5 ghi chú về Ngọc Tuyền opera

NGUYỄN NGUYÊN THẢO 28/11/2009 17:11 GMT+7

TTCT - Vài năm gần đây sân khấu nhạc cổ điển và thính phòng Sài Gòn xuất hiện một gương mặt mới, người được giới báo chí ví von có tiếng hát đẹp như cái tên: Ngọc Tuyền. Và cái tên này dần tìm được vị trí bên cạnh những giọng opera trẻ đã khẳng định như Thu Giang, Anh Bằng...

Phóng to
Ca sĩ opera Ngọc Tuyền - Ảnh: Gia Tiến

Con đường trở thành một solist chững chạc, tự tin của cô ca sĩ opera tuổi ba mươi này đã trải qua nhiều khúc quanh. Có thể tóm lược chân dung Ngọc Tuyền bằng những ghi chú ngẫu hứng...

1. “Tôi là con nhà nghề”! Đó là cách nói bày tỏ sự biết ơn cái nôi gia đình đã nuôi dưỡng cô trong không khí nghệ thuật suốt tuổi thơ tươi đẹp. Cô biết ơn người cha, từng là văn công trong chiến trường rồi tiếp tục theo đuổi ngành văn hóa sau ngày giải phóng, nay là phó giám đốc Công ty Sài Gòn Media - Movie. Cha định hướng cho ba chị em cô đến với những trung tâm văn hóa thiếu nhi ngay từ nhỏ, nhưng mẹ lại cùng nắm tay chị em cô bước vào nghệ thuật.

Năm 1994 gia đình Ngọc Tuyền có ba tin vui: cô, mẹ cô (biên đạo múa Xuân Hồng) và em gái cô (diễn viên múa Ngọc Tú) cùng thi đỗ vào Trường Múa thành phố. Những ngày đầu ba mẹ con dắt nhau đi từ Thủ Đức lên Sài Gòn học múa. Sau đó, “vì sự nghiệp học múa” của ba mẹ con, gia đình cô phải chuyển nhà để tiện đi lại. Ngôi nhà mới trở thành sàn tập ngoại khóa trong những ngày nghỉ của ba mẹ con.

Ngọc Tuyền thi vào hệ B nhưng sau một thời gian thể hiện năng khiếu cô được chuyển sang hệ A và học ba năm. “Có lẽ cái gen là một phần nhưng quan trọng hơn ngay từ nhỏ chúng tôi đã có điều kiện tiếp cận, được nuôi dưỡng tình yêu, sống với không khí biểu diễn trong nhà văn hóa thiếu nhi, được ba mẹ dẫn đi xem rất nhiều chương trình hay. Và từ nhỏ, dù nhút nhát tôi cũng đã âm thầm nuôi dưỡng ước mơ ngày nào đó được bước lên sân khấu. Ngày trước, mỗi khi cha mẹ đi làm, chị em tôi ở nhà quấn mền quanh người, lấy giường làm sân khấu, đứng hát líu lo suốt ngày. Ngày nay, chị em tôi dù học chuyên môn là gì, cuối cùng cũng trở về với nghệ thuật”. Ngọc Tuyền còn kể về cậu em trai đã theo học một ngành kinh tế, nhưng hiện nay lại làm một nghệ sĩ chỉnh nhạc (DJ) khá chuyên nghiệp.

2. Vì sao một vũ công lại trở thành ca sĩ opera?

Võ Thụy Ngọc Tuyền từng tham gia các vai: cô gái Tây nguyên trong vở ca cảnh Tiếng cồng vượt thác (của Lư Nhất Vũ), nàng Carmen trong trích đoạn nhạc kịch George Bizet, vai Ánh Linh trong vở opera Chào Bella. Cô đã đoạt giải ba cuộc thi hát thính phòng - nhạc kịch lần 4-2009.

Tôi thi vào khoa nhạc Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM. Cũng chỉ dám nghĩ đến sau này được làm cô giáo dạy nhạc. Nhưng một cơ duyên khác đã đến: cuối năm 2 ở trường cao đẳng, thầy Huy Giảng phát hiện tôi có giọng tốt khuyên nên theo con đường biểu diễn chuyên nghiệp, cụ thể là phải thi vào nhạc viện. Một lần nữa tôi lại dè dặt thi vào hệ trung cấp Nhạc viện TP.HCM. Nhưng khi tôi thi đỗ thì thầy Quốc Trụ lại khuyên nên nhường suất học đó cho một bạn khác, đợi khóa sau thi thẳng vào đại học. Và tôi đã mất một năm để thi vào hệ đại học, khoa thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM. Tại đây, tôi gặp người mẹ thứ hai của mình là NSƯT Mỹ An, vợ nhạc sĩ Ca Lê Thuần, người đã tận tình dạy lại cho tôi từ đầu, từng chút một về chuyên môn. Thời lượng học của tôi thường gấp đôi các sinh viên khác.

Thời gian này ca sĩ Anh Bằng giới thiệu tôi hát chung với ca sĩ Đức Tuấn và rủ sang Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch để tập các chương trình, đồng thời tôi cũng tham gia dạy múa ở Trường cao đẳng Sư phạm.

* Hiện nay chị thuộc biên chế Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch, ngoài ra còn tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình nhạc giao hưởng, cổ điển lớn. Mong muốn làm giáo viên âm nhạc đã là chuyện quá khứ?

- Tốt nghiệp đại học, tôi được mời về lại trường cũ dạy thanh nhạc. Sau một năm làm cô giáo thì hứng thú với biểu diễn lớn hơn hẳn nên tôi xin nghỉ. Hiện nay tôi đang học cao học, đi sâu vào chuyên môn và cũng tham gia giảng dạy ở nhạc viện. Đây là dịp để tôi truyền niềm say mê nhạc cổ điển của mình cho những thế hệ học trò mới ở cấp độ cao hơn...

3. Những khán giả thường xuyên theo dõi các chương trình nhạc giao hưởng, cổ điển đã biết đến giọng soprano Ngọc Tuyền từ lâu rồi. Còn nhiều bạn trẻ lại biết đến Ngọc Tuyền qua một... chương trình nhạc rock.

Đó là tối 9-8-2008 trên sân khấu nhà thi đấu Nguyễn Du. Trong không khí huyên náo, cuồng nhiệt của một đêm nhạc rock, khi cô ca sĩ opera xuất hiện với bộ váy đỏ lộng lẫy thì đám đông đột ngột yên lặng. Rồi tiết tấu bài The phantom of the opera (Bóng ma trong nhà hát) của Andrew Lloyd Webber vang lên, bài hát được nhóm nhạc rock Unlimited phối lại, kết hợp giữa rock và dàn symphony nhiều kịch tính.

Và có lúc giọng ca vút cao ngây ngất ấy cuốn đi chất rock mộc của Viết Thanh, như phổ thêm chất liêu trai, huyễn hoặc, nâng thêm cao trào cho ca khúc mà trước đó Nightwish, Sarah Brightman, Emmy Rossum & Gerard Butler đã hát rất thành công. Cả rừng người bên dưới như bùng vỡ, dậy sóng...

The phantom of the opera được đánh giá là tiết mục thành công nhất của chương trình rock thể nghiệm Unlimited Symphony.

4. “Tôi đã thể nghiệm nhiều không gian: hát phòng trà, hát chung trên sân khấu với Đức Tuấn, hát với ban nhạc rock, thậm chí hát ở những sân khấu nghệ thuật mang tính ngoại giao... Nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được hát trên chính sân khấu nhà hát và nhạc viện. Đó mới là không gian cho âm nhạc mà tôi chọn. Lúc đó mình mới là mình. Cũng có khi tôi được trải nghiệm một cảm giác thú vị như khi trên sân khấu rock, lần đầu tiên nhận ra sự cuồng nhiệt của khán giả đã tiếp thêm xúc cảm tự do cho giọng hát của mình...

Tôi hiểu chỗ đứng của một ca sĩ theo dòng nhạc cổ điển hết sức khiêm tốn trong bối cảnh hiện nay. Nhưng tôi cũng tin ở đâu đó, người ta vẫn dành cho dòng nhạc này một sự quan tâm, trân trọng. Quốc Trụ, Tạ Minh Tâm, Ánh Tuyết hay Anh Bằng... rõ ràng vẫn có vị trí của họ trong lòng công chúng. Và tôi nghĩ nếu chịu khó rèn luyện thì người hát nhạc hàn lâm, cổ điển vẫn có chỗ đứng lâu bền chứ không nhất thời như bên sân khấu nhạc trẻ, thời trang. Tôi vẫn thường khích lệ học trò của mình như vậy”.

5. Cách đây một năm, Ngọc Tuyền cho biết có ý định ra CD riêng, trình bày những bản nhạc tiền chiến, bán cổ điển. Bẵng một thời gian không gặp, nay hỏi thăm mới biết CD có tên Hương xưa do cô tự thực hiện dù gần như đã hoàn thành thì đành phải gác lại chỉ vì lý do “bản thân mình thấy thiếu thiếu”. Cái thiếu đó là gì? Cô ca sĩ điềm đạm: “Có lẽ là sự trải nghiệm”.

Sự cầu toàn và nghiêm túc là điều rất đáng quý nơi cô ca sĩ opera trẻ và triển vọng này.

“Là một ca sĩ được đứng trên sân khấu, tự do theo đuổi điều mình yêu thích, tìm cách tạo lập giá trị của riêng mình, tôi cảm thấy hài lòng với sự chọn lựa của mình. Tôi xác tín với sự chọn lựa ấy” - Ngọc Tuyền nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận