​Kê!

DUYÊN TRƯỜNG 25/09/2014 09:09 GMT+7

TTCT - Một bậc danh sĩ ghé thăm chùa. Gọi là danh sĩ, dĩ nhiên là bởi vị này rất nổi tiếng, danh vang khắp thiên hạ.

Tranh: Lê thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Tên của ông tràn ngập trên nhật báo, tuần báo và tạp chí; trên tờ rơi, bích chương và cẩm nang quảng cáo; trên màn hình điện thoại, màn ảnh truyền hình lẫn màn ảnh rạp chiếu phim... Ông là một văn nhân. Ông viết nhiều và viết rất nhiều loại văn. Từ tiểu phẩm đến truyện ngắn, từ tạp bút đến kịch bản, từ chuyện cười đến chuyện không cười được.

Ông múa bút cùng báo giới, trên văn đàn, cho cả văn chương, sân khấu, điện ảnh... Ông là một thuyết thoại nhân. Sở hữu năng lực lợi khẩu, ông có thể nói về mọi vấn đề, cả trong khán phòng lẫn trước ống kính. Ông làm người kể chuyện, người phỏng vấn, người dẫn chương trình. Ông góp lời trong đủ các loại sô: từ sô ca nhạc đến ghem-sô, thooc-sô...

Chưa hết, ông còn là một “hành giả”, không chỉ viết được và nói được, ông còn có thể làm được nhiều thứ: làm sách, làm kịch, làm phim, làm lễ hội... 

Tóm lại, một cách khái quát, nên gọi ông là một cao nhân. Ông cao xấp xỉ mét tám. Và thường ngồi trên ghế cao, ghế của người bình luận và ghế của ban giám khảo, ai cũng phải ngước nhìn. Giọng ông hơi chua, lẫn nhiều vị cay, nhưng rất mạnh mẽ, xác quyết, không chút do dự, không e ngại gì, ai cũng phải lắng nghe...

Sự có mặt của vị danh sĩ tại ngôi chùa này, đương nhiên càng làm tên tuổi ông bay xa, bay cao. 

Sư trụ trì hoan hỉ khoản đãi ông bữa cơm chay lúc ban chiều. Và thêm một bữa trà tối để nghe ông luận bàn tiếp tục về thế sự, chính sự, bóng đá, âm nhạc, phim ảnh, thời trang, người mẫu, đàn ông và đàn bà... Quả thật là một bữa tiệc ngôn từ, khó mà dứt được! 

Nhưng, tiệc nào cũng đến lúc phải tàn, việc gì cũng đến lúc phải ngủ. Sư trụ trì sắp xếp mời ông qua đêm tại chùa, nơi phòng nghỉ trên lầu cao. 

Lại cả nghĩ, sợ rằng khách quý nơi chỗ lạ khó an giấc, vả chăng người sống bằng chữ ắt phải cần đọc sách, sư bèn chọn một cuốn sách quý, giao cho một tiểu tăng mang lên phòng mời vị danh sĩ thưởng lãm. Đó là quyển “Phật học tinh hoa” của một ẩn sĩ thời trước.

Khi chú tiểu rời xuống, sư trụ trì liền hỏi: Ngài ấy có nói gì không? Bạch thầy, ngài ấy bảo sách này còn thấp lắm! Nhà sư giật mình, rõ là ta đã thất lễ với khách, bèn suy nghĩ hồi lâu rồi vào trong phòng riêng mang ra một bộ gồm hai quyển thượng hạ, bìa cứng, có tên “Dịch Kinh tường giải” của một học giả quá cố. Lại bảo chú tiểu mang tiếp lên mời khách quý đọc thử.

Lần này chú tiểu quay xuống, lại bảo: Bạch thầy, ngài ấy lại nói sách này vẫn còn thấp lắm! Nhà sư trách mình, xem ra đầu óc ta nông cạn biết chừng nào, như ếch ngồi đáy giếng, chẳng biết trước mặt là núi cao. Bèn lên gác tàng kinh, tìm cho ra bộ “Thánh nhân” ba quyển, bộ sách bàn về cái cười, cái dũng và thuật xử thế của người xưa, do một vị danh sư trước tác.

Và lượt này, đích thân thầy mang lên đãi khách.

Sư ông bước lên lầu, đến trước cửa phòng tri khách và nhìn vào. Bất ngờ, thấy vị danh sĩ đã ngủ khò, đầu kê lên mấy cuốn sách mà nhà chùa vừa gửi lên mời đọc.

Sư trụ trì bước xuống lầu, khóc một đoạn, lại cười một đoạn.

Chú tiểu hỏi: Thưa thầy, sao thầy lại khóc? Sư bảo: Ta nhìn thấy sách mà không cầm được nước mắt. Chú tiểu lại hỏi: Thưa thầy, sao thầy lại cười? Sư lại đáp: Ta nhìn thấy người mà không nhịn được cười!

Chú tiểu vẫn chưa thôi thắc mắc: Nhưng sao đệ tử thấy thầy cười nhiều hơn khóc? Sư bảo: Ta cười khách thì ít, mà cười ta mới nhiều! Xem ra, mắt ta, trí ta vẫn còn nô lệ vào cái chữ danh lắm lắm! Nam mô a di đà Phật!

Chuyện đến đây là hết!

TB: Chuyện này chúng tôi nghe qua trong một bữa nhậu của mấy văn sĩ đất kinh thành, xin mạn phép được chép ra đây. Mong mọi người chớ tin là thật!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận