Ngày đầu tiên đi học, mẹ bắt em đến trường...

ĐỨC HOÀNG 06/09/2014 13:09 GMT+7

TTCT - Từ lâu rồi cái chữ “dắt” trong bài Ngày đầu tiên đi học của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã bị dân gian trào lộng sửa thành chữ “bắt”.

Tranh: Lê thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

​Giờ khối đứa trẻ hát rằng: Ngày đầu tiên đi học, mẹ bắt em đến trường, em vừa đi vừa khóc...

Người Tây khác người ta ở chỗ nhiều khi họ cứ hay thiếu tế nhị. Trong khi chúng ta “nô nức”, “nhiệt liệt” đưa con em đến trường, đón chào ngày khai giảng, thì phụ huynh Tây lại bàn nhau làm thế nào để con em... bớt sợ ngày khai giảng.

Thuật ngữ “nỗi sợ ngày khai giảng” (back-to-school anxiety/fear/panic) được đúc rút từ một thực tế đã được thừa nhận. Họ bảo nhau: trẻ con đang nghỉ hè, chơi thả phanh, giờ bỗng nhiên phải quay lại trường, ôi cái bọn trẻ này, chúng sẽ cảm thấy rất tệ.

Các chuyên gia tâm lý chia sẻ kinh nghiệm để “các mẹ” cùng trấn an nỗi sợ cho con mình bằng nhiều cách. Nào là cân đối lại lịch chơi với lịch tự học ngay từ khi chưa khai giảng, nào dắt con đi mua đồ dùng học tập mới để tạo sự hưng phấn...

Thế nên có nhẽ trẻ con Tây có vẻ hơi thiếu nghị lực. Học sinh nước ta, kể cả các cháu vừa rời trường mẫu giáo để dự ngày khai giảng đầu tiên, cho đến các học sinh cấp II, cấp III hay đại học, dường như đều nóng lòng mong cho kỳ nghỉ hè qua đi để chúng được “nô nức” đến trường.

Cuối hè, đầu thu, gió thổi mát rượi, cụm từ “nô nức khai giảng” trở lại tung tăng trên mặt báo. Và tất nhiên là không ai ở nước ta lại mất lập trường đến mức đi bàn về “nỗi sợ ngày khai giảng”.

Cũng bởi trẻ con Tây hơi thiếu nghị lực, nên ở nhiều nước họ nuông chiều chúng quá đà khi tại trường có rất nhiều hoạt động ngoại khóa, rất nhiều buổi học về xã hội, nghệ thuật, không ai “dám” bắt các cháu học thêm học nếm. Giáo viên thì nhún nhường học sinh và phụ huynh, không bao giờ “dám” đánh mắng các cháu.

Trẻ con nước ta nghị lực hơn nhiều. Chúng nô nức đến trường hăng hái như một đoàn quân ra trận. Và để xứng đáng với khí thế oai hùng ấy, chúng ta cần dành cho chúng những thử thách, những sự tôi rèn cho ra trò vào.

Nghĩ đến “đề án sách giáo khoa điện tử”, cứ tưởng tượng ra rằng vài triệu “chiến binh học sinh” đang vào một cuộc thử nghiệm vũ khí mới trong giáo dục. Cứ cho các cháu dùng thử xem như thế nào vì thấy bảo cũng hay, mà nếu không ổn thì lại thay đổi.

Phải có thử nghiệm mới có tiến bộ! 

Lãnh đạo ngành giáo dục lý giải sở dĩ nên có sách giáo khoa điện tử để đáp ứng nhu cầu làm nhẹ bớt cặp sách của các cháu. Nhu cầu ấy thật giản dị biết bao. Thật ra thì để làm nhẹ bớt cặp sách của các cháu, có thể xây dựng tủ để đồ ở trường, không bắt các cháu phải đem sách đi - về nữa.

Nhưng làm thế thì đơn giản quá, chỉ phù hợp với những nước học sinh sợ đến trường thôi. Ở nước ta cần phải phức tạp hóa vấn đề giản dị ấy lên mới tận dụng được tư chất, nghị lực, khí thế của các cháu để trui rèn nên những người có ích cho xã hội.

Những cuộc thử thách bằng trí não con trẻ như thế không phải lần đầu tiên xuất hiện. Việc thay đổi nội dung sách giáo khoa được thực hiện liên tục với nhiều quy mô khác nhau, dù bất cập phát sinh rất nhiều. Cải cách mãi rồi chương trình vẫn khiến cả học sinh lẫn thầy cô khổ sở.

Thầy cô bị cấm dạy thêm, nhưng nếu không dạy thêm thì không làm cách nào để hoàn thành chương trình, đành bày ra nhiều trò “dấm dúi” hoặc phải yêu cầu bố mẹ các cháu ký vào bản “kiến nghị” nhà trường dạy thêm. Bố mẹ các cháu thông cảm - dù cũng khổ - quần quật đưa đón con đến trường, đến nhà thầy cô giáo thay vì đi chơi.

Giá có thêm tuyên bố rằng cái máy tính bảng có thể cải thiện được chất lượng truyền tải chương trình, triệt để xóa bỏ các lớp dạy thêm, phụ đạo thì nghe còn phấn khởi và hiệu quả hơn cái mong muốn giản dị là “cặp sách bớt nặng”. Nhưng hiệu quả không phải vấn đề cần được bàn đến ở đây, mà đã bảo rồi, đó là sự thử thách.

Khi trẻ có thể “nô nức” đến trường thì chúng có thể “nô nức” hưởng ứng nhiều loại đề án khác nhau, “nô nức” hưởng ứng các chương trình cải cách... Có thể cái sự “nô nức” ấy là do người ta gắn vào miệng con trẻ, như một quan chức thậm chí khăng khăng “cái này là nguyện vọng của các cháu”.

Nhưng không quan trọng, đằng nào chúng cũng chẳng phản đối được đâu. Chắc chỉ đến khi nào người ta công khai thừa nhận ở quy mô rộng là thật ra thì, lũ con cái chúng ta, bọn trẻ thiếu hiểu biết ấy, chúng sợ đến trường, thì mọi thứ mới khác đi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận