỉ sự lừa dối), Agnes sử dụng dương cầm làm nhạc đệm chính với sự hỗ trợ của trung hồ cầm. Trong giai điệu chậm rãi buồn bã, bài hát nói về sự cay đắng và thất vọng vì bị dối lừa.

Đối với Agnes Obel, âm nhạc là cách để cô giải tỏa và chia sẻ cảm xúc của mình. Trong một buổi phỏng vấn với Andrew Darley của Polari Magazine, Agnes bày tỏ việc cô hát về những trải nghiệm rất riêng tư: “Cảm giác mọi người đang lắng nghe những tâm sự riêng tư của tôi thật là lạ, nhưng chẳng có cách nào khác để tôi nói về chúng.

Có quá nhiều điều đem đến cho ta xúc cảm mạnh mẽ, mạnh đến nỗi bạn không thể tìm ra từ ngữ hay một hoàn cảnh thích hợp để nói về nó. Có lẽ đó là lý do tất cả chúng ta đều yêu âm nhạc vì đó là tiếng vọng cho những nỗi niềm không thể tỏ bày”.

Tháng 10 này, nữ ca sĩ Đan Mạch Agnes Obel bắt đầu tour diễn vòng quanh châu Âu để đầu tháng 11 cô sẽ tới Mỹ, Canada và Úc, nơi cô sẽ hát những ca khúc mới trong album Aventine.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận