Khi cái ác là sự lựa chọn

HỒNG HƯNG 05/03/2014 09:03 GMT+7

TTCT - Quan niệm thông thường vẫn cho rằng con người ta trở thành kẻ xấu là do hoàn cảnh đưa đẩy.

Không chỉ ở Việt Nam người ta cảm thán “bần cùng sinh đạo tặc” mà ở phương Tây, nhân vật Joker (trích trong bộ truyện tranh về Batman: The killing Joke) đại diện cho cái ác từng bao biện: “Ngươi trải qua một ngày tồi tệ và rồi mọi thứ thay đổi”.

Bryan Cranston trong vai Walter White - Ảnh: o.canada.com

Thế nhưng nhân vật Walter White (do Bryan Cranston đóng, từng là diễn viên chính trong Malcom in the middle, và xuất hiện trong The X file) của bộ phim truyền hình Breaking bad lựa chọn cái ác, cái xấu bằng thứ lý trí thuần túy của bộ não thiên tài. Chính điều đó làm nên sức hút cho nhân vật này nói riêng và cho cả bộ phim nói chung.

Bộ phim truyền hình Mỹ với hàng loạt giải thưởng (giải Quả cầu vàng 2014 cho phim truyền hình xuất sắc, diễn viên chính xuất sắc...), Breaking bad kể về hành trình chuyển hóa Walter White từ một thầy giáo hiền lành thành một ông trùm ma túy Heisenberg.

Khi biết mình bị ung thư, đồng nghĩa với việc có thể ra đi bất cứ lúc nào, bỏ lại người vợ sắp sinh và đứa con trai bị bệnh não, Walter đã tìm đến học trò Jesse Pinkman (Aaron Paul diễn), vốn là một tay bán ma túy đá. Các nhà làm phim đã thiết lập một hoàn cảnh đủ bức bách để khiến người xem nghĩ rằng lựa chọn của Walter White là do hoàn cảnh ép buộc. Nhưng càng về sau, chúng ta mới có một cách nhìn rõ ràng hơn về con người này.

Walter White là một kẻ kiêu ngạo đầy lý trí, lựa chọn cái ác bằng một thái độ dứt khoát và tỉnh táo. Trong giai đoạn đầu, khi vẫn còn non nớt trong nghề bán ma túy, đã có một lời đề nghị chu cấp đến từ hai người bạn cũ là Eliot và Gretchen. Nhưng Walter đã từ chối điều đó, vì chính họ đã lợi dụng kết quả nghiên cứu của ông để kiếm lời. Nhân vật chấp nhận những nguy hiểm đến tính mạng, sự tan vỡ của gia đình, chứ không chấp nhận để cái tôi của một thiên tài bị “sỉ nhục”.

Sau khi bị buộc phải giết hai tay bán ma túy khác để sinh tồn, Walter White cũng trở nên khắc nghiệt hơn trong những chuyện thường ngày. Một thằng nhóc chọc ghẹo đôi chân bị tật của con ông? Ông đốn chân nó và bắt nó phải xin lỗi con mình. Một gã nhà giàu phách lối, nói tục nơi công cộng? Ông làm chập mạch xe hắn khiến nó phát nổ giữa một cây xăng!

Quá trình biến chất tiếp tục diễn ra, người ta nhận ra Walter White đã thay đổi: không còn cam chịu, đè nén sự bất mãn nữa, mà dần dần giành lấy những gì mà nhân vật nghĩ đáng lẽ tài năng của mình phải có: tiền bạc, sự phục tùng, công việc trong một phòng thí nghiệm đích thực...

Bên cạnh Walter là Jesse Pinkman, một nhân vật chiếm được cảm tình của khán giả trẻ. Nhưng sự tồn tại của Jesse Pinkman là để làm rõ cái chất độc ác, xấu xa đến từ lý trí của Walter. Là một kẻ bỏ học để đi theo con đường nghiện ngập và chế ma túy, Jesse Pinkman rõ ràng có một nhân cách xấu xí nhưng không hề độc ác.

Độc ác chính là một Walter White thẳng thừng nói “Hãy khử nó đi”, là một Walter sẵn sàng tận diệt đối thủ trước con mắt kinh hoàng của chính Jesse. Jesse chỉ dám nghĩ đến những biện pháp thanh trừng khi hắn cảm thấy sợ hãi và với một thái độ lúng túng. Còn Walter, một khi phải hành động để bảo vệ lợi ích của mình, ông ta xuống tay đúng chất “máu lạnh”.

Người ta sợ hãi kẻ ác này nhưng cũng thích thú về hắn, đó là vì lựa chọn của nhân vật: cuộc sống này làm phiền lòng ông ta nên ông sống theo cách mới do chính mình quyết định. Càng về cuối, Walter không còn sự hối hận của kẻ yếu đuối, mà thẳng thắn chấp nhận kết cục của mình, thậm chí tự hào về những gì mình đã làm được.

Cái chết trong cô độc của Walter White cuối phim, sự ra đi những người ông ta yêu quý... là con đường mà nhà biên kịch chỉ cho người xem thấy kết cục thảm khốc khi bước đi trên con đường phi pháp. Nhưng nhân vật Walter White rồi sẽ sống rất lâu trong lòng người hâm mộ. Bởi vì không chỉ là một ví dụ cho câu “Gieo gió gặt bão”, Walter White là hình ảnh của sức mạnh một người khi biết kết hợp giữa ý chí và tri thức để vượt qua nghịch cảnh.

Người xem dĩ nhiên không thể làm việc xấu như White, nhưng họ đã có một ý niệm về việc dũng cảm chấp nhận thay đổi để phá bỏ sự bế tắc trong cuộc sống của mình.

Và điều thú vị là cái ác của Walter còn làm chuyển hóa cả... nhà biên kịch. Kết thúc bộ phim ở phần 5, nhà biên kịch kiêm nhà sản xuất Vince Gilligan tâm sự: “Tôi hầu như đã mất sự cảm thông cho Walter trong suốt hành trình. Nhưng tôi thấy hiện tượng xã hội mà trong đó mọi người say sưa vì Walter khá thú vị.

Có lẽ điều đó nói lên bản chất của thể loại hư cấu khi người xem đồng nhất mình ở mức độ nào đó với nhân vật chính, hay có lẽ nhân vật thú vị vì làm tốt công việc của anh ta. Người xem đáp ứng với những người làm tốt việc của mình, ngay cả khi đó là kẻ xấu”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận