Với cây đàn, bạn không thể dối trá

THU HƯỜNG 25/09/2014 07:09 GMT+7

TTCT - Có thể nào một nhạc sĩ không biết nốt nhạc mà sáng tác cho các nhạc công chuyên nghiệp, được giới chuyên môn ca ngợi và công chúng yêu mến?

Fayçal Salhi (ngồi giữa) cùng cây đàn oud cổ truyền - Ảnh: Phương Thúy
Fayçal Salhi (ngồi giữa) cùng cây đàn oud cổ truyền - Ảnh: Phương Thúy

​Đó là trường hợp của Fayçal Salhi, nhạc sĩ kiêm nhạc công đàn oud (*) người Pháp gốc Algérie.

Sinh ra trong một gia đình Algérie yêu âm nhạc, Fayçal Salhi sống trong lời ca tiếng hát từ bé. Nhưng đến năm 21 tuổi anh mới tiếp xúc với cây đàn oud cổ truyền. 

Cuộc gặp gỡ tiền định 

Hồi đó, Fayçal là sinh viên xã hội học ở Pháp, chơi ghita điện trong một nhóm nghiệp dư chưa bao giờ tập nổi một bài ra hồn để diễn trước công chúng. Cuộc gặp gỡ với cây đàn oud đã thay đổi đời anh.

“Ngay lập tức, tôi thấy có nhu cầu được sáng tác những khúc nhạc riêng của mình trên cây đàn ấy. Khi chơi đàn, mọi tâm trạng cảm xúc của người chơi đều được thể hiện một cách chân thực nhất. Trong tiếp xúc bình thường ta có thể giấu giếm tình cảm thật của mình. Nhưng với cây đàn, bạn không thể dối trá”.

Rồi đến một ngày, người bạn của anh là nghệ sĩ contre-basse Vladimir Torres đến nghe anh chơi nhạc. “Tôi bị quyến rũ bởi âm nhạc của Fayçal. Đó không phải nhạc cổ truyền mà là thứ nhạc riêng của anh ấy” - Vladimir nhớ lại.

Chính anh đã thuyết phục Fayçal hợp tác với các nhạc công chuyên nghiệp trong một dự án âm nhạc dài hơi và nghiêm túc. Từ đó đến nay đã 10 năm, Fayçal Salhi và các thành viên trong nhóm ngũ tấu của mình đã ra được ba CD, biểu diễn tại hơn 10 quốc gia và nhận được nhiều khen ngợi từ giới chuyên môn và báo chí. 

Thứ âm nhạc không thể trộn lẫn

Nhóm ngũ tấu của Fayçal Salhi đôi khi có sự thay đổi về nhạc công, nhưng thành phần nhạc cụ không thay đổi.

Anh tâm sự: “Tôi muốn có một cây kèn hay sáo để thể hiện hơi thở con người, một cây violoncelle để có hơi ấm từ dây đàn, bộ gõ để mang đến năng lượng, đàn contre-basse thể hiện một cái gì đó chắc chắn, gắn sâu vào lòng đất như thể nền móng của một ngôi nhà. Theo thần thoại Ả Rập thì tiếng đàn oud là tiếng ríu rít của loài chim. Với bản thân tôi, nó hơn thế rất nhiều”. 

Vì không biết nốt nhạc nên cách sáng tác của Fayçal cũng rất đặc biệt. Anh nghĩ ra giai điệu cho từng nhạc cụ rồi chơi giai điệu ấy trên đàn oud, sau đó ghi âm lại và gửi qua Internet đến các nhạc công khác. Những người này tự tập riêng trước khi cả nhóm họp lại và cùng bàn bạc xem nên hòa âm thế nào cho hay nhất.

“Tôi khâm phục các thành viên trong nhóm của mình, sáng tác của tôi dài, vậy mà họ luôn ghi nhớ với một tốc độ nhanh không thể tưởng tượng được” - Fayçal nói. 

Nghệ sĩ bộ gõ Arnaud Dolmen chia sẻ: “Nhạc của anh ấy độc đáo và giàu hình ảnh. Vì là người tự học nên cách viết của anh ấy mang tính cá nhân rất cao, nhiều khi khác hẳn những quy ước thông thường. Chúng tôi phải chơi theo một cách khác. Nhạc của anh ấy đưa chúng tôi đến những bến bờ mà những nhạc công học hành bài bản không bao giờ tin mình lại có thể đến được”.

“Chỉ có Fayçal mới có thể viết ra thứ nhạc như vậy. Nó là duy nhất” - nghệ sĩ saxophone Christophe Panzani nói thêm.

Fayçal không bao giờ quên buổi biểu diễn đầu tiên của anh tại quê nhà. Sau nhiều dự định bất thành, năm 2009 anh có dịp quay lại Alger.

“Đến nhà hát rồi, tôi vẫn không ý thức được mình đã trở về. Buổi diễn bắt đầu, tôi vẫn như đang mơ, quên mất cả một số đoạn. Mãi đến khi chỉ còn một phần ba thời gian, thể xác và tâm hồn tôi mới hòa làm một. Lúc ấy nghệ sĩ và khán giả cùng thăng hoa” - Fayçal nhớ lại.

Cảm giác thăng hoa ấy, anh và các bạn đã có lại tại Hà Nội ngày 11-9 (và sau đó là TP.HCM ngày 12-9). Buổi biểu diễn thành công đến mức khi anh nói “bây giờ chúng tôi xin chơi bài cuối cùng”, khán giả ồ lên tỏ vẻ tiếc nuối.

Anh tâm sự: “Mỗi ngày thức dậy tôi đều cảm ơn cuộc đời cho tôi được sống bằng nghề, được đi biểu diễn đó đây. Đến Việt Nam, một nền văn hóa khác cách xa nơi tôi ở hàng ngàn kilômet, quả là một diễm phúc không phải ai cũng có được“.

(*): Đàn oud được coi là nhạc cụ vua của âm nhạc Ả Rập. Cây đàn đầu tiên được phát hiện khoảng năm 1800 trước Công nguyên tại Babylone. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đàn oud chính là tổ tiên của đàn tì bà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận