​Đồ cổ

TTCT - Anh bắt đầu có hứng thú với đồ cổ từ năm bốn mươi tuổi. Chừng ấy tuổi mà gọi anh nghe nó hơi nghịch tai. Nhất là khi anh lại chơi đồ cổ.

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang

Nhưng rườm rà chuyện danh xưng làm gì. Ngay cả đến cái tên gọi đồ cổ cũng chỉ là tương đối. Ngàn năm, trăm năm gọi là cổ đã đành. Nhưng dân ta bây giờ cái gì không còn sản xuất cách đây mười năm thì đã được gọi là đồ cổ. Ta cứ thống nhất gọi nhân vật này là anh. Cho nó khách quan. Cũng như vợ anh thì ắt hẳn phải gọi bằng chị. Cho nó tương xứng.

Trong khi anh bắt đầu say mê đồ cổ thì chị mê thời trang. Thời trang là đồ mới. Tiếng Tây phiên qua tiếng ta gọi là mốt. Phái nữ thích thời trang là chuyện thường. Chẳng cần phải dùng từ bắt đầu. Trẻ con hai tuổi đã biết đồ đẹp đồ xấu. Học trò nữ ngắm cái áo của bạn, về tìm bằng được cái y chang như thế.

Nhưng đến sinh viên rồi thì tư duy thẩm mỹ thay đổi ngay. Nhất quyết không mặc đồ giống người khác. Nhất quyết không đụng hàng. Bốn mươi tuổi như chị tư duy thẩm mỹ lại thay đổi một cách đáng kể. Không đụng hàng với người quen ngoài đời nhưng có thể giống với diễn viên, người mẫu trong tivi. 

Chị mê xem chương trình thời trang chiếu vào cuối tuần. Nhà đài cũng thật tâm lý khi chọn chiếu vào ngày nghỉ. Cuối tuần thì các cô mới rảnh rang ra mà coi tivi. Coi xong hứng thú có thể đi ngay mua sắm. Đàn bà hận thù thì nhớ lâu nhưng hứng thú lại tan mau.

Không thể hoãn cái sự sung sướng này lại. Cơm canh gác đấy đã, phải đi ngay mấy cái tiệm tìm hàng mới. Tìm không được thì đặt mua đặt may. Cơm canh bữa nào ngày nào chả ăn. Ăn cơm không thấy nhàm. Chứ áo quần mà chậm trễ là lỗi mốt, hoặc đụng hàng như chơi.

Chuyện mặc của phụ nữ lại không có thứ bậc rườm rà. Chỉ duy nhất hai loại. Hoặc là đẹp nhất, hoặc chẳng ra gì. Không có chỗ cho hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười. Vào cơ quan, cô mặc áo đỏ duy nhất là đẹp nhất. Ngày sau cô khác mặc cái áo đỏ y chang như thế thì chắc chắn là xấu. Không thể xếp cô học đòi vào thứ hạng nhì kế tiếp được.

Chị dán mặt vào tivi coi mấy cô người mẫu ngúng nguẩy đi lại trên sân khấu phát thèm. Anh thì cắm mắt vào màn hình máy vi tính nghiên cứu đồ cổ. Hai người hai cái màn hình. Hai màn hình quay mặt vào nhau.

Hai vợ chồng quay lưng về nhau. Hai lãnh địa chẳng ai xâm phạm ai. Bên dõi theo những cái tân tiến tân thời. Bên ngược dòng quá khứ tìm đồ đồng đồ đá. Bên xem cái áo cái đầm mới được thiết kế ra. Bên tra cứu mấy thứ máy nghe nhạc cũ dân Nhật dân Mỹ dùng xong thải ra.

Người Việt sang bển thấy cả một nghĩa trang đồ bãi bỏ tiếc mà mang về. Sinh viên du học nhà nước gửi đi ăn học lắm anh tới khi về chẳng mang theo tàng thư kinh viện nào, hành lý được bao nhiêu cân thì ngần ấy là hàng điện tử nhặt từ bãi rác của nước họ.

Hỏi lý do. Đáp rằng sách nằm trong đầu cả rồi, mang làm gì cho nặng. Sách nằm trong đầu chẳng ai thấy được, tình có cũng như không, chữ có cũng như không. Đồ điện tử thì rõ ràng hơn cụ thể hơn, thấy được sờ được xài được. Đồ bãi của người ta mang về xứ Việt lại được mang cái tên nghe rất thân quen: hàng nội địa. 

Chính xác anh đang săn mua một cái dàn nghe nhạc nội địa hiệu Kenwood. Lên mạng tìm, gặp ngay chú chàng sinh viên vừa về nước. Chú chàng được dịp quảng cáo đây em có máy nội địa trăm phần trăm hiệu Kenwood bốn thớt rời với cặp loa. Hàng này bên Nhật ngừng sản xuất cách đây đã hai chục năm.

Đã hai chục năm. Chú chàng nhấn mạnh chữ đã. Nghe xa lơ xa lắc đâu như hai chục thế kỷ. Chữ đã ấy có nghĩa thứ này nhà em bán là đồ cổ đấy. Hai chục năm đã được gọi là đồ cổ chưa. Được rồi, như ta đã thống nhất ở trên, cái gì ngưng sản xuất cách đây chục năm thì có thể coi là đồ cổ.

Hai chục năm trước dân ta còn nghe nhạc bằng băng cát sét rèn rẹt rèn rẹt đứt cái phụp dùng mủ lá mít lá vú sữa dán lại. Thế mà bên Nhật đã sản xuất máy dùng đĩa CD tròn. Một minh chứng hùng hồn cho việc công nghệ người ta đi trước mình mấy chục năm.

Chú chàng sinh viên đi học, nhẽ ra phải học cái tiên tiến của họ về mà cùng với giới khoa học bươn bả cho bằng người ta. Đằng này cái tân tiến chú bảo nhồi hết vào đầu rồi, mang về toàn đồ cũ kỹ.

Hai vợ chồng bán bốn con mắt miễn phí cho hai cái màn hình. Nhưng nhà đài nhà mạng thì không cho miễn phí đâu nhé. Đến tháng tiền phí truyền hình kỹ thuật số, cước thuê bao mạng phải trả đầy đủ. Ngành điện cũng không cho miễn phí đâu nhé. Bốn con mắt bán miễn phí cho màn hình xả láng thì tương lai bệnh viện mắt cũng thu tiền cả đấy. Nhưng chuyện đó tính sau. Bây giờ đang vui đang hứng đang đam mê.

Chồng từng nói với vợ đời này cái gì đã thuộc về nhu cầu thì phải thỏa mãn, cái gì thuộc về đam mê thì phải tận hưởng. Thời trang là nhu cầu của chị, đồ cổ là đam mê của anh. Vợ chồng ta cứ tận hưởng thỏa mãn. Tiền chỉ làm cho ta giàu nhưng không sướng. Phải coi tiền là thứ trung gian của cuộc sống.

Giống như tiếng Anh coi bộ quan trọng vậy chứ cũng chỉ là thứ trung gian làm phương tiện giao tiếp thôi. Trung gian nhưng không có thì đói nhăn răng, ấy là nói tiền. Trung gian nhưng không có thì đừng mơ đi du học mà mang đồ bãi đồ thải về, ấy là nói tiếng Anh.

Phải nói một chút về nơi chốn. Anh chị là người miền Trung sống ở miền Trung. Vùng này thơ ca ví von là cái đòn gánh khiêng hai đầu đất nước. Khiêng như cái đòn khiêng của mẹ ta đi chợ về ấy. Chắc chắn cái gì ăn được thì chứa ở cả hai đầu gánh rồi. Đoạn giữa chỉ có cùi tre.

Miền Trung nghèo nhất. Dân ở đây không đua đòi thời trang không mơ màng đồ cổ. Chính xác thì có nhưng ít. Mê áo quần và đồ độc như anh chị thuộc dạng oách. Người không thích thì bảo trưởng giả học làm sang.

Anh chị bây giờ có rủng rỉnh đôi chút, khỏi phải lo miếng ăn thì quay ra hưởng thụ tinh hoa văn hóa nhân loại. Thời trang là tinh hoa chắt lọc của cái đẹp. Đồ cổ là tinh hoa của thế giới còn sót lại. Tất nhiên tinh hoa thì mới sót lại chứ không nó đã bị xóa sổ rồi. Anh sưu tầm mấy cái máy cũ kỹ là để gợi nhớ một thời bao cấp nay đã đi về nơi xa lắm.

Hoài cổ cũng là một cách sống. Nhớ cái thời còn hợp tác xã sản xuất công điểm, anh nhận nhiệm vụ giữ trâu. Có lần xã biên cái giấy: Trâu cày không được mần thịt. Biên để nhắc nhở đội sản xuất coi mà giữ trâu, chứ đừng mong nó bệnh tật để vật ra kiếm chút tanh tươi.

Cha anh là người hóm hỉnh, mưu mẹo. Thấy mấy ông xã viết sơ ý liền lấy bút quẹt thêm một dấu phẩy cắt câu thành hai ý. Trâu cày không được, (phẩy) mần thịt. Giấy đưa ra, đội sản xuất mừng húm nhè trâu xuống mà đâm mà chọc. Cả làng được một bữa thịt tươi. 

Bây giờ thèm miếng thịt trâu tươi ra chợ là có ngay. Nhưng cái hồn cái vía của thời bao cấp thì khó ai tìm lại được. Anh chơi đồ cổ là ngược dòng lịch sử tìm lại mình. Có khi kiếm được cái máy, bấm đài lên nghe rin rít lại chảy nước mắt nhớ thời khốn khó như chơi. Thời nay rơi được giọt nước mắt khó lắm. Nhất là tuổi như anh chẳng ai đánh mà khóc, cũng chả thiếu ăn thiếu mặc để tủi thân tủi phận mà khóc. 

Anh lao ra khỏi nhà sau chị một chút. Nhẽ ra công nghệ phải đi trước thời trang một bước. Nhưng thứ anh cần là đồ hàng thải loại. Công nghệ lỗi thời rồi phải chịu thua mốt tân thời. Chị hỏi anh đi đâu. Cùng lúc anh cũng hỏi chị hai từ ấy. Đi kiếm đồ cổ. Trả lời. Đi sắm thời trang. Xong, đường ai nấy đi.

Vợ chồng đối thoại ngắn cũn cỡn theo kiểu Tây. Có một khoảng cách vô hình cứ dài ra giữa hai người. Một bên mải miết chạy về quá khứ, bên kia rượt đuổi tương lai. Hai người như trượt trên hai phần của trục hoành thời gian. Toán học ký hiệu là trục Ox. Cứ xa dần đi. Đối thoại vỏn vẹn nhưng đi thì lâu.

Anh bắt xe vào tận Sài Gòn tìm chú chàng sinh viên. Chuyến đi không báo trước cho vợ biết. Kinh nghiệm cho thấy làm gì mà có đàn bà xía vào là dễ hỏng chuyện. Thể nào chị cũng can ngăn ngay. Đàn bà thực dụng hơn đàn ông. Mua cái gì cho có lý một chút chẳng hơn hay sao lại vác thứ máy móc cũ xì. Ngần ấy tiền, ra tiệm audio sắm dàn máy xịn nghe sướng cái lỗ tai.

Từ ngày anh mê đồ cổ, trao đổi với vợ chuyện gì liên quan đồ đồng đồ đá đồ độc đều không được chia sẻ ủng hộ. Có mà hâm hấp. Ba cái thứ ấy cho không đem về để thêm chật nhà, đằng này lại bỏ ra một đống tiền mua thứ vô dụng.

Nhưng anh đã quyết thì một đi không nán lại. Đi ngay. Hàng độc lỡ một bước không săn được ân hận cả đời như chơi. Hàng độc là người tình. Chơi hàng độc là ngoại tình. Có thể như thế lắm chứ. Một khi đã sa vào đấy thì quên vợ. Anh đi luôn một tháng chẳng nhớ nhung gì. Nói cho đúng thì có nhớ gọi điện thoại hỏi thăm. Chẳng vồn vã xuýt xoa, chỉ nói chuyện trao đổi như làm thủ tục báo cáo. 

Anh ngược vào Nam thì chị xuôi ra Bắc. Ngay và luôn cái hôm anh vù đi Sài Gòn. Chị vần ra Bắc nhưng chỉ đi có ba tỉnh, nghe nói ngoài đó có mối thời trang Hàn đang trên đường chuyển về. Đi ngay kẻo hỏng mất.

Chị thích thời trang Hàn như mê phim Hàn. Nói đúng ra là vì mê phim rồi mới thích áo quần của diễn viên. Đa số phụ nữ ta mê phim Hàn sướt mướt tình cảm đã đành, nhưng cũng vì một lý do không kém quan trọng là áo quần phục trang của họ quá đẹp. Thứ trang phục đơn giản mà sang trọng, chỉ một nếp gấp ở cổ cũng làm cho cả cái váy quyến rũ hẳn lên.

Đẹp như bông hoa, đẹp như trăng rằm, vân vân, khen như thế là xưa rồi. Xưa xưa có thể dùng từ sến. Khen như thế sến lắm rồi. Bây giờ khen phụ nữ là phải nói chị đẹp như diễn viên Hàn Quốc. Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt. Chung quy cũng chỉ vì lời khen mà chị em ta hồ hởi vồn vã và có khi đau đầu cho cái thứ khoác lên mình.

***

Niềm đam mê đồ cổ của anh phải dừng lại lúc đang trung niên. Người ta bảo còn trẻ tuổi mà hoài cổ là xui lắm, kiểu ấy ông bà gọi đi sớm để mau mau về gặp nhau ôn chuyện đời xưa. Cái hôm anh ôm được máy Kenwood về quê miền Trung.

Xuống ga tàu anh mượn chiếc xe máy của bạn để chở về. Một tay lái, tay kia mải ngoặc phía sau giữ đồ. Cổng nhà chưa kịp tới thì định mệnh đã ập tới trước. May không chết, chỉ bị thương tật tàn phế. Như thế là may hay không may.

Giờ anh ngồi xe lăn nghe bài hát Tuổi đá buồn. Ngó qua cái cối giã gạo bằng đá đẽo, thấy hiểu hơn tại sao ông nhạc sĩ bảo đá buồn. Cái cối đá này cũng là đồ cổ anh sưu tập được bữa trước. Cối xưa chỉ giữ làm kỷ niệm chứ vô dụng. Anh giờ cũng như cối, còn đấy mà không làm được gì nữa rồi.

Đam mê đồ cổ của anh chịu thua trước đam mê thời trang của vợ. Tuổi chị đang đẫy đà. Còn làm đẹp được thì nên làm, chứ đến lúc hết xuân còn gì nữa mà trau chuốt. Chị chuyển mốt liên tục, từ thời trang Hàn sang thời trang Âu, Mỹ. Anh ngồi xe lăn ngắm vợ mặc đồ mới. Thấy cũng đẹp.

Giờ anh mới có nhiều thời gian ngắm kỹ vợ hơn. Nhưng đẹp chỉ khiến anh thêm thèm, cái đẹp nó cứ trêu ngươi và chọc khoáy vào nỗi bất lực đàn ông. Mỗi khi vợ đứng trước gương chăm tỉa phấn son chải chuốt chuẩn bị đi đâu đó, anh lại bạng chiếc xe vào mớ đồ cổ sắp đặt quanh gian nhà. Mỗi lần vỡ tan hoang một thứ không thương tiếc.

Vợ bảo hoài cổ cho lắm vào, giờ ngồi đó mà nhớ nhung xa xăm. Anh không chối từ điều này. Thỉnh thoảng anh vẫn nhớ về một cô người yêu cũ rích hồi còn đi làm công điểm. Đồ cổ, người cũ. Tạng anh cứ mê mẩn những thứ thuộc về ngày xửa ngày xưa. Thì anh cứ ngồi yên đấy để chị đi tìm những thứ mới mẻ hơn. Đồ mốt, tình mới. Điểm tô trưng diện mà để dở dang nó cũng phí đi cái tuổi xuân. 

Hôm vợ chốt cửa phòng ngủ bỏ mặc anh với cái xe lăn bên ngoài phòng khách ngắm nghía bộ sưu tập dĩ vãng. Người đàn ông khác đã thay anh ở trong kia, một nhà thiết kế thời trang biết nâng niu cái đẹp, biết chăm bẵm cho cái tân thời, biết chiều chuộng phái nữ.

Anh dùng hết sức cù mạnh hai cái bánh cho chiếc xe lăn vụt vào cửa phòng ngủ. Nhưng lực bất tòng tâm. Cái xe lệch một góc vuông phi thẳng ra thềm, văng bật xuống sân. Ầm một tiếng xe và người không còn dính nhau. Rồi im ỉm lặng luôn.

Trong phòng ngủ, người đàn ông khựng lại, trố mắt. Chị điềm tĩnh bảo không việc gì đâu, chắc lại như lần trước, vỡ một thứ đồ cổ vô dụng nào đó mà thôi. Cũng không sai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận