​Chỉ đen và trắng

Q.THI 18/10/2014 08:10 GMT+7

TTCT - Từng tốt nghiệp khoa lụa Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Nguyễn Quang Sơn đến với chất liệu sơn mài từ gốc gác của anh: xuất thân từ Tương Bình Hiệp, làng sơn mài lâu đời nổi tiếng đất Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Họa sĩ Nguyễn Quang Sơn
Họa sĩ Nguyễn Quang Sơn (sinh năm 1971)
Chuyển động
Chuyển động

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm sơn mài, Nguyễn Quang Sơn cho biết anh đến trường học vẽ là ở kỹ thuật. Riêng cái tên Sơn có lẽ cũng là một “báo hiệu” cho cuộc đời anh gắn liền với sơn mài rồi.

Sơn chịu ảnh hưởng bởi kỹ thuật sơn mài truyền thống của Bình Dương, biểu hiện rõ nhất là ở chất liệu vỏ ốc bào ngư được cẩn trên tranh của anh. Ở sơn mài hiện đại, ngoài các màu cơ bản như son, then, vàng, bạc, cánh gián... thì màu trắng thường được tạo bằng lối cẩn vỏ trứng.

Tuy nhiên, Sơn chọn cách tạo màu trắng bằng cẩn vỏ ốc, cách làm của sơn mài truyền thống Bình Dương (ta có thể bắt gặp các câu đối, hoành phi... được cẩn ốc, xà cừ). Nhược điểm của cách cẩn vỏ ốc này là sau một thời gian vỏ ốc bị bong, rớt.

Sơn tiết lộ những vỏ ốc được gắn bằng keo trên hàng mỹ nghệ có thể bị hư tróc, trong khi tranh của anh được xử lý bằng chất liệu sơn hoàn toàn nên không e ngại điều xảy ra.

Những vỏ ốc tạo màu trắng cùng với màu then (đen) truyền thống là niềm cảm hứng chính cho Nguyễn Quang Sơn tạo ra loạt tranh cho triển lãm Đen và trắng (*). Điều làm Sơn thích thú là những bố cục và sự chuyển động.

Sơn cho biết: “Chuyển động có nhiều dạng: chuyển động dích dắc, chuyển động theo sơ đồ hình cos, hình sin... Chính những chuyển động đó cùng với bố cục và sự hứng thú của tôi làm nên ý tưởng để ra đời loạt tranh này”.

Đất
Đất
Nước
Nước

Có thể thấy những sáng tác của Nguyễn Quang Sơn là tranh trừu tượng: Gió, Lửa, Đất, Nước, Sóng, Vũ trụ, Chuyển động... được Sơn vẽ dựa trên những chuyển động. Chuyển động của không khí, của nước, của năng lượng, của ánh sáng... Chính những chuyển động đó tạo nên bố cục của những bức tranh.

Cách vẽ này không mới, có thể bắt gặp ở sáng tác của những họa sĩ đương đại. Nhưng điều lý thú là những chuyển động, bố cục đó được thể hiện bằng chất liệu sơn mài, bằng hai màu cơ bản là đen và trắng. Đó cũng chính là sự tìm kiếm của Nguyễn Quang Sơn.

Những vỏ ốc trắng, li ti tạo nên ngàn vạn những cơn lốc bụi cuốn vào thiên hà hay lấp lánh như ngàn vạn tinh tú trên biển đêm, có lúc bùng nổ như muôn ngàn ánh sáng hiện lên trên nền trời.

Bên cạnh màu đen tuyền của sơn làm nền tạo nên vẻ sâu thẳm, bí ẩn của trời đêm, của lòng đất, của vũ trụ..., những bức tranh đẹp nhất của Nguyễn Quang Sơn là những bức “quên” đi hình khối thật, để chạm vào những chuyển động vô hình của ánh sáng, không khí, vũ trụ... Nó cuốn hút và khơi gợi trí tưởng tượng người xem, đồng thời đề cao chiều sâu, sự tinh tế. 

Liệu chất liệu sơn mài có theo kịp những sáng tác đương đại vốn phong phú và bùng nổ trong chất liệu không? Để giải đáp câu hỏi này, Nguyễn Quang Sơn thổ lộ: “Đặt câu hỏi đó với tôi hơi... xa quá! Tôi chỉ thấy chất liệu sơn mài gần gũi, dễ bộc lộ những suy nghĩ của bản thân.

Sơn mài có những thế mạnh khác nhau, tùy mỗi thời điểm mà tôi đưa những thế mạnh đó vào sáng tác của mình. Vào lúc này tôi cảm thấy bị cuốn hút bởi màu trắng lấp lánh của vỏ ốc, màu đen tuyền của sơn”.

(*): Triển lãm Đen và trắng tại Craig Thomas gallery (27i Trần Nhật Duật, TP.HCM) từ ngày 3-10 đến 3-11

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận