Thế lưỡng nan và trò chơi lựa chọn

PHƯƠNG LINH 14/09/2014 09:09 GMT+7

TTCT - Hằng ngày, chúng ta thường phải đối mặt với những tình huống khó xử: có nên can hai người đang đánh nhau hay để người khác làm việc đó? Nếu không ai nhìn, ta có nên vứt rác?...

​Với bạn, đây có thể là những chuyện vặt vãnh, nhưng chúng lại là chủ đề chính của một trong những phát minh có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử loài người có tên “Lý thuyết trò chơi”.

Thế lưỡng nan của người tù (*), công trình kinh điển về lý thuyết trò chơi do William Poundstone thực hiện, đã tổng hợp các hiểu biết chung và đưa ra nhận định phổ quát về tình cảnh lưỡng nan thường trực như một tất yếu trong quy luật tồn tại.

Quyển sách mô tả sinh động sự khó khăn trong các lựa chọn mang tính mâu thuẫn của nhân loại. Lựa chọn giữa lợi ích cá nhân - lợi ích tập thể, lợi ích dân tộc - lợi ích con người, lợi ích con người - lợi ích tự nhiên... 

Những thế tiến thoái lưỡng nan ngoài đời thực được xây dựng từ những đánh giá chủ quan về lợi ích của bản thân và người khác. Việc tuyên truyền thời Chiến tranh lạnh rằng “kẻ thù” giống một quốc gia máy móc vô cảm là một loại việc khiến mọi người dễ lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan của người tù. Khả năng coi “các đối thủ” như những người bạn thường sẽ biến một thế giới tiến thoái lưỡng nan của người tù trên danh nghĩa thành một trò chơi ít rắc rối hơn nhiều.

Trải dài suốt tác phẩm, Poundstone lần lượt điểm lại những nhân vật có tầm đóng góp quan trọng vào công cuộc tựu hình lý thuyết trò chơi, đặc biệt vào việc tư duy về mô thức “thế lưỡng nan của người tù”.

Khởi đi từ người khai sinh lý thuyết trò chơi John von Neumann, đến John Nash, Merrill Flood, Melvin Dresher với hàng loạt thí nghiệm trò chơi lưỡng nan, rồi Albert Tucker, bài toán “thế tiến thoái lưỡng nan của người tù” đã được minh họa bằng một câu chuyện rõ ràng, cụ thể: Hai thành viên của băng tội phạm bị bắt giữ nhưng cảnh sát không đủ bằng chứng để kết tội chính và dự định phạt mỗi người 1 năm tù vì tội thấp hơn.

Tuy nhiên, họ đồng thời được cảnh sát đề nghị “giao dịch”. Nghĩa là nếu làm chứng chống lại đồng bọn, anh ta sẽ được tự do, còn người kia chịu 3 năm tù. Còn nếu hai người làm chứng chống lại nhau thì họ cùng bị phạt 2 năm tù.

Những người tù không thể biết được người kia chọn lựa ra sao, và việc duy nhất khả dĩ là họ phải tối thiểu hóa hình phạt của mình. Vấn đề là, họ không biết rằng, nếu cả hai cùng từ chối làm chứng, họ chỉ phải chịu mỗi người 1 năm, trong khi nguy cơ bị làm chứng chống lại nhau rất cao, còn khả năng được thả vô cùng may rủi.

Sự lưỡng nan xảy ra trong nhiều tình thế khác nhau của đời sống, buộc ta phải đưa ra quyết định mà không biết rõ thật sự nó có đem đến tác dụng nhiều đến vậy không, đối phương ứng xử ra sao, và đặc biệt, quyết định nào cũng mang tính được - mất.

Cái được ở bên này luôn kéo theo sự mất ở bên kia, đó chính là mấu chốt mâu thuẫn trong cán cân lợi ích. Lý thuyết trò chơi đã đi sâu vào nghiên cứu bài toán trên nhằm đạt được những chiến lược chiến thắng.

Tuy vậy, nếu thật sự xảy ra tình thế khi lợi ích cá nhân xung đột với lợi ích cộng đồng, hay lợi ích một dân tộc mâu thuẫn với lợi ích toàn nhân loại nói chung, liệu quyết định lạnh lùng nhất còn đáng được đưa ra?

Ưu tư này vĩnh viễn là câu hỏi lương tri trọng yếu, và được tác giả lấy ví dụ cụ thể từ cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử giữa Mỹ và Liên Xô. Không còn mang dáng dấp cá nhân đơn thuần, nó đã trở thành trò chơi “chiến tranh và hòa bình”. V

ậy “chơi” để giải quyết “thế lưỡng nan của người tù” là lý trí hay phi lý trí, đáng bất chấp hay cần hoài nghi và nên theo đuổi khuynh hướng nhân văn hay phản nhân văn?

Bằng việc vận dụng khái niệm “thế lưỡng nan của người tù” và lý thuyết trò chơi, William Poundstone đưa ra những gợi ý sâu sắc nhằm giải mã một số diễn biến lịch sử quan trọng như Chiến tranh lạnh, tư duy chính trị của các quốc gia lớn sau Thế chiến thứ hai, cuộc chạy đua nguyên tử giữa Mỹ - Liên Xô, cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba và cả nguy cơ có thể đưa tới Thế chiến thứ ba sau đó.

Kết cục là tới nay vẫn không (hoặc chưa) có cuộc chiến tranh hạt nhân nào thật sự nổ ra, và lý thuyết trò chơi với sắc màu lý trí đậm đặc dần đánh mất tính tối ưu khi ứng dụng trên mọi phương diện chiến lược.

Nó đã dần mềm mại hóa như một khuynh hướng nhận thức về tính tương tác trong các lĩnh vực khác của đời sống: xã hội học, kinh tế học, sinh học, nghệ thuật học... Vấn đề cùng hợp tác để nỗ lực vì các lợi ích chung được đặt ra ngày một phổ biến.

Đấy dường như là điểm hóa giải cho những mâu thuẫn sống mà lý thuyết trò chơi, cuối cùng cũng quy về tìm kiếm, “theo nghĩa rằng sự sống sót trong dài hạn của loài người phụ thuộc vào việc chúng ta phát minh ra những cách tốt hơn để thúc đẩy sự hợp tác hơn bất kỳ cách nào đang tồn tại”.

(*): Nguyên tác: Prisoner’s dilemma, William Poundstone, Anh Tú dịch, NXB Lao Động Xã Hội & Alphabooks, tháng 8-2014

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận